Nếu không tận dụng cơ hội từ ASEAN, doanh nghiệp VN sẽ bị áp lực cạnh tranh lớn

Thế giớiThứ Năm, 18/08/2016 17:28:00 +07:00

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói rằng Việt Nam đang bị chậm trong việc tận dụng cơ hội của cộng đồng ASEAN và nếu không biết tận dụng điều này, áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai sẽ rất lớn.

Trước thềm Hội nghị Ngoại giao 29 và Hội nghị Ngoại vụ 18, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có buổi trả lời phỏng vấn báo chí về các vấn đề ngoại giao nổi bật trong giai đoạn hiện nay.

Trả lời câu hỏi của VTC News về tình hình ASEAN hiện nay khi có nhiều thông tin nói vai trò trung tâm và sự đoàn kết của khối đang gặp nhiều thách thức, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói:

“Từ khi thành lập, các thành viên ASEAN hiểu rằng, nhóm chỉ có vai trò trong quốc tế và khu vực khi là một khối thống nhất, sự đoàn kết nội khối được đảm bảo. Vì vậy, ASEAN có 2 vấn đề trọng tâm là vai trò trung tâm và sự đoàn kết.

Nếu đứng riêng rẽ, các thành viên ASEAN có thể nói đa số là các nước vừa và nhỏ, không thể có vai trò, vị thế lớn trên thế giới. Tuy nhiên, nếu các thành viên đoàn kết, cùng có tiếng nói chung thì từng nước sẽ có thế mạnh riêng cùng với cộng đồng ASEAN.

Cơ chế của sự đoàn kết bên trong ASEAN đó là đưa ra được các quyết định trên cơ sở đồng thuận với mục tiêu là các nước cùng nhau đạt được lợi ích tối thiểu, vì nước nào cũng muốn lợi ích tối đa thì sẽ không đạt được sự đồng thuận”.

PTT-Pham Binh Minh-1

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời báo chí sáng 18/8 - Ảnh: Tùng Đinh

Phó Thủ tướng cho rằng, trong thời gian vừa qua, có những vấn đề tưởng chừng phá vỡ sự đoàn kết của ASEAN như vấn đề Biển Đông.

Nhưng trong ASEAN không chỉ có Biển Đông, có nhiều vấn đề khác cũng có lúc gây ra khó khăn với các thành viên, tuy nhiên, các nước vẫn cố gắng đạt được sự đồng thuận.

“Có những bình luận cho rằng, quan điểm của ASEAN không được như mong đợi, tuy nhiên đó các quan điểm đạt được với mẫu số chung lớn nhất với lợi ích tối thiểu của từng quốc gia”, Phó Thủ tướng cho biết thêm.

Video Tòa trọng tài bác bỏ yêu sách 'đường lưỡi bò' của Trung Quốc

Trả lời câu hỏi về những thuận lợi và thách thức của Việt Nam hiện nay khi xây dựng cộng đồng ASEAN trở thành trọng tâm đối ngoại, Phó Thủ tướng cho rằng:

“Ra đời tháng 1/2016 nhưng không có nghĩa Cộng đồng ASEAN có thể đột ngột hình thành, đây là một quá trình kéo dài nhiều năm. Khi hình thành là lúc các mục tiêu đề ra của cộng đồng được thực hiện xong.

Cho đến ngày 31/12/2015, Việt Nam đáp ứng được 93/95 mục tiêu để thành lập Cộng đồng ASEAN, chỉ đứng sau Singapore. Đến nay, hầu hết các thành viên đã hoàn thành các mục tiêu này.

Việt Nam, có thể nói là một trong những quốc gia tích cực thực hiện các mục tiêu, vì trách nhiệm, vì thấy được lợi ích của việc hình thành Cộng đồng ASEAN.

Cụ thể, đó là quan hệ hữu nghị, sự tin cậy chính trị giữa các nước ASEAN mà bây giờ có thể xem như đã trở thành người trong một nhà.

Ngoài ra, Cộng đồng ASEAN cũng đem lại những thuận lợi về kinh tế với thị trường rất rộng lớn, có đến hơn 600 triệu dân. Trước đây, thị trường nội địa chỉ 90 triệu dân thì thị trường mới đã lớn hơn gấp 6 lần khi không còn hàng rào thuế quan.

Chưa kể đến, Việt Nam còn được hưởng ưu đãi đến năm 2018 mới phải xóa bỏ hoàn toàn các mức thuế mà hiện nay chỉ có các nước phát triển phải bỏ.

PTT-Pham Binh Minh-5

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Mình - Ảnh: Tùng Đinh

Có thể nói, Cộng đồng ASEAN có thể biến khu vực thành một cơ sở sản xuất chung, có những tiêu chuẩn chung cho các thành viên, ví dụ như công nhận một số ngành nghề, công nhân lao động chất lượng cao để tạo nên sự di chuyển của lực lượng lao động.

Bên cạnh những thuận lợi trên, thách thức đối với Cộng đồng ASEAN cũng rất lớn, đó là khoảng cách về phát triển trong các nước thành viên.

So với các cộng đồng khác hiện nay trên thế giới, ví dụ như châu Âu, họ có khoảng cách phát triển nhưng không lớn như ASEAN. Điều này sẽ tạo ra khó khăn cho các nước đang phát triển, chậm phát triển vì yếu kém trong khả năng cạnh tranh.

Video tuyên bố chung giữa ASEAN và Mỹ tại Hội nghị thượng đỉnh Sunnylands

Một thách thức nữa là nhận thức của người dân, nhận thức của doanh nghiệp không đủ để tranh thủ các lợi thế của cộng đồng.

Trên thực tế, 6 tháng vừa qua, Việt Nam đang bị chậm trong việc tận dụng cơ hội của cộng đồng ASEAN. Trong khi đó, Thái Lan đã mua được một số thương hiệu ở Việt Nam và sau đó hàng hóa của Thái Lan sẽ tràn vào thị trường trong nước.

Vì vậy, nếu không biết tận dụng, áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai sẽ rất lớn”.

Tùng Đinh
Bình luận
vtcnews.vn