Nếu bóng đá Việt học binh pháp Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thể thaoThứ Bảy, 18/01/2014 07:55:00 +07:00

Hôm rồi, nhân câu chuyện về bóng đá, một chuyên gia đã khẳng định: “Đại tướng là người yêu bóng đá và nếu áp dụng binh pháp Võ Nguyên Giáp vào quản lý và huấn luyện bóng đá, chắc chắn sẽ thành công”. Vậy binh pháp của Đại tướng và bóng đá liệu có mối liên hệ thực sự nào với nhau?

    Cái bắt tay của hai ông Giáp

    Một bức ảnh chưa được công bố do cố nhà báo lão thành Phan Sang thực hiện đã chớp được khoảnh khắc rất đẹp trên khán đài sân Hàng Đẫy năm 1970. Đó là cái bắt tay của hai con người nổi tiếng cùng tên là Giáp: Đại tướng, Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam Võ Nguyên Giáp và trung vệ Thể Công Nguyễn Trọng Giáp. Cầu thủ đá bóng, quân nhân Nguyễn Trọng Giáp kính cẩn nghiêng mình chìa tay trước Đại tướng đang tươi cười, đôi mắt ánh lên niềm tin.

    Bức ảnh lịch sử - cuộc gặp gỡ của hai ông Giáp: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cầu thủ Thể Công Nguyễn Trọng Giáp.


    “Dường như lúc ấy, khi trận đấu chưa bắt đầu, Đại tướng đã tin chúng tôi chiến thắng - ông Trọng Giáp nói - niềm tin ấy đã hun đúc và lan truyền cho chúng tôi suốt trận đấu đó”.

    Đó chính là trận đấu đi vào lịch sử của Thể Công ngày 2.9.1970, Thể Công gặp tuyển Cuba. Đội bạn dẫn trước 2 - 0 sau đó lần lượt Phan Văn Mỵ, Ba “Đẻn” gỡ hòa 2 - 2 và cuối cùng Thể Công lội ngược dòng ngoạn mục. Trận đấu đã thể hiện bản lĩnh Thể Công, tinh thần thi đấu quật cường và quan trọng là đã thể hiện được nghệ thuật trong triết lý quân sự của Đại tướng đó là “lấy yếu chế mạnh”. 

    Ông Nguyễn Trọng Giáp - nguyên Phó phòng các đội tuyển của VFF cho rằng: “Khi thi đấu với các đội tuyển mạnh hơn, các cầu thủ Việt Nam thường ở thế yếu về thể lực và thể hình. Vậy phải làm thế nào khắc chế được điều này? Tôi nghĩ phải đa dạng và biến hóa trong lối chơi. Lúc thì phải “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa” nhưng khi cần, phải biết “đánh chắc, thắng chắc”. Nhưng tất cả những điều trên phải phụ thuộc vào một yếu tố quan trọng: Niềm tin. 

    Khi chúng tôi vừa là cầu thủ vừa là người lính, tư tưởng của Đại tướng rất rõ đó là ý chí dám chiến đấu, tự tin vào bản thân dù đối phương có mạnh đến như thế nào. Biết là khó khăn nhưng luôn nghĩ chiến đấu và tự tin vào chiến thắng.
    Chính yếu tố niềm tin để thế hệ của chúng tôi sau này có được chiến thắng trước tuyển Cuba rất mạnh hay chiến thắng trước Bát Nhất của Trung Quốc năm 1961. Đó là những trận đấu không thể nào quên”.

     Tướng Giáp và những cầu thủ Thể Công


    Binh pháp và chiến lược trong huấn luyện

    Ông Nguyễn Sỹ Hiển - nguyên Trưởng phòng các đội tuyển, hiện là Chủ tịch Hội đồng HLV Quốc gia thừa nhận: “Đúng là trong quá trình tìm HLV cho đội tuyển, chúng ta vẫn loay hoay giữa các yếu tố chọn người từng rất giỏi về chuyên môn, như một cầu thủ nổi tiếng chẳng hạn hay một nhà chiến lược. Thường thì vẫn nghiêng về phương án thứ nhất. Đó là điều khá đáng tiếc và điều này dẫn đến việc đội tuyển thiếu nền tảng và thường bị thay đổi theo từng thời kỳ HLV”.

    Nó là căn bệnh trong bóng đá. Người ta thường trầm trồ trước một ông thầy có thể thị phạm đá quả bóng đi trúng đích nhưng một nền bóng đá cần đôi khi là những nhà chiến lược mặc complet, cài bông hoa trước ngực và tới sân bóng thay vì mặc quần đùi đi giày luyện tập cùng cầu thủ.

    Những Mourinho, Alex Ferguson không phải là những cầu thủ giỏi, họ là những nhà chiến lược giỏi. Bóng đá Việt đang thiếu và cần những nhà chiến lược có tầm nhìn xa như vậy.

    Nhà quản lý hay nhà lãnh đạo?

    Bóng đá Việt Nam đang có những khủng hoảng về đường hướng và tư duy phát triển. Trong đó có cả việc chọn và tìm người đứng đầu Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF).

     

     

    Đã có doanh nhân hiểu và biết bóng đá chỉ thẳng ra rằng: “Nếu VFF học được ở tướng Giáp tinh thần của nhà lãnh đạo thì sẽ tìm được những người đứng đầu phù hợp cho sự phát triển bền vững. Lâu nay, VFF vẫn theo xu thế đi tìm nhà quản lý chứ không phải tìm nhà lãnh đạo, đặc biệt trong quá trình giải quyết khủng hoảng của bóng đá. 

    Nguyên lý quản lý cho thấy nhà quản lý thì tìm cách chống lại khủng hoảng, nhà lãnh đạo thì sáng tạo trong khủng hoảng. Nhà quản lý tìm cách tồn tại, nhà lãnh đạo tìm cách để chiến thắng. Nhà quản lý nhắm tới thành công, nhà lãnh đạo nhắm tới chinh phục. Nhà quản lý làm cho VFF tốt lên nhưng nhà lãnh đạo thì làm cho VFF có thể phát triển bền vững. Nhà quản lý thường tham lam, nhà lãnh đạo đầy tham vọng”.

    Chỉ cần áp từng tiêu chuẩn vào thì sẽ biết ai có thể là nhà quản lý và ai có thể là nhà lãnh đạo VFF.

    Bóng đá là một lát cắt của xã hội. Trong quá trình đi tìm đường hướng cho sự phát triển của một đội tuyển, hay lớn hơn là một Liên đoàn bóng đá thì binh pháp của tướng Giáp cũng như những bài học mà Đại tướng để lại chính là những chiếc chìa khóa vàng cho bóng đá Việt Nam. 

    Bình luận
    vtcnews.vn