Mỹ và Trung Quốc liệu có rơi vào Chiến tranh Lạnh mới trong năm 2020?

Thời sự quốc tếChủ Nhật, 29/12/2019 15:42:24 +07:00
(VTC News) -

Một nước Mỹ ít ràng buộc với thế giới và một Trung Quốc ngày càng thách thức đang khiến nhiều người lo ngại về cuộc chiến tranh lạnh mới trong năm 2020.

Năm 2019 bắt đầu với việc kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng 2 nước vẫn bị tác động suốt cả năm bởi những bất đồng về kinh tế và địa chiến lược khiến nhiều người lo ngại khả năng lan rộng thành một sự đối đầu giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Mỹ và Trung Quốc liệu có rơi vào Chiến tranh Lạnh mới trong năm 2020? - 1

Một nước Mỹ ít ràng buộc với thế giới và một Trung Quốc ngày càng thách thức đang khiến nhiều người lo ngại về cuộc chiến tranh lạnh mới trong năm 2020. Ảnh minh họa: Enterprise Talk

Cho dù đạt được một thỏa thuận đình chiến thương mại cuối năm 2018 nhằm hướng tới việc chấm dứt những bất đồng, thì một năm 2019 vẫn không đem lại nhiều hy vọng cho mối quan hệ đang ngày càng gia tăng mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Không chỉ là thương chiến

Từ bất đồng thương mại lớn trong năm 2018, sự mâu thuẫn đã lan rộng sang nhiều khía cạnh khác như công nghệ, an ninh quốc gia và địa chính trị, khiến nhiều học giả cho rằng điều đó đang định hình lại sự cân bằng quyền lực toàn cầu.

Cái gọi là thỏa thuận thương mại giai đoạn một được coi như cứu vãn thể diện trong thời điểm khủng hoảng, nhưng nhiều người đồng ý rằng đã đủ xa để chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài, giải quyết các căng thẳng sâu sắc và khắc phục thiệt hại gây ra cho cả 2 nước và nền kinh tế toàn cầu.

Mỹ và Trung Quốc liệu có rơi vào Chiến tranh Lạnh mới trong năm 2020? - 2

Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Vẫn có những dấu hiệu ngày càng gia tăng cho thấy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tách rời và nhiều chuyên gia dự đoán về một cuộc chiến tranh lạnh mới, giữa một nước Mỹ ngày càng chia rẽ chính trị nội bộ và rút khỏi những ràng buộc quốc tế, và một Trung Quốc ngày càng hiếu chiến với cách tiếp cận ngoại giao kiểu “ăn miếng trả miếng”.

Chuyên gia về Trung Quốc tại Mỹ Orville Schell nói rằng, “cái chết” của chính sách cam kết của Mỹ đang phủ bóng trên mọi khía cạnh trong quan hệ song phương và tạo môi trường tương tác “mới và nguy hiểm”.

“Các bất đồng nổi lên từ sự thay đổi cơ bản trong thái độ của cả 2 phía, mỗi bên đều đang ngày càng coi đối phương không chỉ là mối đe dọa kinh tế mà còn là mối đe dọa về trật tự thế giới (theo khái niệm của mỗi bên), các giá trị tương ứng của mình và hệ thống chính trị”, ông nói.

“Chúng ta đang ở ngã tư đường, nơi mà mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng chia rẽ một cách đáng báo động. Nếu không có một giải pháp phù hợp, Mỹ và Trung Quốc sẽ trở thành 2 phía thù địch nhau trong một cuộc chiến tranh lạnh mới”, ông Schell nói.

Theo ông Orville Schell, điều đáng báo động về cuộc khủng hoảng này là cả Mỹ và Trung Quốc đều dường như không muốn thay đổi cách tiếp cận với đối phương.

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước Trung Quốc cuối năm 2019, Ngoại trưởng Vương Nghị bày tỏ rằng, lễ kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc với Mỹ hồi tháng 1/2019 đã bị làm hỏng bởi sự hạn chế của Mỹ đối với Trung Quốc về thương mại, khoa học, công nghệ….

Trong một bài phát biểu khác trong tháng 12/2019, ông Vương Nghị cũng mô tả chính quyền Trump là một “kẻ gây rối trong thế giới ngày nay”, cáo buộc Mỹ đang làm suy giảm quan hệ song phương và cố kiềm chế Trung Quốc.

George Magnus, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc tại Đại học Oxford, cho rằng bình luận của ông Vương Nghị không phải là điều bất ngờ, trong bối cảnh mối quan hệ thù địch và đối kháng giữa 2 nước.

“Họ trở nên gây hấn, nhưng điều đó cũng không phải nhiều hơn so với những gì chúng ta nghe được ở Mỹ”, ông Magnus nói. Cách tiếp cận đối đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng phải chịu trách nhiệm một phần.

Ngay cả những bất đồng trước đây về kinh tế địa lý, Đài Loan, Tây Tạng hay Biển Đông đều chưa được giải quyết, thì năm 2019, Mỹ đã tạo các chiến trường mới như Huawei, vấn đề Hong Kong và Tân Cương, trong sự đối đầu với Trung Quốc.

Trong một cuộc chiến căng thẳng về công nghệ với Bắc Kinh, chính quyền Trump đưa Huawei và hơn 100 chi nhánh của tập đoàn này vào danh sách đen xuất khẩu với các cáo buộc về an ninh quốc gia bất chấp sự bác bỏ của Huawei về sự liên quan tới chính phủ, quân đội hay các cơ quan tình báo Trung Quốc.

Mỹ nỗ lực lôi kéo đồng minh tẩy chay công nghệ 5G của Huawei và đã gặp phải sự phản đối ở châu Âu cũng như khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, với các nước như Đức và Ấn Độ vẫn chưa quyết định trong bối cảnh mối lo ngại về sự đáp trả của Trung Quốc.

Sức ép về vấn đề Hong Kong và Tân Cương

Chính quyền Trump cũng như các nghị sỹ Mỹ, nhiều lần chỉ trích Trung Quốc về các chính sách đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương hay các cuộc biểu tình phản đối chính quyền ở Hong Kong.

Sức ép của Mỹ đã khiến cả 2 vấn đề nêu trên trở thành thách thức ngoại giao lớn nhất đối với Chủ tịch Tập Cận Bình kể từ khi nắm quyền lực năm 2013.

Mỹ và Trung Quốc liệu có rơi vào Chiến tranh Lạnh mới trong năm 2020? - 3

Người biểu tình tuần hành đêm 28/11 ăn mừng việc Mỹ thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong

EU và Canada cũng nằm trong số những nước Phương Tây bày tỏ lo ngại về vấn đề Tân Cương và Hong Kong. Nhưng chính Mỹ mới là nước đặc biệt chọc giận Trung Quốc trong năm 2019, với các dự luật nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc hội.

Trong khi đó, Trung Quốc cứng rắn đáp trả rằng, cả Tân Cương và Hong Kong đều là các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, đồng thời cáo buộc các thế lực nước ngoài đang can thiệp vào nước này vì mục đích chính trị.

Thiếu niềm tin

Các sinh viên, nhà nghiên cứu Trung Quốc ở Mỹ cảm thấy rõ tác động của mối quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi nhanh chóng, với việc hạn chế thị thực thường xuyên và sự giám sát về khả năng họ có liên hệ với chính phủ Trung Quốc hay không.

Theo Hiệp hội các học giả quốc gia có trụ sở ở New York, 8 viện Khổng Tử - các tổ chức nghiên cứu có liên quan đến Bắc Kinh và quảng bá ngôn ngữ, văn hóa Trung Quốc – đã bị đóng cửa trong năm 2019, và 3 tổ chức khác dự kiến bị đóng cửa trong 2-3 tháng tới. Tổng số viện nghiên cứu ở Mỹ đã giảm từ con số 103 vào tháng 4/2017 xuống chỉ còn 88 vào cuối năm 2019.

Dư luận ở Mỹ cũng quay lưng với Trung Quốc. Cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew tháng 12 cho thấy, tỷ lệ thiện chí với Trung Quốc của người Mỹ đang ở mức thấp kỷ lục, trong khi những người có quan điểm không thiện chí với Trung Quốc đã tăng từ 47% năm 2018 lên mức khá cao 60% trong năm 2019.

Các nguồn tin ngoại giao của cả 2 phía đều nói rằng, sự trao đổi cả chính thức và không chính thức giữa 2 nước đã giảm đáng kể cả về số lượng, quy mô và cường độ.

“Không có niềm tin, mối quan hệ giữa 2 bên đã vượt qua điểm không quay đầu”, Gal Luft, Giám đốc của Viện Phân tích an ninh toàn cầu có trụ sở ở Washington nói.

Quan điểm áp đặt một phía

Luft cũng nói rằng Quốc hội Mỹ cũng trở thành “thế lực gây bất ổn một cách báo động” trong quan hệ Mỹ-Trung, khi mà cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đều đang cố thể hiện cho nhau thấy ai là người có quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc.

“Bản thân ông Trump không muốn leo thang căng thẳng. Nhưng những người có quan điểm cứng rắn ở Washington đang gây sức ép với ông và ông dường như không thể kiểm soát họ”, ông nói.

Yun Sun, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Stimson ở Washington, lưu ý rằng “Cả Mỹ và Trung Quốc đều cảm thấy mạnh mẽ rằng đối phương là kẻ gây rối và kiểu chỉ tay áp đặt như vậy khó có thể đưa ra bất cứ giải pháp hay ý kiến tích cực nào”.

Trong khi các nhà ngoại giao Trung Quốc đang đổ lỗi cho Trung Quốc về sự đi xuống trong 40 năm quan hệ song phương, David Stilwell, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, gần đây đã lên tiếng bảo vệ chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức năm 1979.

“Thực tế là suốt hàng chục năm, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã chìa bàn tay bằng hữu với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc vẫn chưa đáp lại. Các ghi chép lịch sử cho thấy rõ điều đó”, ông nói trong một bài phát biểu ở Trung tâm về Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington ngày 12/12.

Tương lai chung

Cả các học giả Trung Quốc và Mỹ đều tin rằng tương lai cải cách và sự mở cửa của Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ với Mỹ.

Theo Yuan Peng, Chủ tịch Viện quan hệ quốc tế đương thời của Trung Quốc ở Bắc Kinh, chính sách mở cửa của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình có thể đã trở nên bất khả thi nếu không có sự bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

Mỹ và Trung Quốc liệu có rơi vào Chiến tranh Lạnh mới trong năm 2020? - 4

Tương lai cải cách và sự mở cửa của Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ với Mỹ?

Ông Yuan chỉ ra rằng, phiên toàn thể thứ 3 của Ủy ban Trung ương lần thứ 11 - được coi là sự khởi đầu của những cải cách của Trung Quốc và sự mở cửa nền kinh tế với Mỹ cũng như các nước phương Tây khác – diễn ra chỉ 2 ngày sau thông cáo chúng về thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc ngày 16/12/1978.

Hầu hết các chuyên gia đều bi quan về triển vọng quan hệ Mỹ và Trung Quốc trong năm 2020, trước thềm cuộc bầu cử ở Mỹ và Đài Loan, thậm chí một số ít người thậm chí vẫn tin rằng hai nước sẽ bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới dù sớm hay muộn.

Zhiqun Zhu, trưởng khoa quan hệ quốc tế tại đại học Buckenll nói rằng, tình trạng mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc là đáng thất vọng nhưng đã tránh được kịch bản xấu nhất. “Chúng ta vẫn cần phải lo ngại, nhưng không cần phải tuyệt vọng”, ông nói.

Hoàng Phạm/VOV.VN (Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn