Nắng nóng: trẻ em dễ sốt vì cơ thể không thể toả nhiệt

Sức khỏeThứ Năm, 17/06/2010 04:50:00 +07:00

(VTC News) – Khi nhiệt độ bên ngoài và nhiệt độ cơ thể bằng nhau, khiến cơ thể không thể toả nhiệt nhanh, dẫn tới nhiều trẻ em bị sốt.

(VTC News) – Khi nhiệt độ bên ngoài và nhiệt độ cơ thể bằng nhau, khiến cơ thể không thể toả nhiệt nhanh, dẫn tới nhiều trẻ em bị sốt.

Miền Bắc đang ở trong những ngày cao điểm của nắng nóng, khiến tình trạng bệnh nhân nhập viện vì các bệnh liên quan đến nắng nóng tăng, đặc biệt là các bệnh về da, hô hấp và tiêu hoá.

BS Phạm Hồng Lãnh, Trưởng khoa D3 Bệnh da người lớn Nam - Viện da liễu Quốc gia cho biết: “Các bệnh nhân bị viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc và bệnh vảy nến trở nặng hơn. Ngày hôm qua (16/4) có tới 49 bệnh nhân đến khám và ngày hôm nay đã tăng thêm 16 bệnh nhân (56 người). Mấy ngày trước, có một đợt côn trùng bay vào nhà theo ánh đèn nên bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc cũng tăng mạnh”.

Thời tiết khắ nghiệt, trẻ em luôn phải hứng chịu nhiều bệnh tật nhất. Ảnh nguồn Internet. 

Không tránh khỏi tình trạng đó, phụ nữ và trẻ em cũng vào Viện da liễu Quốc gia khám chữa bệnh có tăng hơn. Theo BS Lê Hoa, trưởng khoa Da Phụ nữ và trẻ em, chủ yếu tăng lượng bệnh nhân vào khám, chứ ít bệnh nhân nhập viện vì thời tiết quá nóng, vào nằm viện càng khó chịu. Chỉ có một số bệnh nhân bị mẩn ngứa, rôm sảy tăng nặng do gãi, mồ hôi, không có điều kiện vệ sinh dẫn tới nhiễm khuẩn nặng mới phải nhập viện.

Với những bệnh nhân da lupus đỏ, bị nặng hơn do nắng, họ đã được tư vấn kỹ càng để không bị nắng nóng chiếu trực tiếp, nên những ngày này, họ đã phòng bị cẩn thận, thậm chí không ra khỏi nhà, nên ít ai phải vào viện da liễu để khám.

Tuy vậy, với các bệnh nhi thì tình trạng nhập viện đông lên do trời nắng nóng là không tránh khỏi. Bệnh nhi chủ yếu mắc bệnh về hô hấp, tiêu chảy. Theo các bác sĩ, sở dĩ nhiều trẻ nhập viện vì sốt cao là do nhiệt độ môi trường và nhiệt độ cơ thể ngang nhau khiến cơ thể không tỏa nhiệt nhanh dẫn tới sốt.

Bác sĩ Vũ Quý Hợp - Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, số trẻ đến khám dao động từ 1.900 - 2.200 lượt bệnh nhi mỗi ngày. Con số này tuy tăng hơn so với các ngày khác nhưng chỉ bằng 95% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điểm khác biệt lớn nhất của đợt nắng nóng này là cha mẹ đưa con đi khám thường tránh cái nắng dữ dội nên vào bệnh viện thường quá tải vào đầu giờ sáng và từ 6 giờ chiều đến 10 giờ đêm. Bệnh viện Nhi TW đã phải cắt cử thêm bác sĩ, y tá phụ vụ bệnh nhân những lúc quá tải.

Hiện nay, ở các thành phố lớn, phần lớn các gia đình cho trẻ ở trong môi trường điều hoà. Tuy vậy, đây cũng là nguyên nhân dẫn tới trẻ bị viêm đường hô hấp. Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, các bậc cha mẹ không nên để nhiệt độ quá thấp và chênh lệch so với môi trường bên ngoài, chỉ nên để từ 26 đến 17 độ, quàng khăn vào cổ cho trẻ và để chậu nước trong phòng, tạo độ ẩm cho căn phòng.

Nắng nóng cũng khiến người già trở bệnh, gây nên hiện tượng tăng bệnh nhân tại Bệnh viện Lão khoa Quốc gia. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, cho biết lượng bệnh nhân đạt con số 150 đến 200 cụ, tăng gấp đôi so với ngày thường. Các loại bệnh chủ yếu vẫn là tim mạch, tăng huyết áp, viêm phổi, tai biến mạch máu não... và một số bệnh nhân bị say nắng. 

Ở người già, nguyên nhân chính gây nên bệnh viêm phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính cũng do những thay đổi đột ngột về nhiệt độ, uống không đủ nước và chế độ chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Do đó, người già cần tránh sự thay đổi nhiệt độ, uống đủ 1,5 lít nước và uống cả khi không thấy khát.

Nguyên tắc phòng tránh cảm nắng

Cảm nắng là khi người dân đi ra ngoài trong trời nắng gay gắt trên 38 độ C. Khi thấy khó thở, mỏi mệt như sắp ngất, mặt đỏ, da khô và nóng, mạch máu ở cổ, thái dương đập mạnh, các động tác chậm chạp, thiếu chính xác, cơ thể sốt cao, đau đầu, chuột rút, đau bụng, nôn mửa, có thể ngất, mê man, tim đập nhanh... là khi cảm nắng viếng thăm.

Do đó, cần:


- Hạn chế hoạt động ngoài trời khi thời tiết nắng nóng trên 37,5 độ C.


- Uống thật nhiều nước là cách giúp cơ thể điều tiết, bay hơi nước, đào thải nhiệt.


- Cần đưa bệnh nhân bị cảm nắng vào chỗ mát, thoáng gió như dưới bóng cây. Đồng thời, nới hết quần áo, chườm nước mát nhưng không chườm đá, tránh nóng lạnh đột ngột. Sau 10- 15 phút, bệnh nhân sẽ thoát khỏi tình trạng trên.

HL

Bình luận
vtcnews.vn