NASA mất liên lạc với phi thuyền Cassini tỷ đô đang lao xuống sao Thổ

Kinh tếThứ Năm, 27/04/2017 10:11:00 +07:00

Khi sử dụng ăng-ten lớn làm lá chắn cho phi thuyền Cassini để băng qua sao Thổ, NASA phải chấp nhận mất liên lạc với con tàu trong một thời gian.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hôm qua mất liên lạc với phi thuyền Cassini, tàu vũ trụ trị giá gần 3,3 tỷ USD đang thực hiện hành trình đầy mạo hiểm, xuyên qua khoảng trống giữa sao Thổ và vành đai bụi trong cùng của nó, theo Independent.

Video: Mô phỏng hành trình cuối cùng của Cassini trên sao Thổ 

Các kỹ sư và nhà khoa học NASA quyết định sẽ đợi tròn một ngày trước khi kết luận tàu vũ trụ Cassini có vượt qua lượt đầu tiên trong số 22 lần bổ nhào qua rìa khí quyển sao Thổ hay không.

Lần bổ nhào này là sự kiện đầu tiên trong "Chặng kết lớn" (Grand Finale) của Cassini, trong đó con tàu sẽ bay ngày càng gần với sao Thổ, cho đến khi bị phá hủy bởi khí quyển hành tinh.

nasa-mat-lien-lac-voi-tau-vu-tru-ty-do-dang-lao-xuong-sao-tho

Tàu Cassini của NASA đang tiếp cận sao Thổ. Bấm vào để xem chi tiết. (Đồ họa: Việt Chung)

Việc để Cassini bay sát vành đai và những đám mây bao phủ sao Thổ cho phép các nhà khoa học thu thập thông tin về hành tinh ở mức độ chưa từng có trước đây. Nhưng mỗi lần Cassini tiếp cận sao Thổ đều rất nguy hiểm, bởi các hạt băng và đá trong vành đai bụi có thể phá hủy tàu.

Để giảm thiểu rủi ro, các nhà khoa học hướng ăng-ten có bề rộng khoảng 4 mét trên Cassini về phía trước, sử dụng nó như một lá chắn và dẫn đường cho tàu. Kết quả là khi Cassini bay ở tốc độ trên 112.654 km/h xuyên qua vành đai sao Thổ, các nhà khoa học đã mất liên lạc với con tàu.

Các nhà khoa học hy vọng con tàu chỉ gặp chướng ngại vật nhỏ như phân tử khói, nhưng họ vẫn sẽ cẩn thận xem xét dữ liệu từ thiết bị trên tàu khi nó liên lạc trở lại để tìm hiểu kích thước và mật độ hạt, đồng thời hiểu rõ những gì cần thực hiện trong tương lai.

Con tàu sẽ không liên lạc lại với NASA trước sáng sớm hôm nay hoặc muộn hơn. Ngay khi tàu phát lại tín hiệu, các nhà khoa học có thể kiểm tra tình trạng của nó và đảm bảo Cassini còn hoạt động cho đến hôm 15/9, khi nó rơi đâm xuống và an nghỉ trên sao Thổ.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn