Nanogen xin cấp phép khẩn cấp cho vaccine Nano Covax, Bộ Y tế nói chưa đủ cơ sở

Tin tứcThứ Ba, 22/06/2021 20:30:00 +07:00
(VTC News) -

Đại diện Bộ Y tế cho rằng vaccine Nano Covax dù có tính sinh miễn dịch tốt nhưng chưa đủ cơ sở để cấp phép khẩn cấp.

Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, vừa qua Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen (Nanogen, Khu công nghệ cao TP.HCM) kiến nghị Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp cho vaccine Nano Covax.

Khi đưa ra kiến nghị này, công ty Nanogen chỉ rõ dẫn chứng về kết quả thử nghiệm lâm sàng khả năng sinh miễn dịch của vaccine Nano Covax đạt 99,4%. Nếu so sánh với các loại vaccine khác trên thế giới là không hề thua kém và có phần cao hơn…

Tuy nhiên, theo ông Quang, kiến nghị của Nanogen là quá sớm và nóng vội khi chưa đầy đủ các dữ liệu về mặt khoa học. Kiến nghị này rất khó được Bộ Y tế chấp thuận.

Nanogen xin cấp phép khẩn cấp cho vaccine Nano Covax, Bộ Y tế nói chưa đủ cơ sở - 1

Vaccine Nano Covax đang trong quá trình thử nghiệm.

Để quyết định có cấp phép khẩn cấp hay không, Bộ Y tế cần có các dữ liệu khoa học cụ thể. Bộ sẽ dựa trên nguyên tắc có đầy đủ các dữ liệu chứng minh và trả lời được 3 câu hỏi lớn: Có an toàn không, có sinh miễn dịch không và có hiệu lực bảo vệ không?

Trong khi đó, hiện vaccine Nano Covax mới đi qua giai đoạn 2 của cuộc thử nghiệm và theo đánh giá có sinh miễn dịch rất tốt. Tuy nhiên, việc nghiên cứu mới chỉ dừng lại trong phạm vi mấy trăm người, trong khi quy chuẩn thử nghiệm vaccine đòi hỏi số lượng người lớn hơn rất nhiều lần.

Tương tự giai đoạn 3 cũng mới chỉ tiêm xong mũi 1 cho 1.000 người và cỡ mẫu này vẫn chưa đủ để đánh giá. Trong khi theo kế hoạch cỡ mẫu giai đoạn 3 thử nghiệm trên 13.000 người.

Ngoài ra, sau tiêm thử nghiệm mũi 2 (sau 28 ngày), cơ quan chuyên môn cần phải tiếp tục đánh giá sau 36, 45, 56 ngày sau tiêm. Trên cơ sở đó mới đủ tiêu chuẩn đánh giá tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ ra sao. Như vậy ít nhất phải sau 2 tháng và thử nghiệm trên cỡ mẫu này mới có thể đánh giá.

Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo nhấn mạnh, vaccine Nano Covax còn đang trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, chưa xong và chưa có dữ liệu cụ thể. Mặc dù kết quả đánh giá ban đầu là tính sinh miễn dịch tốt, nhưng miễn dịch này liệu có giảm được tỉ lệ mắc COVID-19, hoặc mắc rồi có giảm nhẹ tình trạng bệnh hay không thì chưa có kết quả.

Bộ Y tế hoàn toàn ủng hộ nghiên cứu phát triển vaccine trong nước để chủ động được nguồn vaccine của Việt Nam. Nhưng trước khi một loại vaccine đưa ra tiêm rộng rãi cho người dân, Bộ Y tế phải đảm bảo có đầy đủ các dữ liệu về an toàn, tính sinh miễn dịch và đặc biệt là hiệu lực bảo vệ. Bộ Y tế sẽ phải giải trình với xã hội, với người dân "vaccine này có hiệu quả hay không", "căn cứ vào đâu để nói là hiệu quả" và "tại sao đồng ý cấp phép".

Nano Covax là vaccine phòng COVID-19 do Học viện Quân y phối hợp với Công ty Nanogen nghiên cứu phát triển. Đây là vaccine đầu tiên của Việt Nam thử nghiệm lâm sàng trên người dựa trên công nghệ tái tổ hợp protein.

Vaccine được thử nghiệm giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 17/12/2020. Đến ngày 8/4/2021 kết thúc giai đoạn 2 trên 560 tình nguyện viên từ 18 đến trên 60 tuổi. Trong giai đoạn 2, các tình nguyện viên được chia 4 nhóm, tiêm 3 mức liều 25mcg, 50mcg, 75mcg và nhóm còn lại tiêm giả dược.

Kết quả giai đoạn 2, cả 3 mức liều đều đảm bảo an toàn, 100% người tiêm đều sinh miễn dịch ở các mức độ khác nhau.

Ngày 22/6, Học viện Quân y vừa hoàn thành 1.000 mũi tiêm đầu tiên vaccine Nano Covax giai đoạn 3 cho các tình nguyện viên.

Phạm Quý- Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp