Nên hay không lựa chọn “Singer mom”

Tổng hợpThứ Sáu, 26/11/2010 04:35:00 +07:00

...Tôi đã từng nghĩ rằng, việc tự mình nuôi một đứa trẻ không có gì là quá khó khăn chỉ cần mình yêu thương chúng hết lòng...

Nên hay không lựa chọn “Singer mom”

 Phải thú nhận, tôi đã từng có một thời kỳ lãng mạn điên rồ. Đó là thích nuôi con một mình mà không cần đến chồng. Tôi đã từng nghĩ rằng, việc tự mình nuôi một đứa trẻ không có gì là quá khó khăn chỉ cần mình yêu thương chúng hết lòng. Nhưng rồi bây giờ, khi đã làm mẹ (tất nhiên không phải Singer mom) tôi mới hiểu ra một điều, sinh ra một đứa trẻ khỏe khoắn, thông minh đã vất vả nhưng chăm sóc và nuôi nấng chúng đúng cách còn khó khăn gấp trăm vạn lần.

 

 

Không có ai lựa chọn đơn thân

Một lần trong khi theo dõi ghi hình chương trình Viptalk ở trường quay S4 bàn về chủ đề Những bà mẹ đơn thân, tôi đã tranh thủ trò chuyện dăm ba câu với một vị khách mời. Ông này là Chuyên gia tư vấn tình cảm, tâm lý Đinh Đoàn, có 17 năm luẩn quẩn (theo cách ông nói) tư vấn chuyện con cái, vợ chồng cho biết bao người. Ông bảo, mỗi ngày ông có tới hàng trăm cuộc điện thoại xin tư vấn, đủ mọi chuyện khác nhau. Trong đó, ông nhớ có một lần vào dịp giao thừa thì nhận được điện thoại của một bà mẹ trẻ tha thiết xin ông đóng vai... bố của con chị để nói với đứa trẻ là “bố xin lỗi vì Tết này bố không thể về với con”. Thì ra là, chị này nuôi con một mình suốt nhiều năm, khi đứa trẻ lớn lên và có nhận thức, nó bắt đầu hỏi bố đâu? Hết lần này đến lần khác, chị nói dối là Tết bố về, vậy là đứa bé lớn lên trong sự mong đợi rồi đến một lúc, nó không tin vào lời hứa của mẹ nữa và bắt đầu đòi hỏi những “chứng cứ” xác thực nhất về sự tồn tại của ông bố. Kỷ niệm này khiến bác sĩ Đinh Đoàn nhớ mãi, phần vì ám ảnh bởi mình đã đồng lõa lừa dối một đứa trẻ, phần thì cảm thấy xót xa thương đứa bé.

Tôi hỏi ông, “ông có nghĩ rằng, chọn nuôi con một mình là xu hướng của phụ nữ hiện đại không?”. “Tôi không nghĩ có người lựa chọn nuôi con một mình mà vì hoàn cảnh đưa đẩy nên buộc phải như thế. Và đến lúc phải đối diện với nó thì không lẽ lại nói tôi muốn mà không được. Thế nên họ chọn cách gồng mình lên và nói theo kiểu thách thức lề thói rằng, tôi thích thế đấy, tôi lựa chọn thế đấy.

Thực ra, trong thâm sâu mỗi con người, ai cũng muốn có một mái ấm cho dù cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng vui vẻ, cũng có những giây phút “địa ngục”. Tuy nhiên những giây phút ấy có là gì đâu so với cảm giác có gia đình, có một chỗ dựa. Tôi không muốn nói đến vấn đề kinh tế vì bây giờ, nhiều phụ nữ kiếm tiền rất giỏi, thậm chí có công ty riêng, thu nhập khá, có xe hơi nhà lầu. Việc nuôi hai đứa con không phải là cái gì về mặt kinh tế, có chị còn nuôi được cả chồng cơ. Nhưng nuôi hai đứa trẻ do mình đẻ ra không giống như chu cấp tiền để nuôi hai đứa nhỏ mồ côi. Trẻ con cần có một gia đình êm ấm, một không gian lý tưởng để nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, tri thức và rất nhiều thứ khác nữa…

Một gia đình thiếu cha, hoặc mẹ là một gia đình khiếm khuyết. Người ta vẫn nói, đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Nếu thiếu vai trò của người đàn ông trong gia đình, thì đương nhiên cả hai trách nhiệm ấy dồn cả lên vai người phụ nữ. Nhưng trong nhận thức non nớt của đứa trẻ, cho dù người mẹ có nỗ lực đến bao nhiêu vẫn không thể lấp đầy chỗ trống mà người cha để lại. Ông bà ta vẫn nói trẻ cậy cha, già cậy con. Cậy ở đây nghĩa là: “bố tớ làm phi công, bố tớ còn là nhà báo cơ”... Vậy những đứa trẻ thiếu cha, chúng sẽ nói thế nào?

Thật ra số lượng người tự nguyện nuôi con một mình so với những người khát vọng có gia đình không lớn lắm và không đại diện cho một xu thế xã hội”, bác sĩ Đinh Đoàn trả lời.

“Tuy vậy, việc những người nổi tiếng công khai nuôi con một mình rất có thể gây ra những “hiệu ứng” tâm lý xã hội hoặc trào lưu nuôi con một mình lắm chứ?”, tôi vặn lại. Ông bảo, “chắc chắn nó sẽ có tác động đến đối tượng phụ nữ khác đặc biệt là những người trẻ. Ví dụ có những chị kỹ tính quá, những chị đang ngấp nghé ở lứa tuổi “hàng chậm luân chuyển”, những bạn gái trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời sẽ nghĩ “ừ đấy, cô ấy chẳng có chồng mà vẫn nuôi được con thì mình cũng thế, cần gì đàn ông”.

Những người nổi tiếng thường có nhiều ảnh hưởng đến giới trẻ, đến xã hội. Nếu có những chị công khai, thậm chí nói rằng nuôi con một mình hay lắm, thích lắm thì việc có nhiều người muốn thử cũng là điều dễ hiểu. Bởi vậy, tôi nghĩ, truyền thông cũng nên định hướng cho đúng mức cách nhìn nhận về vấn đề này. Nếu các bạn không phải là các chị ấy thì đừng nên bắt chước”.

“Tóm lại, mỗi người một số phận, một hoàn cảnh nhưng, trong khả năng có thể thì hãy cố giữ lấy hạnh phúc của mình”, vị khách mời chỉnh lại cà vạt rồi chia tay tôi để bước vào buổi ghi hình.

 

 

Đối diện với vấn đề của Singer mom

Có nhiều tranh cãi xung quanh việc có nên “lựa chọn” đơn thân nuôi con hay không. Tôi đã đọc được một vài “comment” rất cảm động thế này trên một diễn đàn:

“Tôi có chồng và một con nhỏ 4 tuổi. Chúng tôi ly thân khi cháu được 27 tháng tuổi. Tôi tự nhủ, mình sẽ làm mọi thứ để bù đắp cho con tất cả sự thiếu hụt khi không có bố. Sáng đưa con đến lớp, chiều đón con và cho đi chơi một chút rồi về. Tôi luôn cố gắng dành nhiều thời gian chơi cùng con, mua cho con nhiều đồ chơi hơn, chăm đưa con đi hiệu sách và siêu thị hơn. Phải nói con được chiều hơn khi có bố ở nhà.

Và câu chuyện bắt đầu vào một buổi chiều. Cũng như bao buổi chiều, mẹ cố gắng đón con sớm, rồi cho con chơi ở tầng một với các bạn trước khi về nhà hoặc đi chơi chỗ khác. Con đang chơi bể bóng cùng vài bạn, thì một bạn có bố đến đón. Bố bạn ấy chỉ đứng nhìn và cười thôi.

Tự nhiên, con ngừng chơi, trèo ra khỏi bể, đứng tựa lưng vào tường và nhìn bố con bạn ấy bằng ánh mắt ầng ậc nước, ánh mắt con buồn, tôi chưa bao giờ thấy con thể hiện sự thèm thuồng có bố như lúc đó. Tôi gọi thế nào con cũng không nghe, tôi bảo sẽ đưa đi chơi con cũng không cần, tôi nói: mẹ yêu con, con cũng không thèm nhìn mẹ, con cứ nhìn bạn, nhìn bố bạn và bắt đầu khóc.

Tôi cũng bắt đầu khóc, tôi thấy mình bất lực, thấy mình chẳng có ý nghĩa gì với con lúc này, dù cố gắng đến bao nhiêu, làm bất cứ điều gì cũng không bù đắp nổi hình ảnh người bố trong con. Con hỏi “mẹ ơi, bạn có bố đón hả mẹ?”. Mẹ trả lời đúng con ạ, hôm nào bố đi công tác về bố sẽ đón con nhé. Con lại hỏi “Bố đi lâu thế hả mẹ?”. Tôi trả lời “bố sắp về rồi con ạ. Con muốn đi chơi không?”. Con nói “không mẹ ạ, chờ bố về rồi bố đưa con đi chơi thôi”.

Tôi đã khóc suốt quãng đường về và suốt cả đêm hôm đó. Có thể mai con sẽ quên, sẽ quen, nhưng hình ảnh con đứng nhìn làm tôi thấy mình thực sự bất lực và nhận ra dù người mẹ có cố gắng đến bao nhiêu thì cũng không bao giờ thay thế được bóng dáng người bố trong gia đình”.

Có lẽ thật vô cùng, vô tận khi nói “có nên” hay “không nên” chọn đơn thân hay không, bởi cuộc sống con người cũng như bức tranh có muôn màu sắc. Mô hình gia đình truyền thống có thể phù hợp với người này mà không phù hợp với người khác.

Cũng đừng nghĩ rằng đàn bà có chồng thì hạnh phúc hơn, vì hạnh phúc cũng có vô vàn hình dạng. Không ai trên đời hoàn toàn hạnh phúc, cũng chả ai hoàn toàn bất hạnh.

“Tôi tin, nếu một đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi một người mẹ đơn thân lạc quan, tự tin và hạnh phúc, thì nó sẽ cảm thấy thoải mái với hoàn cảnh của gia đình mình. Một người mẹ tự tin và hạnh phúc thì chắc chắn cũng truyền được cảm giác đó sang cho con mình.”

“Mình thấy mô hình gia đình truyền thống là quy luật của tạo hóa. Nó đẹp và thiêng liêng, nhưng nó không phải là lựa chọn duy nhất. Mỗi người là mỗi số phận, và vì thế con đường đi tìm và xây dựng hạnh phúc sẽ chẳng ai giống ai. Sống trong một xã hội văn minh, thì hãy biết suy nghĩ nhân bản. Đừng ném đá hay dè bỉu vào những quyền thiêng liêng của người phụ nữ, cho là single mom chỉ là trào lưu hay trò khoe khoang của những cô gái thành đạt, hoặc nói rằng con của single mom thì bất hạnh hơn những đứa trẻ khác.”

“Single mom không phải là một lựa chọn tệ. Tệ hơn cả là có một người đàn ông bên mình, nhưng anh ta không cho mình cảm giác hạnh phúc và bình yên. Khao khát làm mẹ nhưng không vì thế mà vớ bừa hay chấp nhận một anh chồng tệ, đấy mới là người phụ nữ thông minh và có trách nhiệm với cuộc đời mình, với con cái mình”…

Là người trong cuộc Phan Ý Ly (người đã từng nhận học bổng của Chính phủ Anh và tốt nghiệp hạng ưu về Sử dụng nghệ thuật trong phát triển con người. Cô đã có 10 năm kinh nghiệm trong phát triển cộng đồng, từng làm việc ở các quốc gia và được biết đến với các dự án đầy sáng tạo trong việc phát triển con người tại Việt Nam) tâm sự: “Hiện giờ, con tôi có một tuần ở với mẹ, một tuần ở với bố. Đây là sự lựa chọn không nằm trong sự mong đợi của tôi. Khi mình tìm hiểu một người và biết trước kết cuộc không hạnh phúc thì nên dừng lại để tìm thấy một hạnh phúc mới. Bởi cuộc sống hạnh phúc là khi mình có cảm giác mình cần ai đó và cần cho ai đó”.

Chị có quan điểm rằng, hai người dù không sống với nhau nhưng cũng giống như hai đối tác cùng xây dựng chung một công ty. Mọi việc của con đều được mang ra bàn bạc, thống nhất. Đứa trẻ vẫn có được những người bố, người mẹ bình thường. “Không có tình yêu thì giữa hai người còn có trách nhiệm với “công ty” của mình. Tôi rất lấy làm buồn cười khi bố của con tôi kể ở công ty anh ấy có người tỏ vẻ thông cảm cho rằng con tôi không có mẹ. Thực tế, khi hai người không sống với nhau không có nghĩa là đứa trẻ mất cha hoặc mất mẹ”, chị chia sẻ.

Lựa chọn nuôi con một mình không phải là một quyết định dễ dàng nhất là sau khi người mẹ đã trải qua những vấp váp đau đớn về tinh thần. Đúng như bác sĩ Đinh Đoàn đã nói, không ai lựa chọn đơn thân mà đôi khi vì hoàn cảnh xô đẩy bất đắc dĩ phải như vậy. Nhưng nên chăng, khi đó, những người làm cha làm mẹ nên dẹp đi những bất đồng, mâu thuẫn để nghĩ cho con nhiều hơn. Ca sĩ Hiền Thục đã từng có những lời tâm sự không mấy dễ chịu về bố của con chị trên mặt báo khiến anh này bức xúc phải lên tiếng thanh minh. Phan Ý Ly cho rằng, khi hai người không thể sống được với nhau thì không phải lỗi của ai cả. Có những bài báo viết những tâm sự của các bà mẹ “nói xấu” bố, hoặc như thể chưa bao giờ có sự tồn tại của người bố, điều đó gây tổn thương cho người kia và cho chính đứa trẻ.

Thượng đế tạo ra con người và ban cho họ mỗi kẻ một số phận. Là một người phụ nữ với thiên chức làm mẹ, có lẽ không có ai mong muốn con mình thiếu thốn tình yêu thương của người cha. Tuy nhiên, đôi khi vì sự xô lệch của cuộc sống mà họ không có được hạnh phúc trọn vẹn với một gia đình đầy đủ vợ, chồng, con cái như bao người. Vì vậy họ buộc phải có sự lựa chọn, sự lựa chọn đó đôi khi đi ngược với những chuẩn mực nhưng là quyết định không thể khác được. Chợt nhớ, trong cuộc nói chuyện vừa rồi, bác sĩ Đinh Đoàn có chia sẻ kỷ niệm về cuộc điện thoại tư vấn của ông. Khi đó ông đã nói rằng, “trong trường hợp đó, nếu không chọn được phương án nào tốt nhất thì hãy chọn phương án nào ít tệ nhất”.


Bình luận
vtcnews.vn