Năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%

Kinh tếThứ Năm, 30/12/2010 03:41:00 +07:00

(VTC News) – Với hàng loạt các biện pháp quản lý và điều tiết giá, Chính phủ khẳng định mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%.

(VTC News) – Dự báo sẽ có nhiều tác nhân tác động tới mặt bằng giá trong năm 2011 nhưng với hàng loạt các biện pháp quản lý và điều tiết giá, Chính phủ khẳng định mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%.

Trong phiên họp thường kỳ cuối cùng trong năm, diễn ra trong ngày 30/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đưa ra báo cáo tình hình quản lý, điều hành và kiểm soát giá trong năm 2010 và xác định nhiệm vụ, mục tiêu trong năm 2011.

Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2010 tăng 1,98% so với tháng 11/2010 và tăng 11,75% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tăng cao nhất là nhóm giáo dục tăng 19,38%, tiếp đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ tăng 16,69%, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 15,75%. Bình quân năm 2010, chỉ số này tăng 9,19% so với bình quân năm 2009.

Ảnh: Chinhphu.vn 

Các nguyên nhân của việc chỉ số giá tiêu dùng tăng là do tác động của giá cả thị trường thế giới, nhu cầu, sức mua trên thị trường trong nước tăng cao…

Bộ Tài chính cũng đưa ra đánh giá tổng quát về công tác quản lý giá, điều hành giá cũng như việc kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật nhà nước về giá trong năm 2010.

Nhận định về tình hình giá cả trong năm 2011, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận định có nhiều nhân tố được dự báo là sẽ tác động đến mặt bằng giá trong năm 2011.

Cụ thể, năm 2011 kinh tế toàn cầu tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng tốc độ tăng chậm hơn tốc độ tăng của năm 2010 phổ biến ở mức 3,3%-4,5%. Các nền kinh tế lớn và là thị trường xuất khẩu chính của VN cũng vẫn tăng trưởng nhưng thấp hơn tốc độ tăng của năm trước. Kinh tế tăng trưởng, nhu cầu nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất vẫn tăng dẫn đến giá cả sẽ nhích lên.

Cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực đồng Euro; hầu hết các nước đều cắt giảm chi tiêu công và giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách năm 2011… có thể gây biến động về tỷ giá, lãi suất làm cho tính bất định và rủi ro tăng lên, tác động mạnh đến xuất nhập khẩu, đầu tư, chính sách tài khóa và tiền tệ của các quốc gia và sẽ tác động đến nền kinh tế nước ta.

Thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động xấu đến nền kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp và đời sống.

Nền kinh tế trong nước được dự báo phục hồi khá nhanh và lấy lại đà tăng trưởng sau ảnh hưởng của khủng hoảng sẽ tăng gây áp lực đẩy giá tăng. Những yếu kém vốn có của nền kinh tế chưa khắc phục được triệt để ngay như: cơ cấu kinh tế, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả sử dụng vốn, kết cấu hạ tầng… tiềm ẩn những yếu tố gây lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, do nhu cầu có khả năng thanh toán, lượng tiền được bơm ra lưu thông nhiều hơn trong dịp Tết.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đặt mục tiêu tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân và nỗ lực đạt mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%.

Để làm được điều này, hàng loạt biện pháp đồng bộ sẽ được tiến hành như chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh phát triển sản xuất, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, áp dụng tỷ giá, lãi suất phù hợp theo nguyên tắc thị trường. kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng ở mức hợp lý.


Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện rà soát, bãi bỏ các khoản thu phí, lệ phí bất hợp lý, trái pháp luật (trước mắt hoãn thu phí giết mổm chế biến thịt gia súc, gia cầm đến hết quý I/2011) và sử dụng linh hoạt các công cụ phí, thuế, quỹ bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu và một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Các công tác quản lý, điều tiết giá cả cũng được nghiêm túc thực hiện với các biện pháp như tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giá theo thị trường, thông qua việc xây dựng luật giá thay cho pháp lệnh giá, sửa đổi, bổ sung các nghị định của chính phủ về thẩm định giá, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giá, cơ chế xác định giá trong các lĩnh vực cụ thể…

Liên quan tới tình hình giá cả trong dịp trước, trong và sau Tết Tân Mão, Bộ Tài chính cho biết sẽ giữ bình ổn giá các mặt hàng: điện, than bán cho các hộ tiêu dùng lớn, nước sạch, cước vận tải hành khách bằng đường sắt, đường hàng không… các dịch vụ quan trọng như y tế, giáo dục, giãn thời gian điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ nhà nước định giá, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế, thủ tục hành chính hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá…

 

Khánh Hòa

Bình luận
vtcnews.vn