Nam sinh cứu người trong đề văn 'vừa hay vừa buồn'

Giáo dụcChủ Nhật, 02/06/2013 05:45:00 +07:00

(VTC News) - Câu số 2 vừa hay mà vừa buồn" là cảm nhận của Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu khi đề cập đến phần nghị luận của đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn.

(VTC News) - Sáng nay, 2/6, gần 1 triệu sĩ tử đã hoàn thành môn thi đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012-2013: môn Ngữ văn. 

Theo đánh giá của nhiều thí sinh, nội dung đề thi năm nay không dài, nằm trong chương trình đã được học, chỉ có một câu hỏi hơi “lạ” nhưng hầu hết các em đều hào hứng. Phần đông thí sinh dự đoán được khoảng 7 điểm ở bài thi môn Ngữ văn. Điều đáng nói là đề thi môn văn năm nay đã nhận được nhiều sự khen ngợi.
Câu hỏi “lạ” này là câu 2 (3 điểm) yêu cầu viết một đoạn văn ngắn (khoảng 400 chữ) bày tỏ suy nghĩ về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam, từ thông tin: Chiều ngày 30/4/2013, bên bờ sông Lam, đoạn chạy qua xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12 T7, trường THPT Đô Lương I) nghe tiếng kêu cứu có người đuối nước dưới sông, em liền chạy đến. Thấy một nhóm học sinh đang chới với dưới nước, Nam đã nhảy xuống, lần lượt cứu được 3 học sinh lớp 9 và 1 học sinh lớp 6. Khi đẩy được em thứ 5 vào bờ thì Nam đã kiệt sức và bị dòng nước cuốn trôi.

(Theo Khánh Hoan, Thanhnienonline, ngày 6/5/2013).

Ngay khi kết thúc, đề văn lập tức trở thành chủ đề nóng trên cả nước. Bởi câu hỏi được trích ra từ bài báo làm đề thi không hề có trong sách giáo khoa và các tài liệu luyện thi hay tham khảo.

 

Câu số 2 vừa hay mà vừa buồn. Hay vì nó chạm đến một trong những căn bệnh của xã hội chúng ta hiện nay: sự ích kỷ dẫn đến triệu chứng vô cảm. Buồn vì tính mạng em Nam đã mất đi không thể nào hồi sinh lại.

Ths. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
 
Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm Tp.HCM tỏ ra khá bất ngờ vì sự đổi mới của Bộ Giáo dục. Theo thầy, việc đưa tấm gương cứu người vào đề thi Ngữ văn năm nay có hai dụng ý: một mặt là đề cao hành động dũng cảm, xả thân cứu người của bạn Nguyễn Văn Nam, từ đó giáo dục nhân cách cho giới trẻ; mặt khác có thể người ra đề cũng đưa ra một bài học không kém phần quan trọng, đó là muốn làm bất cứ việc gì cũng cần trang bị kỹ năng để bảo vệ tính mạng người được cứu, vừa gìn giữ tính mạng mà đấng sinh thành trao cho mình.


“Câu số 2 vừa hay mà vừa buồn. Hay vì nó chạm đến một trong những căn bệnh của xã hội chúng ta hiện nay: sự ích kỷ dẫn đến triệu chứng vô cảm. Buồn vì tính mạng em Nam đã mất đi không thể nào hồi sinh lại”, thầy giáo trẻ ngậm ngùi.

Cư dân mạng cũng bày tỏ sự bất ngờ khi Bộ Giáo dục đưa ra năm nay. Bạn Đ.B.Q cho biết: “Thật bất ngờ khi đưa một câu chuyện diễn ra cách đây không lâu, được nhiều người quan tâm. Câu này nhằm đánh giá nhận thức của học sinh và giúp các em học được nhiều điều từ tấm gương này”.

thí sinh, môn ngữ văn, thở phào
Thí sinh cười rạng rỡ sau khi kết thúc thi môn văn.

Còn bạn Vân, một người vốn ngại học văn cũng rất thích đề thi này. “Cách đây 2 năm mình cũng như nhiều sĩ tử, rất ngại học văn. Nhưng mình thích nhất là văn nghị luận xã hội kiểu này”.

Trên diễn đàn nhà báo, nhiều người tán dương sự đổi mới trong cách ra đề của Bộ Giáo dục. Theo anh Th, một phóng viên trẻ, điểm nhấn của đề thi môn Ngữ văn năm nay chính là câu hỏi nghị luận. Nhiều người cho rằng, nhiều học sinh chỉ biết “cắm mặt” vào học, không theo dõi tin tức thời sự nên thậm chí không biết bạn Nguyễn Văn Nam và câu chuyện xả thân cứu người.

Nhiều người cho rằng lỗi là ở người lớn. “Phụ huynh suốt ngày chỉ hô hào trẻ con học, học và học; mong con mình phải giành giải nhất, giải nhì ở các kỳ thi. Nhiều trường học cũng chỉ dạy những kiến thức trên sách vở. Thêm mấy trung tâm luyện thi đại học biến các em thành gà chọi”, anh Th nói thêm.

thi tốt nghiệp thpt, môn ngữ văn
Theo đánh giá của nhiều học sinh, đề thi Ngữ văn năm nay khá vừa sức, đặc biệt phần nghị luận mang tính thời sự, hấp dẫn.

Có rất nhiều ý kiến đánh giá khác nhau từ phía dư luận xung quanh đề thi năm nay. Dù sao đây vẫn là một đề thi mang tính thời sự, hấp dẫn. Làm bài thế nào là cảm nhận của mỗi học sinh, nên rất khó để đưa ra một tiêu chí đúng. Mỗi cảm nhận là góc nhìn đa chiều về cuộc sống. Giả sử có em đặt mình vào trường hợp của người mẹ của Nam, hẳn sẽ có những cảm nhận khác biệt.

Như vậy, một đề thi có thể tạo các sĩ tử cơ hội tự do phát biểu, đồng thời khảo sát học sinh ở nhiều mặt. Học sinh không thể dựa vào “học tủ” để chép ra, mà phải vận dụng những điều đã được dạy ở nhà trường bằng lối sống đẹp, kết hợp sự sáng tạo để hoàn thành tốt phần thi của mình.


Diệp Vy

Bình luận
vtcnews.vn