Mỹ và Trung Quốc hướng tới một thỏa thuận thương mại

Thế giớiThứ Sáu, 22/02/2019 20:30:00 +07:00

Cơ hội mở ra khi hai bên đã đưa ra một bản phác thảo có thể hình thành một thỏa thuận trước hạn chót ngày 1/3 tới.

Ngày 21/2, các nhà đàm phán thương mại cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc ngày làm việc đầu tiên trong khuôn khổ vòng đàm phán thương mại lần thứ 7 đang diễn ra tại thủ đô Washington.

Tham dự cuộc đàm phán, phái đoàn Trung Quốc gồm Phó Thủ tướng Trung Quốc, đồng thời là Đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Lưu Hạc làm trưởng đoàn, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC - ngân hàng trung ương) Dịch Cương, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cùng nhiều quan chức khác. 

Về phía Mỹ có Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross. Các nhà đàm phán hai nước đã tiến hành đối thoại trong hơn 9 giờ đồng hồ nhằm tháo gỡ bế tắc hiện nay trong quan hệ thương mại song phương.

my-trung

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Nhà khách chính phủ ở Bắc Kinh ngày 15/2/2019. (Ảnh: Reuters)

Về nội dung vòng đàm phán này, ông Cao Phong, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết: “Dựa trên vòng tham vấn cấp cao cuối cùng, hai bên sẽ thảo luận sâu về các vấn đề kinh tế và thương mại có liên quan. Bằng việc tổ chức các cuộc đàm phán thường xuyên như vậy, đội ngũ đàm phán của hai bên hướng tới mục tiêu đạt được một thỏa thuận theo sự đồng thuận của hai nguyên thủ quốc gia”.

Theo giới truyền thông, hai bên đã bắt đầu phác thảo một thỏa thuận, trong đó gồm nhiều vấn đề mang tính cấu trúc, và thảo luận về cách diễn đạt trong 6 biên bản ghi nhớ liên quan đến vấn đề bắt buộc chuyển giao công nghệ, tội phạm mạng, quyền sở hữu trí tuệ, các dịch vụ, tiền tệ, nông nghiệp và không rào cản thuế quan trong thương mại. Bên cạnh đó, hai bên cũng thảo luận cơ chế nhằm đảm bảo Trung Quốc tuân thủ mọi thỏa thuận.

Các nguồn thạo tin nhận định không có gì ngạc nhiên khi vòng đàm phán này là thách thức hơn cho cả hai bên, đặc biệt trong việc thu hẹp bất đồng về cách diễn đạt cụ thể nhằm giải quyết đòi hỏi của Mỹ về những thay đổi mang tính cấu trúc trong nền kinh tế Trung Quốc.

Theo các chuyên gia kinh tế, đây là lần đầu tiên trong suốt cuộc chiến thương mại kéo dài 7 tháng qua, Mỹ và Trung Quốc dường như đã đạt được bước tiến rõ ràng sau khi phái đoàn của hai nước bắt đầu vạch ra những cam kết trên nguyên tắc về những vấn đề bất đồng, có khả năng sẽ hướng tới một thỏa thuận giải quyết tranh chấp.

Trong khi đó, một số nguồn tin Chính phủ Trung Quốc cho biết, hai bên đã nhất trí về cách thức giảm sự mất cân bằng thương mại, yếu tố góp phần dẫn tới sự căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cụ thể, Mỹ  và Trung Quốc đang xem xét một danh sách gồm 10 cách để Trung Quốc giảm thặng dư thương mại của nước này với Mỹ, trong đó có việc mua bổ sung nông sản, năng lượng, các hàng hóa khác như là thiết bị bán dẫn.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue, Mỹ có thể nhanh chóng bù đắp lại những thiệt hại tại thị trường Trung Quốc do cuộc chiến thương mại nếu hai bên đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, ông Perdue cho rằng, sẽ là quá sớm trong việc thảo luận chi tiết mặt hàng nông sản mà Trung Quốc đề xuất mua thêm bởi mọi thỏa thuận đều phụ thuộc vào "thỏa thuận lớn hơn". Ông cho rằng vấn đề mang tính cốt lõi chính là việc Trung Quốc đưa ra những cải cách về hệ thống trong nền kinh tế.

Hai bên sẽ tiếp tục ngày làm việc thứ hai trong ngày 22/2 (giờ Washington).

(Nguồn: VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn