Năm “thiên thần” nhỏ đang giành giật sự sống

Thời sựThứ Bảy, 20/11/2010 08:00:00 +07:00

(VTC News) – Có lẽ ít ai biết được, những bệnh nhi đã vào phòng 6 Nhi 2 hàng ngày bị hóa chất gặm nhấm, rụng tóc... và được xem như mang trong người “án tử”.

(VTC News) – Có lẽ ít ai biết được, những bệnh nhi đã vào đây được xem như mang trong người “án tử”. Với chi phí điều trị lên đến 1,5-2 triệu đồng/ngày, gia đình các bệnh nhi kham nổi mấy ngày?

Phòng 6 Nhi 2 


Một chiều mưa, miền Trung nghèo khó đang phải hứng chịu liên tiếp các cơn mưa lũ. Tôi tiếp một thanh niên, tên A Lăng Ứ, người dân tộc Cơ-Tu (tỉnh Quảng Nam). Ứ cầm trên tay xấp hồ sơ mà nói không nên lời. Phải cố gắng diễn giải lắm mới có thể hiểu được câu chuyện của Ứ: con gái anh, cháu A Lăng Thị Ái, 10 tuổi, đang trong tình trạng suy tủy, cơ thể gầy guộc, xanh xao, nằm co quắp trên giường bệnh và luôn trong trạng thái kiệt sức vì bị cơn sốt cao hành hạ.

A Lăng Ứ run giọng: “Cháu sốt hoài anh ơi, toàn 40-41 độ, thương quá mà không biết làm sao. Từ hôm nhập viện, để lo cho cháu, mọi thứ kể cả nhà cũng bán rồi. 3 đứa con nhỏ phải gửi bà nội nuôi, cả hai vợ chồng khăn gói xuống Đà Nẵng lo cho cháu”. 

Bé A Lăng Thị Ái (10 tuổi), bị suy tủy, gầy rộc, xanh xao và luôn bị sốt cao hành hạ 

Tôi đã đến khoa Nhi 2 - Bệnh viện Đà Nẵng. Căn phòng số 6 Nhi 2, nằm lặng lẽ cuối dãy hành lang tầng 3, Bệnh viện Đà Nẵng là yên ắng nhất. Chốc chốc mới có tiếng khóc, tiếng ho hục hặc của trẻ phát ra từ đây. Người nhà của các bệnh nhân phòng 6 chỉ dám thì thầm và đưa mắt nhìn nhau, buồn bã. 

Căn bệnh ung thư máu đã hành hạ các em, khiến những thân thể trẻ thơ mong manh phải chống chọi với những cơn sốt triền miên, khiến các em trở nên tiều tụy. Hầu như các em không còn đủ sức để khóc, chỉ có những tiếng kêu tắc nghẹn trong cổ họng, những cánh tay đập mạnh vào cái đầu trọc lóc do cơn đau hành hạ.

Cháu Trung Hậu (8 tuổi), bé trai duy nhất của phòng 6, Nhi 2 cùng những cơn đau vật vã về tinh thần và thể xác trong suốt quá trình điều trị

Anh Đặng Văn Trung, bố của bệnh nhi Đặng Thị Trinh (8 tuổi, trú phường Thọ Quang, Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết: “Cháu đang học lớp 3 trường tiểu học Quang Trung, từng là lớp trưởng của lớp và là học sinh giỏi 3 năm liền. Bình thường cháu rất hiếu động, cười đùa và hát suốt ngày. Nhưng rồi tự nhiên cháu bị sốt liên tục. Không có tiền nên chỉ cho cháu uống giảm sốt.

Đến khi đưa vào viện, tình trạng sức khỏe giảm sút thấy rõ, mới biết cháu bị bệnh này, cháu ít nói hơn hẳn và lầm lũi hơn. Nhà đã nghèo, 2 vợ chồng chạy cơm từng bữa, với tiền công thợ nề thì cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Nay cháu mắc bệnh hiểm nghèo khiến hoàn cảnh gia đình càng khó khăn. Phận làm cha, nhìn thấy con đau mà bất lực, còn nước còn tát, bán cả nhà để lo cho cháu cũng phải làm thôi anh ơi. Chỉ mong sao cháu nhanh lành bệnh để được đi học trở lại”, giọng anh Trung chợt run lên. 

Nhìn qua phía bên kia giường bệnh, anh Trung than: “Các cháu đã vào đây cơ hội sống rất mong manh”.

"Con muốn được đi học và chơi với các bạn"

Chuyện trò với tôi, bé Trinh nói: “Con muốn được ra viện, được về nhà, được đi học, được chơi đùa với các bạn, được chị cưng chiều… Ở đây tiêm thuốc đau lắm, con muốn về nhà”.

Cháu gái Đặng Thị Trinh (8 tuổi), vừa là lớp trưởng, vừa là học sinh giỏi 3 năm liền rất hiếu động nhưng trở nên lầm lũi do căn bệnh ung thư máu hành hạ 

Giống như bé Trinh, cháu Hoàng Triệu Mẫn (9 tuổi, trú tổ 18, phường Tam Thuận, Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng), là học sinh lớp 4 trường Đinh Bộ Lĩnh. Ước mơ của cô bé có đôi mắt đen nhánh không thôi ám ảnh tôi khi bé bày tỏ mong ước được vẽ, đi học trở lại.
 
Ưsc mơ gần gụi với bao đứa trẻ khác thì với Mẫn, dường như quá xa vời khi đây là lần tái phát thứ 2, các bác sĩ tiên lượng bệnh rất xấu.

Quay mặt đi để giấu đi giọt nước mắt đang lấp lóa trong mắt, anh Minh (cha bé Mẫn) quay đi nơi khác và nói: “Cháu phát hiện bị ung thư máu từ năm 2006, chúng tôi đã cố giữ cháu cho đến nay thì nhập viện. Đợt này là lần tái phát thứ 2. Để giữ cho cháu, gia đình đã bán hết tài sản có giá trị. Bây giờ với nghề chạm khắc gỗ cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống chứ còn tiền viện phí của cháu không biết phải làm sao đây, là người cha, phải chứng kiến con mình hao mòn từng giờ từng phút thế này, thật xé lòng…” giọng anh Minh ngắt quảng.

Anh Hoàng Minh quặn lòng cho nghe con gái Hoàng Triệu Mẫn nói về ước mơ được trở lại trường học, đùa vui với bạn bè... 

Nhỏ nhất là bé Phạm Hà Vy (SN 2008), nhập viện ngày 26/9/2010 trong tình trạng suy tủy nặng, tình trạng sức khỏe rất yếu và nguy cơ sức khỏe giảm sút rất cao được các bác sỹ điều trị tiên lượng tình hình xấu. Trong nước mắt, chị Đinh Thị Minh cho biết: “Ở quê, nghèo quá, cả gia đình dắt díu vào Đà Nẵng sinh sống, nhà ở trọ, công việc thì ai thuê gì làm nấy. Cả 2 vợ chồng mỗi ngày kiếm được vài ba chục ngàn cũng sống được. Nay cháu bị thế này, không những không làm gì được mà chi phí điều trị, ăn ở khiến gia đình lâm vào túng quẫn”.

Vướng vào căn bệnh này, coi như gia đình khánh kiệt

Bác sỹ Trương Thành Tâm điều trị trực tiếp điều trị cho 5 bệnh nhi ung thư máu, cho biết : “Thương tâm lắm, các cháu còn quá nhỏ, chưa hiểu được sự sống và cái chết đâu. Cứ nhìn những gương mặt trẻ thơ hốc hác, gầy gộc, ánh mắt mệt mỏi nhìn bác sỹ là lòng chúng tôi thắt lại. Mỗi lần lấy máu kiểm tra, chọc tủy để sinh thiết là mỗi lần chúng tôi chứng kiến sự đau đớn trong thể xác và ánh mắt trẻ thơ. Những ánh mắt như vừa van xin, vừa nài nỉ”.

Bác sỹ Tâm cho biết thêm: “Đối với bệnh ung thư máu, bình quân mỗi đợt điều trị khoảng 3 tháng, trong đó có khoảng 1 tháng điều trị tích cực kháng sinh, hóa chất… với kinh phí lên đến 1,5-2 triệu đồng/ngày. Hoàn cảnh gia đình nào thì cũng khó kham nổi. Với các bé, tác dụng phụ của hóa chất, kháng sinh cứ ăn dần ăn mòn các cháu, từ rụng tóc đến bệnh dạ dày, gan… Cháu nào gượng dậy được sẽ kéo dài thêm, cháu nào không gượng nổi thì kế phát, suy tủy và cuối cùng thì như anh đã biết.

Theo các bác sỹ điều trị, gia đình nào có người bị ung thư máu đồng nghĩa với khánh kiệt về kinh tế (ảnh : Bé Hà Vy, 2 tuổi được tiên liệu bệnh rất nặng) 

Nhưng biết làm sao, chúng tôi chỉ có thể làm những gì để cứu được các cháu hay chí ít kéo dài sự sống của các bé mà thôi. Như bé Mẫn, chúng tôi đã kéo dài được cuộc sống của cháu hơn 4 năm nay”.

Biết được tình trạng này, các bác sỹ trong bệnh viện cũng chỉ dẫn người nhà làm đơn cầu cứu các tấm lòng hảo tâm. Các anh chị xem, nếu có giúp được hãy giúp phòng 6 Nhi 2. Như vừa rồi, thông qua PV báo Điện tử VTC News làm cầu nối, được Hội Thiện Nguyện (tại Úc) gửi hỗ trợ 10 triệu đầu tiên để lo thuốc thang cho cháu A Lăng Thị Ái.

Bửu Lân

Bình luận
vtcnews.vn