Nga công nhận độc lập của DPR và LPR: Thỏa thuận Minsk III sẽ ra đời?

Tư liệuThứ Tư, 23/02/2022 14:45:59 +07:00
(VTC News) -

Liệu chiến tranh có xảy ra sau khi Nga công nhận độc lập 2 nước Cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Chỉ vài tiếng sau khi Nga công nhận độc lập 2 nước Cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine, một nghị sĩ cấp cao Nga đã nhận định rằng biên giới của các nước Cộng hòa này nên được "khôi phục".

“Sẽ không có một cuộc chiến lớn”

Nga công nhận độc lập của DPR và LPR: Thỏa thuận Minsk III sẽ ra đời? - 1

Binh lính Ukraine. (Ảnh: Getty)

Phe ly khai ở miền Đông Ukraine được Nga hậu thuẫn đã thành lập các nước Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk vào năm 2014 sau các cuộc “trưng cầu dân ý” không được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, họ chỉ kiểm soát khoảng 1/3 khu vực so với những gì được định nghĩa trong các cuộc "trưng cầu dân ý" này, nghị sĩ Nga Leonid Kalashnikov cho biết ngày 22/2.

Thông báo này cho thấy Moskva sẵn sàng ủng hộ phe ly khai về mặt quân sự nhưng điện Kremlin vẫn chưa quyết định liệu có chiến tranh với Ukraine hay không.

Cũng chỉ trong vài tiếng sau đó, ông Kalashnikov cho biết thỏa thuận giữa Nga với các nước Cộng hòa tự xưng này "không nêu cụ thể về vấn đề biên giới". Điều đó tức là, dường như chiến tranh không phải là một lựa chọn đã được quyết định.

Tại Ukraine, các cựu chiến binh, các nhà quan sát và những người sinh sống ở khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát đều cho rằng một cuộc chiến tranh toàn diện sẽ không xảy ra.

"Tôi không tin là sẽ có một cuộc chiến lớn. Nhưng vẫn có những lý do để lo ngại", Mikhail Pogrebisnky, một nhà phân tích tại Kiev cho hay.

Nhiều vấn đề đang dựa vào quyết định của Tổng thống Volodymyr Zelensky và lập trường chính trị nghiêng về phía phương Tây của chính phủ Ukraine.

"Nếu Kiev tiếp tục bảo vệ lợi ích của Mỹ thay vì của Ukraine và nếu Kiev tự đưa mình trở thành tiền tuyến chống lại Nga thì điều đó có lẽ sẽ dẫn đến những hành động quân sự nghiêm trọng", nhà quan sát Pogrebisnky cho hay.

Việc Nga công nhận "các địa giới hành chính" của Donetsk và Lugansk có lẽ sẽ đồng nghĩa với việc Nga đưa ra một tối hậu thư chính trị, thay đổi cấu trúc quốc gia của Ukraine.

Nhà phân tích Aleksey Kushch nhận định với Al Jazeera rằng Moskva có lẽ sẽ đưa ra "tối hậu thư yêu cầu quân chính phủ Ukraine rút khỏi" các khu vực mà lực lượng này kiểm soát tại các nước Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk.

Điều này có lẽ cũng tương tự như kịch bản ở Gruzia năm 2014 khi Nga leo thang căng thẳng với Gruzia và công nhận độc lập 2 khu vực của nước này là Nam Ossetia và Alkhazia.

Tính toán tiếp theo của Nga: Thỏa thuận Minsk III?

Theo nhà quan sát Mansur Mirovalev, Nga có lẽ sẽ buộc Kiev phải ký các thỏa thuận thay thế 2 thỏa thuận hòa bình là Minsk I và Minsk II.

Minsk được Nga và Ukraine ký kết vào tháng 9/2014 bao gồm các nội dung như trao đổi tù nhân, cung cấp cứu trợ nhân đạo và rút các vũ khí hạng nặng khỏi biên giới. Tuy nhiên, việc cả hai bên đều vi phạm đã khiến thỏa thuận sụp đổ và Thỏa thuận Minsk II đã ra đời vào tháng 2/2015.

Nga công nhận độc lập của DPR và LPR: Thỏa thuận Minsk III sẽ ra đời? - 2

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass

Thỏa thuận này bao gồm các điều khoản như các cuộc đối thoại giữa chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai, ân xá cho binh lính bất kể tội trạng chiến tranh của họ và cải cách hiến pháp để "phi tập trung" Ukraine, cũng như trao cho các khu vực trên quyền tự trị lớn hơn.

Trên thực tế, Kiev chỉ đồng ý với Minsk II do chính phủ nước này bị dồn vào thế bí về chính trị và quân đội chịu tổn thất nặng nề.

Hiện nay, nếu có, một thỏa thuận Minsk III có lẽ sẽ bao gồm những điều khoản yêu cầu Ukraine trao cho các khu vực trên quyền bán độc lập về các vấn đề đối nội như sử dụng tiếng Nga hoặc duy trì mối quan hệ thân thiết hơn với Nga.

Trước đó, căng thẳng đã leo thang sau khi Ukraine cấm sử dụng "các ngôn ngữ khu vực" như tiếng Nga và tiếng Hungary tại các trường công và trong các tài liệu.

Mặc dù căng thẳng hiện nay leo thang nhưng nhiều người Ukraine vẫn cho rằng chiến tranh không ở ngay trước mắt.

"Nguy cơ chiến tranh nhìn chung cao hơn nhưng mọi thứ vẫn phụ thuộc vào việc quân đội Nga sẽ làm gì ở Donetsk và Lugansk", Svitlana Medviedeva - một cư dân rời Donetsk năm 2014 tới Kiev cho hay.

Sau khi liên lạc với bạn bè và người thân ở đây, cô cho biết, tới nay "không có chiến dịch quân sự đặc biệt nào sắp diễn ra".

Kiều Anh(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp