Nắn đường bay thẳng: Mục tiêu cuối cùng của Bộ trưởng Thăng là gì?

Kinh tếThứ Tư, 10/09/2014 03:17:00 +07:00

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khẳng định, việc nghiên cứu đường bay này để phục vụ cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khẳng định, việc nghiên cứu đường bay này để phục vụ cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, mục tiêu cuối cùng là phục vụ nhân dân đi lại với giá cả tốt nhất chứ không phải một sự thắng thua với cá nhân, tập thể.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại cuộc họp đường bay thẳng Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh qua không phận Lào, Camphuchia sáng 10/9.

“Các đơn vị liên quan tiếp tục các công việc tiếp theo để nghiên cứu các đường bay thẳng, trong đó có đường bay thẳng Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh,” Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Không phải là một sự thắng thua

Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, đường bay thẳng Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh không phải là đường bay đầu tiên bay qua không phận Lào, Camphuchia mà đường bay Hà Nội-Phú Quốc đã thực hiện việc này và tiết kiệm được 21 phút. Do vậy, các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu đường bay thẳng Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết.

“Bộ Giao thông Vận tải chưa bao giờ nói ‘đường bay vàng’ mà đây chỉ là cách nói của báo chí bởi nếu coi đường bay trên là vàng thì đường bay Hà Nội-Phú Quốc là đường bay gì? Hay là đường bay kim cương?,” Bộ trưởng Thăng ví von.
Đường bay thẳng giúp giải quyết được tổng thể về hệ thống đường bay cũ của ngành hàng không
Đường bay thẳng giúp giải quyết được tổng thể về hệ thống đường bay cũ của ngành hàng không. (Ảnh: Vietjet Air) 

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, nắn thẳng đường bay chỉ là một trong những giải pháp trong tổng thể giải pháp thuộc tổ chức bay, con người… Các đơn vị hàng không chưa chủ động coi đây là một việc của mình mà đang xem như một việc áp đặt từ trên xuống.

Đề cập đến kết quả của việc bay thử nghiệm giả định ở buồng lái (SIM) sau khi Cục Hàng không Việt Nam có báo cáo, người đứng đầu ngành giao thông thẳng thắn bày tỏ quan điểm, nghiên cứu đường bay thẳng để phục vụ cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, mục tiêu cuối cùng là phục vụ nhân dân đi lại với giá cả tốt chứ không phải một cuộc cá cược thắng thua.

"Tôi không tin vào kết quả này bởi theo các chuyên gia, ít nhất phải tiết kiệm được 8-10 phút và như vậy là đảm bảo hiệu quả đường bay cho doanh nghiệp," ông Thăng khẳng định.

Trả lời vấn đề này, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh đã báo cáo việc bay thử nghiệm SIM theo đường bay tối ưu qua không phận Lào và Campuchia. Kết quả là rút ngắn được thời gian 5 phút và 86 km cho đường bay thẳng Bắc-Nam và được các chuyên gia JICA (Nhật Bản) đánh giá khoảng cách, thời gian bay tương tự thông số mà Cục đã công bố.

Theo ông Thanh, khi triển khai đường bay thẳng cần giải quyết vấn đề mực bay trong vùng trời. Phía Lào hiện mới đồng ý cho Việt Nam sử dụng dải độ cao từ mực bay FL240 đến FL280 (từ 7.300m đến 8.550m) sẽ không tiết kiệm nhiên liệu. Nhiệm vụ khó khăn nhất là đàm phán với phía bạn để đưa lên mực bay tối ưu, cùng với đó phí quá cảnh khá cao. Hiện, phía bạn đang đề xuất Chính phủ giảm phí quá cảnh qua Lào.

"Kết quả bay SIM không đặt ra việc rút ngắn thời gian bao nhiêu vì đường bay rút ngắn 1-2 phút là tốt, cần đặt vấn đề khả thi kỹ thuật," ông Lại Xuân Thanh cho hay.

“Chốt” đường bay thẳng vào tháng Mười

Theo ông Đinh Việt Thắng, Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, trong mọi trường hợp, có đường bay thẳng vẫn tốt hơn, giúp giải quyết được tổng thể về hệ thống đường bay cũ của ngành hàng không.

Lý giải vấn đề trên, ông Thắng đưa ra dẫn chứng, các hãng hàng không dù đã lên lịch bay nhưng trong một năm, vào mùa thời tiết xấu có hơn 100 chuyến bay phải bay theo hướng Tây qua không phận Lào, Campuchia. Hiện nay, hai nước bạn cũng đã chấp nhận trong những ngày thời tiết xấu thì cho máy bay Việt Nam bay đường bay này.

“Tuy nhiên, đường bay thẳng qua không phận Lào vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi nước bạn chỉ cho máy bay bay độ cao, mực bay FL240 đến FL280 thì không thể bay được, cũng giống như xe phân khối lớn chạy ở phố đông người và phương tiện,” ông Thắng nhìn nhận.

Đặt ngược lại câu hỏi vì sao Lào ép tàu bay chỉ bay ở dải độ cao trên, ông Thắng phân tích, thực tế, trang thiết bị, năng lực quản lý đường bay, kiểm soát viên không lưu của Lào kém hơn nước ta rất nhiều. Nếu chỉ cho phép bay thấp thì không bay được, nếu chuyển toàn bộ trục Việt Nam qua Lào thì phía bạn cũng không thể đảm nhận.

Do vậy, ông Thắng kiến nghị, thiết lập đường bay một chiều Bắc-Nam vẫn theo đường cũ để giảm áp lực cho kiểm soát viên không lưu, còn chiều Nam-Bắc theo đường thẳng.

“Mật độ như vậy chấp nhận được với Lào, phù hợp khả năng điều hành. Bay một chiều như vậy thì số lượng mực bay được ưu tiên thì phía bạn cũng dễ thu xếp,” ông Thắng cho hay.

Ông Phan Xuân Đức, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, trong thời gian qua, ngành hàng không đã nắn chỉnh 20 đường bay, tiết kiệm 4.300 giờ bay. Dù chưa có tính toán đầy đủ nhưng 5 phút cũng là rất quý.

Để giữ mực bay hiệu quả, ông Đức cho rằng cần sự đồng thuận của phía bạn Lào, Camphuchia và kiểm soát vùng trời giữa ba nước nhằm điều hành luồng không lưu.

Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục các công việc tiếp theo để nghiên cứu các đường bay thẳng, trong đó có đường bay thẳng Hà Nội- Thành phố Hồ Chí Minh.

“Việc nghiên cứu nắn lại các đường bay cho thẳng hơn, hiệu quả hơn là trách nhiệm của của tất cả đơn vị liên quan, trước hết là của ngành hàng không với mục tiêu đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và kinh tế xã hội để cùng phối hợp, nghiên cứu ‘nắn’ lại các đường bay để hiệu quả nhất,” Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Ngoài ra, người đứng đầu ngành giao thông cũng yêu cầu thành lập tổ công tác trực thuộc Bộ tiếp tục nghiên cứu và xem xét quy hoạch vùng trời, quy hoạch cảng hàng không, để đạt hiệu quả sử dụng.

Theo đó, Tổ công tác này sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan hàng không của Lào, Campuchia để thống nhất chủ trương thực hiện đường bay thẳng. Trong tháng Chín này, Cục Hàng không phải có báo cáo để Bộ trưởng làm việc trực tiếp với Bộ trưởng Giao thông hai nước những vấn đề thuộc thẩm quyền Bộ, nếu vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Chính phủ để giải quyết. Trong tháng Mười phải có kết quả cụ thể của đường bay Bắc-Nam và tiếp tục nắn các đường bay thẳng khác.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, một phút bay tiết kiệm cũng là quý giá, chúng ta phải làm việc với tinh thần cao nhất trước nhân dân. Nắn đường bay thẳng là một trong nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả ngành hàng không./.

Trước đó, ý tưởng đường bay thẳng Bắc-Nam được cựu phi công Mai Trọng Tuấn đưa ra năm 2009 đã bị các chuyên gia hàng không bác bỏ sau nhiều cuộc hội thảo. Năm 2012, ông Trần Đình Bá tiếp tục đề xuất và lại bị bác bỏ.

Tháng Bảy vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu Cục Hàng không nghiên cứu lại đề án đường bay thẳng như đề xuất của ông Trần Đình Bá nhằm rút ngắn chặng bay Bắc-Nam, giúp các hãng hàng không giảm thời gian bay, tiết kiệm nhiên liệu.

Theo VN+
Bình luận
vtcnews.vn