Năng suất vốn, năng suất lao động và tăng trưởng

Kinh tếThứ Tư, 17/01/2018 17:21:00 +07:00

Năng suất vốn và năng suất lao động (bao gồm cả công nghệ) là những yếu tố quan trọng của tăng trưởng.

Vì vậy việc cải thiện hiệu quả sử dụng vốn và nâng cao kỹ năng của người lao động là mấu chốt cho tăng trưởng bền vững, trong các điều kiện so sánh tương quan về thể chế, chính sách, công nghệ, nguồn lực. Bài viết sau giới thiệu kết quả nghiên cứu mới đây của Cuong Le Van et al, cho thấy năng suất của doanh nghiệp nhà nước thấp, một phần là do overhead.

Năng suất của doanh nghiệp

Đối với một doanh nghiệp, việc sản xuất cần hai yếu tố đầu vào quan trọng là vốn và lao động. Để tính toán năng suất của doanh nghiệp, một cách đơn giản có thể tách thành năng suất vốn và năng suất lao động. Theo đó, năng suất vốn là tỷ số giữa sản lượng và vốn (Y/K) và năng suất lao động là tỷ số giữa sản lượng và lao động (Y/L).

a1

 Cải thiện hiệu quả sử dụng vốn là 1 trong 2 yếu tố mấu chốt cho tăng trưởng bền vững

Tuy nhiên, hai yếu tố đầu vào này có thể thay thế lẫn nhau, một số có thể sử dụng vốn nhiều hơn, số khác thì sử dụng lao động nhiều hơn, để cùng đạt được một sản lượng. Khi đó, việc so sánh năng suất giữa các doanh nghiệp có mức thâm dụng khác nhau sẽ như là so sánh cam với táo.

Vì vậy, có một cách khác để so sánh năng suất giữa các doanh nghiệp : độ co dãn của vốn (α) và độ co dãn của lao động (β). Theo đó, khi tăng 1% vốn hay 1% lao động thì sản lượng sẽ tăng một lượng α% hay β% sản lượng tương ứng. Như vậy, tham số α và β lúc này mới thực sự đo lường năng suất của vốn và lao động.

Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó, ngay cả khi hai doanh nghiệp có cùng α và β thì mức độ thay đổi sản lượng của hai doanh nghiệp cũng không giống nhau. Đó là do sự khác nhau ở năng suất yếu tố tổng hợp TFP, chủ yếu là do công nghệ và kỹ năng của người lao động (với các giả định về thể chế, chính sách, nguồn lực, vv... như nhau).

Năng suất vốn của Doanh nghiệp Nhà nước: Ẩn số overhead

Các doanh nghiệp nhà nước hiện nay đóng góp khoảng 30% GDP nên năng suất của các doanh nghiệp nhà nước cũng là một vấn đề quan trọng nếu chưa giảm được số lượng doanh nghiệp nhà nước. Về năng suất vốn của doanh nghiệp nhà nước, thực tế của Việt Nam cho thấy, bên cạnh việc sử dụng vốn chưa hiệu quả do lãng phí thì một phần vốn thực đưa vào sản suất bị mài mòn (gọi là overhead), với một tỷ lệ là σ, do đó vốn thực nhận đưa vào sản xuất của doanh nghiệp nhà nước chỉ là (1- σ)*K.

a2

Một vấn đề đáng báo động là số overhead (chi phí lót tay) bị chuyển từ nguồn lực tiết kiệm quốc gia thành thu nhập cá nhân và không biết được trước 

Tuy nhiên, con số σ này chưa bao giờ được tính toán cẩn thận và công khai. Nghiên cứu của Cuong Le Van et al. (2017) dựa trên số liệu của 2834 doanh nghiệp nhà nước trong khảo sát của Tổng cục thống kê trong năm 2013 và 2014 cho thấy overhead σ nằm trong khoảng 20%-30%. Điều này có nghĩa rằng, nếu overhead sát với thực tế, các doanh nghiêp nhà nước trung bình trong giai đoạn này chỉ thực sự nhận và đưa vào sản xuất khoảng 70% vốn lý thuyết mà theo nguyên tắc họ được nhận.

Vấn đề nghiêm trọng hơn là số overhead này chuyển nguồn lực tiết kiệm quốc gia thành thu nhập cá nhân, và không biết được trước. Không những thế, để bán được sản phẩm hay dịch vụ có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp nhà nước phải dùng đến sự hỗ trợ của chính phủ (các hình thức trợ giá khác nhau), hay phải chấp nhận thâm hụt (thua lỗ).

Cải thiện năng suất của doanh nghiệp

Năng suất của một doanh nghiệp và một quốc gia không chỉ phụ thuộc vào vốn, lao động, và công nghệ. Nhưng nếu chỉ tập trung vào năng suất vốn và năng suất lao động, cần hướng đến các câu hỏi sau: Thứ nhất, doanh nghiệp cần những lao động nhóm nào, có trình độ cao hay thấp? Những kỹ năng nào cần thiết cho nhóm lao động này?

a3 3

Để tập trung vào năng suất lao động, doanh nghiệp cần giải quyết được câu hỏi nhu cầu của họ thuộc những nhóm lao động nhóm nào, có trình độ ra sao 

Thứ hai, nhu cầu về công nghệ của doanh nghiệp là ở mức nào? Tỷ trọng giữa máy móc và lao động? Thứ ba, làm sao để cải thiện hiệu quả của hệ thống giáo dục và đào tạo, đáp ứng được nhu cầu của thị trường? Thứ tư, mức thu nhập thỏa đáng của người lao động để họ luôn có động lực? Cuối cùng, có thể minh bạch overhead (σ) được không? Nếu không thì quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đến khi nào mới xong?.

Võ Đình Trí
Bình luận
vtcnews.vn