Mỹ tính triển khai tên lửa siêu thanh ở châu Âu, Nga lên tiếng đáp trả

Quân sựThứ Sáu, 30/10/2020 08:53:32 +07:00
(VTC News) -

Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, ý định của Washington đang gây hoang mang sâu sắc, đồng thời nêu rõ "Mỹ nên tự răn đe mình hơn là nhằm vào Nga".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 29/10 cho biết tuyên bố của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien về việc Washington sẵn sàng triển khai tên lửa siêu thanh ở châu Âu để ngăn chặn Nga, đang gây ra nhiều lo lắng.

Quyết tâm của Mỹ tạo tiền đề cho sự xuất hiện cuộc khủng hoảng tên lửa mới ở châu Âu là không thể và sẽ gây ra sự hoang mang sâu sắc”, bà Maria Zakharova nói.

Xem xét các tuyên bố mà các chính trị gia Mỹ đưa ra, tôi muốn khuyên giới tinh hoa chính trị Mỹ nên tự răn đe mình hơn là nhằm vào Nga", nhà ngoại giao Nga cho biết thêm.

Mỹ tính triển khai tên lửa siêu thanh ở châu Âu, Nga lên tiếng đáp trả - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.

Hôm 28/10, trong bài phát biểu tại Viện Hudson ở Washington, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ O'Brien cho biết Mỹ sẵn sàng triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở châu Âu, nếu cần để răn đe Nga. Cố vấn Mỹ cho rằng bằng cách triển khai những vũ khí siêu thanh này, Washington không chỉ ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào Mỹ, mà còn giúp tiến hành các cuộc đàm phán thực sự về kiểm soát vũ khí trong tương lai.

Ông O'Brien dẫn minh chứng tương tự như bối cảnh những năm 1980, khi Mỹ triển khai tên lửa Pershing và tên lửa hành trình ở châu Âu, buộc Liên Xô ngồi xuống bàn đàm phán và đồng ý thảo luận việc ký Hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, những hành động mà Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ O'Brien đề cập tới không nhằm tăng cường thêm an ninh cho Mỹ và các đồng minh.

"Điều duy nhất mà Washington muốn ngăn chặn bằng phương pháp như vậy là liên quan đến các nỗ lực yếu ớt của châu Âu nhằm thể hiện sự độc lập và cố gắng thiết lập quan hệ mang tính xây dựng với Nga trong lĩnh vực an ninh và ổn định", bà Zakharova nói.

Bà Zakharova đồng thời nhấn mạnh, việc triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn trước đó bị cấm bởi Hiệp ước INF “sẽ là một bước đi cực kỳ rủi ro và gây mất ổn định".

"Đó là lý do tại sao Nga tuyên bố đơn phương ngừng triển khai các loại vũ khí như vậy ở những khu vực vắng bóng các hệ thống tương tự do Mỹ sản xuất. Các cam kết của chúng tôi vẫn có hiệu lực đầy đủ", nhà ngoại giao Nga nói.

Hôm 28/10, bình luận về triển vọng gia hạn Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3), Cố vấn An ninh quốc gia O'Brien cho biết, Nga và Mỹ sẽ gia hạn START-3 trong 1 năm, nếu hai nước có thể giải quyết các vấn đề liên quan.

Đồng thời, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ đảm bảo rằng Mỹ muốn đạt được một thỏa thuận, và tin tưởng rằng điều này đáp ứng lợi ích của cả Matxcơva và Washington. Ông O'Brien cũng thừa nhận rằng Tổng thống Donald Trump và toàn bộ chính quyền Mỹ “không nhiệt tình” với START-3, khi tin rằng nó “xa thực tế”, vì không bao gồm kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Cố vấn Mỹ một lần nữa lên tiếng chỉ trích Trung Quốc từ chối tham gia quá trình cắt giảm vũ khí hạt nhân cùng Nga - Mỹ.

Theo bạn, ứng cử viên nào sẽ trở thành Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đây?

Minh Tuấn(Nguồn: TASS)
Bình luận
vtcnews.vn