NATO lần đầu công khai thừa nhận ‘thách thức’ từ Trung Quốc

Thế giớiThứ Tư, 04/12/2019 08:19:00 +07:00

Lần đầu tiên NATO công khai thừa nhận thách thức từ Trung Quốc nhưng khẳng định liên minh không muốn làm đối thủ của Bắc Kinh.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 3/12 cho biết, Trung Quốc đang tăng cường khả năng quân sự, trong đó có việc trang bị cả các tên lửa có thể tấn công châu Âu và Mỹ. Điều đó có nghĩa là liên minh quân sự NATO phải cùng nhau giải quyết vấn đề này.

“Giờ đây chúng tôi nhận ra rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc có liên quan đối với tất cả các đồng minh trong NATO”, Tổng thư ký NATO nói tại một sự kiện ở London, Anh. “Trung Quốc có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai trên thế giới và gần đây đã thể hiện rất nhiều khả năng mới, hiện đại, trong đó các tên lửa tầm xa có thể vươn tới lãnh thổ toàn châu Âu và Mỹ”.

Hoạt động quốc phòng của NATO được giới hạn ở châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết ảnh hưởng của Trung Quốc đã bắt đầu chạm tới biên giới NATO. “Cần tính đến việc Trung Quốc đang đến gần chúng ta hơn ở Bắc Cực, ở châu Phi, đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng của chúng ta ở châu Âu, trong không gian mạng”, ông Stoltenberg nói.

anh 8

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: SPutnik)

Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO cũng khẳng định cách tiếp cận mới của NATO “không phải để thêm đối thủ mà là để nắm, phân tích và đảm bảo sự cân bằng, kiểm soát những thách thức mà Trung Quốc đặt ra”.

Các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên NATO sẽ ký một tuyên bố chung sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh hôm 4/12, thừa nhận các cơ hội và thách thức đặt ra của Trung Quốc đối với liên minh này. Tại hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm thành lập liên minh, NATO cũng sẽ vạch ra một kế hoạch hành động về cách thức liên minh quân sự này tiếp cận Trung Quốc.

Dự thảo tuyên bố chung về hội nghị thượng đỉnh cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các hệ thống thông tin liên lạc, an toàn, nhất là cơ sở hạ tầng 5G. Điều này cho thấy sự lo lắng ngày càng tăng ở NATO và phương Tây về vai trò của các công ty Trung Quốc, đặc biệt là Huawei, trong việc xây dựng các mạng truyền thông di động thế hệ tiếp theo.

Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận mạnh dạn hơn trong quan hệ đối ngoại và bị cáo buộc gắn kết các cuộc tấn công mạng chống lại châu Âu và các hoạt động gián điệp nhằm đánh cắp tài sản trí tuệ và công nghệ.

Châu Âu đã phải vật lộn để tìm hướng đi với Trung Quốc khi mà một số quốc gia, là các nước nghèo ở phía nam và phía đông châu Âu vẫn chấp nhận rủi ro, hoan nghênh Bắc Kinh sẵn sàng đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng.

Washington đã gây áp lực với châu Âu để loại Huawei khỏi kế hoạch phát triển mạng 5G, cho rằng công ty này có quan hệ chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc và thiết bị của họ có thể được sử dụng để Bắc Kinh tiến hành các hoạt động do thám, gián điệp.

Tuần trước, Đức cho biết họ đã lên kế hoạch thắt chặt các quy định về việc các công ty ngoài EU mua bán các công ty công nghệ cao của nước này, sau những lo ngại về công ty Trung Quốc. Động thái này sẽ ảnh hưởng đến các công ty hoạt động trong lĩnh vực robot, trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn, công nghệ sinh học và công nghệ lượng tử.

Kông Anh
Bình luận
vtcnews.vn