Năm 2015, giá USD sẽ tăng tới đâu?

Kinh tếThứ Sáu, 08/05/2015 07:23:00 +07:00

Vẫn có những dự báo tới cuối năm giá USD sẽ "vượt" ngưỡng 22.000 đồng/USD.

Vẫn có những dự báo tới cuối năm giá USD sẽ "vượt" ngưỡng 22.000 đồng/USD.

Giá USD vẫn nóng “hầm hập”


Sau 3 phiên các nhà băng niêm yết giá tăng kịch trần trong vài phiên giao dịch gần đây, được cho là điều hiếm thấy trong 3 năm trở lại đây, sáng 7/5 NHNN đã có “phản ứng nhanh” bằng cách nới biên độ tỷ giá tăng thêm 1%. Giá đồng bạc xanh trong hệ thống ngân hàng lập tức đã “hạ sốt” chút ít, song vẫn nóng “hầm hập” so với những ngày trước đây.  

Đến cuối giờ chiều 7/5, mức bán ra cao nhất trong hệ thống các nhà băng thương mại chỉ còn “căng” ở mức 21.720 đồng “ăn” một USD, thay vì mức 21.740 đồng/USD vào thời điểm buổi sáng. Chiều thu mua cũng giảm chút ít, về dao động quanh mức 21.620 – 21.670 đồng/USD tùy từng ngân hàng. Như Vietcombank chốt giao dịch ngày 7/5 ở mức 21.660 - 21.720 đồng/USD; hay tại Eximbank là 21.640 - 21.720 đồng/USD; VietinBank và BIDV cùng đóng cửa ở mức giá 21.645 - 21.715 đồng/USD.

Dù vậy, so với một ngày trước, giá đồng bạc xanh trong hệ thống ngân hàng vẫn đắt thêm 50 đồng/USD. Song, điều đáng chú ý là biên độ chênh lệch giữa giá mua vào – bán ra vẫn được các ngân hàng để khá rộng, từ 50 – 100 đồng/USD.

Giá USD đã giảm chút ít sau can thiệp của NHNN, song vẫn khá "nóng" so với những ngày trước đây 
Việc giá USD trong hệ thống ngân hàng giảm nhiệt ngay lập tức là điều hoàn toàn dễ hiểu sau động thái điều hành được đánh giá là bất ngờ và mạnh tay lần này của NHNN.

Đáng nói, trước khi quyết định của NHNN được đưa ra, rất nhiều phân tích của các chuyên gia tài chính đều cho rằng, trước sau gì cơ quan điều hành cũng sẽ cân nhắc việc phá giá thêm tiền đồng. Nhưng tỷ lệ nới lỏng mà các chuyên gia dự báo cũng chỉ quanh ngưỡng 0,25%, tới 0,5% là cùng, để tránh “sốc” cho thị trường. “NHNN sẽ cân nhắc dùng “dè xẻn” mức quota cam kết còn lại để bám sát thị trường, đồng thời không gây sốc” – TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu trong cuộc trao đổi với người viết ngày 6/5 cũng đưa ra nhận định, NHNN đang chịu nhiều sức ép và việc phải điều chỉnh tỷ giá thêm chỉ là việc sớm muộn. Theo ông, mức điều chỉnh hợp lý nhất là 0,5%.

Vậy nhưng, quyết định cuối cùng của NHNN khi “dùng hết một nửa lời hứa còn lại của Thống đốc Nguyễn Văn Bình” – 1%, quả thật đã khiến không chỉ các chuyên gia tài chính trong nước mà tới ngay cả chuyên gia tài chính nước ngoài cũng bất ngờ. Với quyết định này, đồng nghĩa “khung” cam kết điều chỉnh tỷ giá không quá 2% trong cả năm 2015 đã dùng hết, dù hiện tại mới chỉ nửa quãng đường thời gian của năm 2015 trôi qua.

“Bất ngờ, nhưng không sốc” là câu trả lời của TS. Nguyễn Trí Hiếu với Infonet trước bước đi mạnh dạn làm “nguội nhanh” thị trường tỷ giá ngoại hối của cơ quan điều hành. Còn với các chuyên gia phân tích tài chính nước ngoài, dù trong các báo cáo trước đây HSBC đều dự báo về khả năng phá giá thêm tiền đồng, song các chuyên gia phân tích của ngân hàng này cũng tỏ ra khá bất ngờ trước bước đi “sớm hơn dự báo” của NHNN. HSBC cho rằng, với “bước đi dài” và hết room lần này, sẽ khó có thêm đợt điều chỉnh tỷ giá của NHNN từ nay tới cuối năm. Và giá đồng bạc xanh trên thị trường có thể sẽ chỉ tăng thêm chút ít, lên mức 21.750 đồng/USD vào cuối năm.

Trong khi đó, Ngân hàng ANZ Việt Nam cho rằng, quyết định tăng tỷ giá sẽ giúp thu hẹp cán cân thương mại đang bị thâm hụt ở mức 3 tỉ USD trong 4 tháng đầu năm. Bởi dù dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên mức khoảng 35 tỷ USD, tương đương với 2,5 tháng nhập khẩu nhưng vẫn dưới mức trung bình từ 3-4 tháng nhập khẩu.

"Tỷ giá có thể cán mốc 22.050 đồng/USD vào cuối năm nay, tăng thêm 3,1% trong năm 2015 chứ không chỉ mức 1,4% của năm ngoái"- phân tích của ANZ dự báo.

Áp lực tăng lạm phát

Dù được đánh giá là hợp lý, song nỗi lo tăng tỷ giá sẽ tác động không nhỏ tới lạm phát lại được đặt lên “bàn cân”, khi vào thời điểm này đồng loạt giá các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu… đều “bắt tay” nhau tăng giá. Về điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho là “nỗi lo có thật”, khi theo tính toán tăng tỷ giá 1% sẽ là “lực đẩy” khiến lạm phát tăng khoảng 0,2%.

“Một loạt chi phí cộng dồn tăng cùng lúc với chuyện tăng tỷ giá chắc chắn sẽ đẩy lạm phát tăng trong vài tháng tới” – ông chia sẻ.

Chia sẻ với nỗi lo này, nhưng TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lại có cách nhìn lạc quan hơn. Theo ông, lạm phát hiện đang rất thấp, tính chung 4 tháng đầu năm mới tăng 0,04% - mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. “Với mức lạm phát thấp như vậy, dù có tác động điều chỉnh tỷ giá hay các loại giá cả tiêu dùng khác thì cũng không đáng lo”- ông nói. Mục tiêu lạm phát cả năm 2015 Quốc hội đề ra là 5%, song các dự báo đều cho rằng chỉ số này nhiều khả năng chỉ đạt “kịch kim” 3% trong năm nay.

Còn về phía cơ quan điều hành, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lên tiếng khẳng định, sau động thái nới room tỷ giá lần này, thời gian tới NHNN sẽ sử dụng các biện pháp và công cụ đồng bộ để có thể ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối trên mặt bằng giá mới. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường cũng như các dự báo về kinh tế vĩ mô và tiền tệ để điều hành một cách phù hợp

Nguồn: Infonet
Bình luận
vtcnews.vn