Thấy dấu hiệu này hãy đưa ngay con tới bệnh viện, nếu không muốn trẻ mất mạng

Sức khỏeThứ Năm, 04/10/2018 16:14:00 +07:00

Tay chân miệng là bệnh có thể chuyển biến nặng rất nhanh, vì thế cha mẹ cần để ý kỹ những dấu hiệu bất thường ở con, đưa con đi cấp cứu nếu không sẽ có nguy cơ mất mạng.

Đại diện Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba cho biết, những ngày gần đây, bệnh viện đang tiếp nhận số bệnh nhân tay chân miệng tăng đột biến. 3 - 4 tuần trước, trung bình 1 ngày chỉ có 3 - 4 ca tay chân miệng vào khám bệnh. Nhưng, trong vài ngày gần đây, số bệnh nhi mắc bệnh có dấu hiệu tăng cao, mỗi ngày có có tới 8 - 10 ca đến khám.

Đa phần các ca bệnh ở thể nhẹ với các dấu hiệu như sốt vẫn có kiểm soát được nhiệt độ, trẻ tỉnh táo, vẫn ăn uống được...

Trẻ sẽ được các bác sĩ bệnh viện chỉ định điều trị tại nhà bằng thuốc hạ sốt theo liều, vệ sinh răng miệng bằng các dung dịch sát khuẩn dịu nhẹ, bôi các nốt phỏng bằng các dung dịch sát khuẩn betadin, xanhmetylen, uống đủ nước, dinh dưỡng đầy đủ dễ tiêu, tăng cường vitamin bằng hoa quả tươi. Bệnh hầu hết đều tự khỏi sau 1 tuần mắc bệnh.

chan tay mieng

 Các chuyên gia lo ngại về sự bùng phát của bệnh chân tay miệng. (Ảnh: VTC Now)

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Thị Anh Xuân, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam – Cuba, cha mẹ không nên chủ quan vì bệnh tay chân miệng chuyển biến nặng rất nhanh. Có những dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển sang độ nặng và khi đó trẻ cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo bác sĩ Xuân, nếu trẻ sốt cao liên tục, không kiểm soát được nhiệt độ, mệt mỏi li bì, giật mình cả khi thức lẫn khi trẻ ngủ, quấy khóc liên tục bất thường, cha mẹ không thể chần chừ, ngay lập tức đưa con đến bệnh viện điều trị gấp.

“Giật mình là một trong những triệu chứng sớm của nhiễm độc thần kinh, đặc biệt nguy hiểm. Nếu con bị tay chân miệng phụ huynh cần chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, lúc ngủ. Chú ý quan sát tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

Nếu triệu chứng giật mình đi kèm với sốt cao liên tục, khó kiểm soát nhiệt độ, trẻ quấy khóc nhiều, các mẹ cần đưa bé đến ngay bệnh viện để tránh biến chứng viêm não, màng não”, BS Xuân nhấn mạnh.

Trước tình trạng ngày càng nhiều trẻ nhập viện vì bệnh tay chân miệng, BS.TS. Nguyễn Thị Anh Xuân khuyến cáo cha mẹ cần đặc biệt lưu ý làm tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, theo dõi, phát hiện sớm để kịp thời điều trị, cách ly, tránh lây nhiễm cho các trẻ khác.

"Đối với nhà trường, các thầy cô cần thường xuyên giữ vệ sinh lớp học, lau sạch vật dụng, bề mặt tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, sàn nhà bằng xà phòng hoặc bằng các chất tẩy rửa thông thường để đảm bảo vệ sinh cho trẻ", bác sĩ Xuân nói.

Tay chân miệng là 1 bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra, bệnh lây từ người sang người theo nhiều con đường. Đó là các con đường như qua những giọt dịch tiết từ đường hô hấp, qua các bề mặt nhiễm bẩn hoặc chất thải.

Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có vắcxin phòng bệnh đặc hiệu. Người dân có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bằng các biện pháp vệ sinh thường xuyên và can thiệp y tế kịp thời khi các bệnh nhi có triệu chứng nghiêm trọng.

Video: Chủng virus khiến 6 ca thiệt mạng gần đây nguy hiểm thế nào?

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn