Nạn nhân mua bán người có được hỗ trợ học nghề?

Thời sựThứ Năm, 17/02/2011 03:13:00 +07:00

(VTC News) – Nhiều đại biểu chưa thống nhất về trợ giúp pháp lý, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, hỗ trợ vay vốn… cho các nạn nhân của hành vi mua bán người.

(VTC News) – Nhiều đại biểu chưa thống nhất về trợ giúp pháp lý, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, hỗ trợ vay vốn… cho các nạn nhân của hành vi mua bán người.

Sáng nay (17/2), tại phiên họp 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UB TVQH) cho ý kiến về việc tiếp thu chỉnh lý dự Luật phòng, chống mua bán người.

Hỗ trợ ban đầu (một lần) để nạn nhân sớm ổn định cuộc sống

Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là dự Luật quy định các nạn nhân của hành vi mua bán người được hưởng các chế độ hỗ trợ như: trợ giúp pháp lý; hỗ trợ học văn hoá, học nghề; trợ cấp khó khăn ban đầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc Hội Phùng Quốc Hiển (Ảnh: TTXVN) 
Theo đó, có ý kiến đề nghị không quy định chế độ trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán trong dự thảo Luật mà thực hiện theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba cho biết, UB TVQH nhận thấy, trên thực tế nhiều nạn nhân bị mua bán có nhận thức pháp luật hạn chế, rất cần đến sự trợ giúp của Nhà nước về mặt pháp lý để họ có thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhất là trong những giai đoạn ban đầu sau khi trở về hoặc vừa được giải cứu.

Theo bà Thu Ba, Luật trợ giúp pháp lý chưa quy định về đối tượng này, vì vậy, việc bổ sung quy định nạn nhân được trợ giúp pháp lý trong Luật này là cần thiết mà vẫn bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Chưa đồng tình với quy định hỗ trợ học văn hóa và học nghề cho các nạn nhân, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến, nếu kinh phí hỗ trợ do các tổ chức tài trợ thì tốt, bởi quay đi quay lại vẫn là ngân sách – dùng ngân sách để hỗ trợ thì “có thể nói vượt quá khả năng ngân sách, ngân sách bao cấp nhiều quá, nhiều chính sách quá, tôi nghĩ hỗ trợ văn hóa và học nghề cần xem xét” – ông Hiển đề nghị.

Tuy nhiên, ông Hiển lại đồng tình với quy định về trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ nạn nhân, theo ông Hiển, khoản hỗ trợ này để người  ta (nạn nhân) có thể có tiền về quê, tiền ăn mặc, áo ấm trong khi về địa phương sinh sống – “cách này có thể chấp nhận được, trong điều kiện nhất định thì ngân sách có thể đáp ứng được”.

Tại cuộc họp, cũng có ý kiến đề nghị không quy định về chế độ hỗ trợ học văn hóa, học nghề và trợ cấp khó khăn ban đầu trong dự thảo Luật, vì cho rằng các đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ này đã được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu nêu rõ, UBTVQH nhận thấy, đa số nạn nhân bị mua bán có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên rất cần sự hỗ trợ ban đầu (một lần) để họ có điều kiện sớm ổn định cuộc sống.

Trên thực tế, trong thời gian qua cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội của một số tỉnh, TP đã thực hiện chế độ hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân lưu trú tại các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân hoặc đã trở về gia đình. Công tác này đã phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng nạn nhân bị mua bán trở lại do thiếu việc làm, không có thu nhập hoặc do hạn chế về trình độ văn hoá, nhận thức.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, các chế độ hỗ trợ này đã được quy định chặt chẽ hơn, theo đó, không phải bất cứ nạn nhân nào cũng được hưởng các chính sách hỗ trợ mà phải đáp ứng những điều kiện nhất định như là người thuộc hộ nghèo và phải có đầy đủ giấy tờ xác nhận là nạn nhân bị mua bán.

UB TVQH cũng đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp được hỗ trợ khó khăn ban đầu, mức hỗ trợ đối với từng đối tượng nạn nhân tuỳ theo độ tuổi, giới tính và hoàn cảnh kinh tế.

 “Nói là hỗ trợ văn hóa hay học nghề không phải là đào tạo lâu dài gì cả mà chỉ là hỗ trợ ban đầu cho họ để sau này họ có khó khăn quẫn bách thì họ có thể ra ngoài tự lập, không rơi vào bẫy buôn bán người nữa. Vì vậy, đề nghị cho giữ chế độ hỗ trợ học văn hóa, học nghề; trợ cấp khó khăn ban đầu như quy định của dự thảo Luật” – Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các chế độ hỗ trợ quy định trong dự thảo Luật là phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành về chính sách bảo trợ xã hội. Cùng với đó, có ý nghĩa quan trọng về mặt xã hội, khẳng định chính sách nhân đạo, sự quan tâm của Nhà nước đối với những người là nạn nhân bị mua bán.

Hành vi mua bán người: Cần quy định minh bạch!

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận (Ảnh: TTXVN) 
Một nội dung khác được các đại biểu thảo luận nhiều về các quy định về hành vi mua bán người, các hành vi có liên quan đến mua bán người. Theo các đại biểu, quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội là chưa rõ ràng; chưa có sự phân biệt giữa hành vi mua với hành vi bán, giữa hành vi mua bán người với hành vi chuyển giao, tiếp nhận người có nhận tiền, tài sản với tính chất là một khoản thù lao mà pháp luật cho phép.

Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đề nghị UB thẩm tra và cơ quan trình dự Luật nghiên cứu và rà soát tại Luật Hình sự và các Luật khác về hành vi mua bán ngườixem còn nội dung gì chưa đề cập đến để có kiến nghị bổ sung. Cũng theo ông Thuận, dự Luật nêu “không minh bạch, hành vi liên quan chỉ là đồng lõa thôi, hành vi nào là mua bán người, hành vi nào là liên quan mua bán người?” – ông Thuận thắc mắc.

Với nội dung này, UB TVQH cho rằng, các tội danh về mua bán người trong Bộ luật hình sự không quy định cụ thể về hành vi mua bán người và đến nay các cơ quan có thẩm quyền cũng chưa có hướng dẫn về các tội danh này.

Thực tiễn cho thấy, để cấu thành tội phạm mua bán người thì phải có hành vi giao người nhằm nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất; tiếp nhận người mà đã trả hoặc hứa hẹn trả tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất. Tuy nhiên, Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị hành vi buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Nghị định thư Palermo) bổ sung Công ước phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên hợp quốc quy định về hành vi mua bán người có điểm khác so với quy định Bộ luật hình sự.

Theo đó, các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao và nhận người bằng các thủ đoạn như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt, lợi dụng tình trạng quẫn bách hoặc sự lệ thuộc của nạn nhân, lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác cũng được coi là hành vi mua bán người.

Tại buổi họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu cũng nhấn mạnh, buôn bán người là loại tội ác cực kỳ nghiêm trọng từ thời nô lệ trung cổ nhưng vì lợi nhuận quá cao nên thời đương đại này vẫn phổ biến, chính vì thế mới xây dựng Luật này. Nói đến mua bán người thì không có khái niệm hợp pháp hay không hợp pháp, cốt lõi vấn đề thì đây là hành vi trái pháp luật, vô nhân đạo, là tội ác, phải lên án.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn