Nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở huyện miền núi A Lưới

Thời sựThứ Ba, 31/01/2017 12:49:00 +07:00

Do trình độ văn hóa còn thấp và chịu ảnh hưởng của hủ tục nên một số bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít người chưa nhận thức được những hậu quả của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Đó là nhận định của một vị lãnh đạo Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) khi nói về nguyên nhân của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở địa phương.

Theo thống kê của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện A Lưới, năm 2011 huyện này ghi nhận 43 trường hợp tảo hôn, đến năm 2015 con số này giảm xuống còn 30 trường hợp. Số trường hợp hôn nhân cận huyết năm 2011 có 5 trường hợp, năm 2015 là 1 trường hợp.

Nghèo đói vì tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Vợ chồng anh Nguyên Văn Tựa và chị Trần Thị Lễ (20 tuổi, người dân tộc Tà Ôi, trú xã Hồng Quảng, huyện A Lưới, Thừa Thiên – Huế) lấy nhau từ khi mới đang học lớp 11. Lúc ấy, cả hai vợ chồng mới 17 tuổi và chưa đủ tuổi kết hôn. Kết cục của cuộc tảo hôn ấy là nghèo đói và những quãng ngày cơ cực.

IMG_1207 (1)

Mới 20 tuổi nhưng vợ chồng Tựa và Lễ đá có 2 mặt con, đứa con lớn đã 4 tuổi.

Tổ ấm của hai vợ chồng anh Tựa là ngôi nhà nằm giữa núi rừng A Lưới. Đây là ngôi nhà do hai bên nội ngoại hỗ trợ sau khi đôi trẻ cưới nhau. Trong nhà cũng chẳng có gì giá trị ngoài chiếc tivi cũ kỹ.

Có mặt tại nhà vợ chồng anh Tựa, chúng tôi gặp cảnh vợ anh đang cho con ăn sáng. Bữa sáng của họ chỉ là bát cơm nguội ăn với nước tương. 

Cho con ăn xong, trong lúc chờ con ngủ, chị Trần Thị Lễ (vợ anh Tựa) kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của vợ chồng chị.

“Tụi mình cưới nhau cũng lâu rồi. Tính ra cũng được vài mùa sắn, đứa con lớn đã được 4 tuổi. Ngày mới quen nhau cả hai đứa chưa nảy sinh tình cảm gì nhưng được nửa năm thì phải lòng nhau lúc nào không biết”, chị Lễ kể.

Từ khi phải lòng nhau, hai cô cậu học trò lớp 11 ấy đành gác lại chuyện học hành để đi đến hôn nhân vào năm 2014. “Thương rồi thì biết làm răng” là cách lý giải cho cuộc tảo hôn của chị Lễ khi được chúng tôi hỏi tại sao lại bỏ học đi lấy chồng.

Thành vợ chồng ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nên vợ chồng anh Tựa phải  vất vả mới có đủ cái ăn. Khi sinh con đẻ cái, sự cơ cực ấy lại nhân lên gấp bội.

Anh Tựa kể, hàng ngày anh này phải vào rẫy trồng sắn từ sớm. Hôm nào không đi làm rẫy thì lại đi chăn bò thuê cho người ta.

“Cày như con trâu cả ngày mà không đủ cái ăn. Mới cưới nhau về vợ đã mang bầu rồi sinh con, hai vợ chồng không nghề nghiệp mà những mấy miệng ăn không đói mới là lạ”, anh Tựa nói.

Chị Lễ tâm sự: “Vợ chồng mình lo lắm, cái nhà làm bằng gỗ tạp, sơ sài nên sợ bão lắm, sợ sập lắm. Lại còn akay (cách gọi con của người đồng bào dân tộc thiểu số - PV) nữa, vợ chồng mình chỉ lo akay không có gì ăn vì không làm được nhiều lúa”.

Cũng giống như vợ chồng Lễ, vợ chồng Trần Văn Hỉnh (SN 1997) và Phu Nhắc (SN 2000) ở cùng thôn cũng làm đám cưới khi chưa thành niên, đến nay họ đã có với nhau đứa con gần 1 tuổi. Cuộc sống của họ cũng nghèo đói, nheo nhóc, luôn nơm nớp nỗi ám ảnh bị cái đói, cái rách bủa vây.

Anh em họ hàng lấy nhau

Cách nhà vợ chồng anh Tựa không xa là nhà chị Hồ Thị Dễ (SN 1990) và anh Lê Văn Tám (SN 1994). Tám và Dễ là anh em con cô con cậu nhưng lại làm cưới để trở thành vợ chồng từ năm 2015.

IMG_1194 (1)

 Em nhỏ này là kết quả của cuộc hôn nhân cận huyết thống của vợ chồng chị Dễ.

Tiết lộ về cuộc hôn nhân cận huyết thống này, chị Dễ cho hay, hồi mới yêu nhau hai người chưa biết là có anh em đến khi biết thì “đã lỡ”. Cũng chính vì cái "lỡ" đó mà hai anh chị từ chị em giờ lại thành vợ chồng và có với nhau đứa con 1 tuổi.

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên – Huế cho hay, hiện ở các huyện vùng cao vẫn còn tình trạng kết hôn sớm, bởi lẽ đồng bào vùng cao có tập tục cưới nhau vào năm 12 tuổi.

Ngoài ra, do các yếu tố khác như phim ảnh, mạng xã hội, kiến thức về sức khỏe sinh sản chưa có cũng là nguyên do dẫn đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít người. “Chất lượng dân số và nòi giống có thể giảm, cuộc sống gia đình bị đảo lộn”, lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên – Huế thông tin.

IMG_1202 (1)

Hôn nhân cận huyết thống  ảnh hướng đến chất lượng dân số và nòi giống.  

“Để hạn chế tình trạng trên nên tăng cường tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, tăng cường truyền thông, quản lý các văn hóa phẩm để tránh tình trạng bị ảnh hưởng bởi những thứ tiêu cực”, vị lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên – Huế nhấn mạnh.

Video: Nhức nhối nạn tảo hôn ở Sơn La

Nguyễn Vương – Duy Đình
Bình luận
vtcnews.vn