Nâng tuổi trẻ em lên 18: Sao quay lùi bánh xe lịch sử lại 26 năm về trước?

Thời sựThứ Tư, 23/03/2016 07:36:00 +07:00

Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm phản đổi việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em từ dưới 16 lên thành dưới 18 tuổi.

(VTC News) – Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm phản đối việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em từ dưới 16 lên thành dưới 18 tuổi.

Báo cáo giải trình tiếp thu dự thảo luật Trẻ em, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết, việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em từ dưới 16 lên thành dưới 18 tuổi nhằm thống nhất việc sử dụng thuật ngữ “người chưa thành niên”.

Việc điều chỉnh này không ảnh hưởng đến chính sách áp dụng đối với người chưa thành niên, hoặc từng nhóm trẻ em cụ thể và không mâu thuẫn với các luật hiện hành.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa
Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đã phản đối quy định như dự thảo. Ông Nghĩa cho rằng công ước quyền trẻ em có hiệu lực năm 1990 đã nói rất rõ trẻ em dưới 18 tuổi trừ trường hợp luật pháp các nước công nhận tuổi thành niên lớn hơn.

Như vậy, nếu chúng ta quy định trẻ em dưới 16 tuổi, từ 16 -18 tuổi không còn là trẻ em nữa thì không hề vi phạm công ước này.

Ông Nghĩa dẫn chứng ở Việt Nam trẻ em là dưới 16 tuổi, từ 16 – 18 tuổi là người chưa thành niên, từ 18 tuổi trở lên là thành niên.

"Hơn nửa thế kỷ qua chúng ta sống trong tinh thần như vậy, sau khi có công ước 26 năm về trước ta vẫn sống như vậy và không hề vi phạm gì cả.Tôi xin hỏi vì lý do gì vào năm 2016 của thế kỷ 21 chúng ta lại đem khái niệm trẻ em phải là dưới 18 tuổi áp dụng vào lúc này để đạt được cái gì. Tôi chưa thấy giải trình thỏa đáng", ông Nghĩa phát biểu.

Ở nhiều quốc gia, tuổi trẻ em đặc biệt là tuổi chịu trách nhiệm hình sự, tuổi chịu trách nhiệm dân sự tinh thần là tuổi chịu trách nhiệm hình sự trẻ dần. Trước đây 16, bây giờ 14, có quốc gia thì 11, 12 tuổi đã phải chịu trách nhiệm hình sự.

Nhưng ngược lại, năng lực trách nhiệm dân sự là 7 - 8 tuổi, năng lực hành vi dân sự hạn chế, cho đến 14 tuổi có hành vi dân sự hạn chế hơn, nhưng từ 16 - 18 tuổi có năng lực hành vi dân sự nhiều hơn.

"Nếu chúng ta quy định từ 16 đến dưới 18 tuổi vẫn là trẻ em thì một loạt hành vi dân sự của các lứa tuổi thanh thiếu niên tuổi này là sẽ phải tính toán lại. Như vậy chúng ta sẽ phải tính toán lại bộ luật Hình sự: Vấn đề kết hôn, giao cấu với trẻ em... chúng ta đang đi ngược lại xu thế các nước. Ngược lại về mặt dân sự chúng ta hạn chế rất nhiều, tuổi lao động, công ước lao động", ông Nghĩa nêu.

Bên cạnh đó, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho biết, ở nước ta từ 16 - 18 tuổi không phải là trẻ em nên rất nhiều em được ký kết các hợp đồng lao động, nên việc thay đổi luật cũng phải lưu ý đến vấn đề này.

Đại biểu Nghĩa thẳng thắn bày tỏ quan điểm: "Không cần thiết quay lùi bánh xe lịch sử lại 26 năm về trước để làm cái điều mà hồi đó không làm.

Đất nước, con người Việt Nam phát triển, không có lý gì bắt thanh thiếu niên 16-18 quay trở về làm thân phận trẻ em. Như thế họ sẽ bị mất rất nhiều quyền lợi khác nhau, không phù hợp với thực tiễn phòng chống tội phạm".

Vì vậy, ông Nghĩa cho rằng quy định này là lợi bất cập hại và không cần thiết biến họ thành trẻ em để chăm sóc.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan 
Cũng có cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, thực tế hiện nay trẻ em trưởng thành sớm hơn trước, chúng ta không hạ thì thôi, chúng ta lại tăng độ tuổi lên.

Khi tăng lên có 2 vấn đề là không tương thích luật khác, tạo nhiều vấn đề cho xã hội và lo sợ cho ngân sách nhà nước.

Thứ hai, theo phong tục vùng miền, nhất là đồng bào dân tộc phía Bắc, dưới 16 tuổi đã có nhiều em tảo hôn, và nêu dưới 18 nữa thì không thể giải quyết được và nhiều người lâm vào trạng thái kết hôn trái pháp luật.

"Đối với Luật nghĩa vụ quận sự, nếu đất nước lâm nguy, phải tổng động viên, chúng ta tổng động viên cả trẻ em?", bà Lan đặt câu hỏi.

Phát ngôn ấn tượng của các đại biểu Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng không đồng tình với việc điều chỉnh nâng độ tuổi trẻ em.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng việc duy trì độ tuổi trẻ em như hiện nay không xung đột với luật quốc tế, nhưng việc nâng tuổi trẻ em lại có thể xảy ra nhiều xung đột.

Vị đại biểu tỉnh Lâm Đồng cũng thông tin thêm, ở các nước trên thế giới còn muốn hạ tuổi trẻ em xuống 12 tuổi để chịu trách nhiệm hình sự, vì tội phạm đang ngày càng trẻ hóa.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn