Nga đã đưa tên lửa hạt nhân đến biên giới phía tây?

Thế giớiThứ Tư, 01/12/2010 01:36:00 +07:00

(VTC News) – Một quan chức giấu tên của Mỹ ngày 30/11 tuyên bố, Nga đã triển khai ở khu vực biên giới phía Tây một vài tổ hợp tên lửa hạt nhân cấp chiến thuật.

(VTC News) – Một quan chức cấp cao dấu tên của Mỹ ngày 30/11 tuyên bố, Nga đã triển khai ở khu vực biên giới phía Tây một vài tổ hợp tên lửa hạt nhân chiến thuật.

 

Mỹ phát hiện Nga triển khai các tổ hợp tên lửa hạt nhân chiến thuật ở khu vực gần biên giới phía Tây. (Ảnh minh họa). 

Theo nhận định của quan chức cấp cao này, Nga đã triển khai các tổ hợp tên lửa hạt nhân ở biên giới phía Tây từ mùa xuân năm 2010. Tuy nhiên, tuyên bố này lại chưa chỉ ra cụ thể loại tên lửa nào cũng như vị trí triển khai cụ thể của chúng ở đâu.

 

Về phần mình, hiện Nga vẫn chưa có bất cứ phản ứng nào trước tuyên bố này của quan chức giấu tên Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cũng bày tỏ lo ngại rằng, đây chỉ là "màn kịch" của các chính trị gia Mỹ, những người phản đối Mỹ phê chuẩn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START-3) với Nga.

 

Năm 2008, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã từng tuyên bố, Nga có thể triển khai tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander tại tỉnh Kaliningrat, nhằm đáp trả kế hoạch triển khai các thành tố của hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia NMD tại Séc và Ba Lan.


Tiếp theo đó, đến đầu năm 2009 Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdiukov lại một lần nữa nhắc lại tuyên bố này nếu Mỹ không chịu từ bỏ kế hoạch triển khai “lá chắn” phòng thủ Đông Âu.


Tuyên bố này của quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ đã được đưa ra vào đúng thời điểm Thượng viện Mỹ đang nghiên cứu, xem xét phê chuẩn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3).

 

Đặc biệt, các quan chức Mỹ phản đối Hiệp ước START-3 lại chỉ ra rằng, việc Nga cho triển khai các tổ hợp tên lửa chiến thuật ở biên giới phía Tây là vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận song phương mà hai nước đã ký kết trước đó.

 

Hơn nữa, các quan chức này còn chỉ ra, Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược có đề cập tới cả vấn đề vũ khí hạt nhân chiến thuật, bởi vậy phê chuẩn Hiệp ước START-3 là hoàn toàn không hợp lý.


Không chỉ có vậy, những người phản đối Mỹ phê chuẩn Hiệp ước START-3 còn chỉ ra, Nga và Mỹ đã đạt được thỏa thuận rằng, trước khi hai bên phê chuẩn Hiệp ước thì không bên nào được phép sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.


Như vậy, động thái Nga triển khai tổ hợp tên lửa hạt nhân chiến thuật ở khu vực biên giới phía Tây là vi phạm thỏa thuận song phương giữa hai bên nên Hiệp ước START-3 sẽ không thể phê chuẩn.

 

Tiến trình phê chuẩn Hiệp ước START-3 đáng ra đã diễn ra sớm hơn, song do có sự phản đối của phe Cộng hòa nên mới kéo dài tới thời điểm này. Để phê chuẩn Hiệp ước này cần phải có 67 phiếu thuận của các Thượng Nghị sỹ trong khi Đảng Dân chủ hiện nay chỉ chiếm có 59 ghế trong Thượng viện sau lần bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua.

 

Mặc dù vậy, song trong tuyên bố gần đây Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn khẳng định Thượng viện Mỹ sẽ phê chuẩn Hiệp ước này trong năm nay. Trong khi đó, phía Nghị viện Nga hiện nay cũng chưa chính thức phê chuẩn hiệp ước này.

 

Hữu Kỷ - Nhật Minh (Theo Lenta) 

Bình luận
vtcnews.vn