Nạn đường cát bẩn: Giá rẻ, hậu quả đắt

Thị trườngThứ Ba, 30/03/2021 10:42:00 +07:00
(VTC News) -

Khi nông dân trồng mía đang lao đao vì lỗ vốn thì các ông trùm buôn lậu lại "hốt bạc" nhờ chiêu trò hô biến đường kém chất lượng thành đường giá rẻ.

Gần đây, cơ quan chức năng các tỉnh khu vực biên giới Tây Nam như An Giang, Tây Ninh, Kiên Giang… liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển đường cát nhập lậu vào Việt Nam. 

Nạn đường cát bẩn

Điển hình như cuối năm 2020, khi kiểm tra tàu lưu thông từ biên giới Campuchia vào Việt Nam, công an phát hiện khoảng 100 tấn đường cát nhưng không có giấy tờ, hóa đơn hợp lệ. 

Trước đó một năm, Bộ Công an cũng bắt được “ông trùm” nhập lậu đường cát Vi Hoàng Minh khi hắn và đồng bọn đang “phù phép” cho hơn 1.000 tấn đường cát nhập lậu từ Campuchia về thành đường sản xuất trong nước. Tuy nhiên, dù lực lượng chức năng có kiểm tra chặt chẽ ngày đêm thế nào thì nguồn đường cát lậu vẫn được các “ông trùm” tìm cách đưa trót lọt về Việt Nam.

Nạn đường cát bẩn: Giá rẻ, hậu quả đắt - 1

Số lượng đường lậu bị thu giữ. (Ảnh internet)

Trong 9 tháng đầu năm 2019, ước tính lượng đường lậu về Việt Nam đã lên tới 800.000 tấn. Còn tính từ đầu năm 2020 đến nay, lượng đường cát nhập lậu bị bắt giữ tại tỉnh An Giang khoảng 400 tấn, tỉnh Long An khoảng 40 tấn và tỉnh Tây Ninh hơn 10 tấn.

Chỉ cần dạo quanh các chợ lớn ở TP.HCM, có thể nhận thấy nơi nào cũng có vài quầy kinh doanh đường cát trắng, cát vàng, đường phèn… được chất cao trong những bao giấy hoặc túi nilon cột dây thun.  

Những bao đường này đều “6 không”: Không nhãn mác, không bao bì thương hiệu doanh nghiệp, không chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, không chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh, không quy định giá thành, không cả nguồn gốc xuất xứ.  

Đối với các loại đường không rõ nguồn gốc, màu trắng đó có thể do chất tẩy trắng, có thể có hóa chất làm ngọt (đường hóa học), vừa tăng thêm độ ngọt mà vừa giảm giá thành vì đường hóa học ngọt hơn đường mía khoảng 500 lần.

Nạn đường cát bẩn: Giá rẻ, hậu quả đắt - 2

Bất chấp thủ đoạn tinh vi vì lợi nhuận, đường bẩn vẫn được bày bán và lưu hành trên thị trường. (Ảnh internet)

Đường rẻ, hậu quả đắt 

Nếu như trước đây đường cát lậu thường được tập kết ở biên giới và chủ yếu được các nhóm mang vác về Việt Nam theo dạng nhỏ lẻ thì nay đã hình thành những đường dây buôn lậu lớn, mỗi chuyến vận chuyển lên cả trăm, cả nghìn tấn như nêu trên. Số đường lậu sẽ được các “ông trùm” như Vi Hoàng Minh ngang nhiên “thay áo mới” bằng bao bì, nhãn hiệu trong nước rồi phân phối đi tiêu thụ khắp nơi.  

Tinh vi hơn cả Vi Hoàng Minh là chiêu thức của một số đối tượng dùng thủ đoạn tham gia đấu giá đường từ những đợt thanh lý hàng buôn lậu. Khi đấu giá, chúng sẵn sàng đấu thầu rất cao để khó ai cạnh tranh và thắng thầu.

Hồ sơ thắng thầu, các đối tượng ngang nhiên sử dụng quay vòng cả cho các lô đường nhập lậu khác. Từ đó, “rửa sạch” số đường lậu không rõ nguồn gốc thành sản phẩm chất lượng bán cho người dân. Thị trường chính của những chuyến hàng lậu này sẽ là các chợ đầu mối, chợ truyền thống, chợ nhỏ lẻ, hộ kinh doanh cá thể… nơi mà người tiêu dùng muốn mua được hàng giá rẻ hơn là chú ý đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm hay vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nạn đường cát bẩn: Giá rẻ, hậu quả đắt - 3

Hoạt động mua bán đường tại chợ Bình Tây. (Ảnh internet)

Người tiêu dùng từng “tái mặt” khi Cơ quan công an đã bắt quả tang cơ sở của bà Lý Lệ Châu (52 tuổi, ngụ TP Phan Thiết, Bình Thuận) sản xuất đường cát vàng bằng axít photphoric và phẩm màu vào năm 2015. Bà Châu khai nhận thường mua số lượng lớn đường cát trắng với giá 13.000 đồng/kg. Sau đó dùng máy trộn đường cát trắng với axít photphoric và phẩm màu đỏ để làm thành đường cát vàng có màu vàng bắt mắt, không đóng cục, trọng lượng tăng hơn ban đầu.

Đường thành phẩm được đóng gói bán cho các tiểu thương kinh doanh, quán cà phê, tiệm ăn trên địa bàn TP Phan Thiết. Axít photphoric là loại hóa chất được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp, dùng để xử lý nước thải nhà máy, nước sinh hoạt và có thể để điều chế phân bón. 

Theo các chuyên gia, axít photphoric dùng trong công nghiệp có thể gây độc cho máu, gan, da, mắt, tủy xương. Tiếp xúc kéo dài với chất này có thể gây tổn thương các cơ quan, gây kích ứng mắt mãn tính và kích ứng da nghiêm trọng, kích thích đường hô hấp dẫn đến các vấn đề về nhiễm trùng phế quản

Khi doanh nghiệp trong nước phải chật vật đối phó với đường lậu, nông dân trồng mía lao đao vì lỗ vốn, các “ông trùm” buôn lậu với chiêu trò ma mãnh tha hồ hốt bạc còn vấn đề hậu quả khi sử dụng đường kém chất lượng thì người tiêu dùng phải tự gánh chịu.

Tuệ Lâm
Bình luận
vtcnews.vn