Mỹ thừa nhận tổng thống tự phong có thể khiến Venezuela rơi vào cuộc chiến đẫm máu

Thế giớiThứ Năm, 24/01/2019 15:19:00 +07:00

Mỹ thừa nhận lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaido là tổng thống lâm thời có thể khiến Venezuala rơi vào cuộc nội chiến đẫm máu, các chuyên gia cảnh báo.

Một chương mới trong cuộc khủng hoảng ở Venezuela mở ra ngày 23/1, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận Juan Guaido, Chủ tịch Quốc hội do phe đối lập kiểm soát là “tổng thống lâm thời” của Venezuela.

Nhiều quốc gia Nam Mỹ và phương Tây nhanh chóng hưởng ứng Mỹ, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tại Venezuela. 

venezuela-dao-chinh-1

Những nước ủng hộ lãnh đạo đối lập Guaido (bên trái) và Tổng thống hợp hiến Maduro (bên phải). (Nguồn: Bloomberg)

Bộ Ngoại giao Mỹ gọi thời kỳ Nicolas Maduro làm tổng thống là một “chế độ độc tài thảm khốc” và kêu gọi lực lượng quân đội và an ninh của nước này chống lại vị tổng thống đương nhiệm. Trong khi quân đội Venezuela từ chối, tuyên bố lực lượng vũ trang nước này sẽ không công nhận bất cứ tổng thống nào tự tuyên thệ và bị chi phối bởi "các lợi ích đen tối" nằm ngoài pháp luật, xã hội Venezuela vẫn bị chia rẽ, đứng trước bờ vực một cuộc xung đột nội bộ đẫm máu có thể xảy ra.

Tổng thống Maduro sẽ không ngồi yên chấp nhận

Tổng thống Maduro trong một bài phát biểu từ dinh Tổng thống cáo buộc phe đối lập tìm cách lật đổ chính quyền dưới sự hậu thuẫn của Mỹ.

venezuela-dao-chinh-2

 Tổng thống Maduro ký văn bản cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ. (Ảnh: AP)

“Có một nguy hiểm lớn là điều này có thể dẫn đến một cuộc nội chiến”, cựu quan chức ngoại giao Mỹ, Jim Jatras nói với RT. “Nếu quân đội hoặc cảnh sát chia rẽ, có thể xảy ra bạo lực rất nghiêm trọng ở đất nước này.”

“Hàng triệu người Venezuela đã thoát nghèo trong cuộc cách mạng Bolivar. Họ sẽ không chấp nhận sự áp đặt của tổng thống mới do Mỹ lựa chọn”, Brian Becker từ ANSWER Coalition (một nhóm phản chiến) nói với RT, cảnh báo nội chiến nổ ra sẽ đẩy Venezuela vào bể máu.

Một số nhà phân tích gọi việc ông Trump công nhận nhà lãnh đạo đối lập của Venezuela là một sự can thiệp vào các vấn đề nội bộ của một quốc gia có chủ quyền.

“Có một chiến lược mà chính phủ Mỹ bắt đầu sử dụng để khôi phục ảnh hưởng của họ và thúc đẩy các chính phủ cánh hữu” - ông Beck Becker giải thích, lưu ý rằng các nước láng giềng thân cận của Venezuela có thể được sử dụng để thúc đẩy cuộc đảo chính ở Caracas.

Đồng nghiệp của Becker, Gloria La Riva, nhấn mạnh rằng Washington rất quan tâm đến nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn của Venezuela. “Nếu bây giờ Mỹ công nhận nhà lãnh đạo tự phong Guaido, tòa án Mỹ sẽ cố gắng chiếm dụng trữ lượng dầu của Citgo (công ty dầu khí) thuộc sở hữu của Venezuela ở Mỹ".

Trong khi Maduro phản ứng với động thái của Washington bằng cách buộc các nhà ngoại giao Mỹ rời đi trong 72 giờ, còn Guaido kêu gọi họ ở lại – một số nhà phân tích lo ngại rằng Mỹ có thể gia tăng áp lực để lật đổ nhà lãnh đạo đương nhiệm.

“Maduro sẽ cố gắng bảo vệ những gì ông ta cho là thẩm quyền lập hiến hợp pháp. Sẽ có một cuộc đối đầu. Sẽ có bạo lực”, Jatras nhận định.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova nói các sự kiện ở Venezuela cho thấy phương Tây thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền khi can thiệp vào việc nội bộ của nước khác.

Đối đầu leo thang với vận tốc tối đa

Tuyên bố của ông Trump tạo tiền đề cho những mâu thuẫn tiếp theo sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chính trị Mỹ, tạo ra căng thẳng trong khu vực và hơn thế nữa, một số chuyên gia nhận định.

"Đây là một khoảnh khắc đối đầu mà tôi dự đoán đạt tốc độ tối đa trước khi leo thang", Michael McCarthy, một nhà nghiên cứu tại Đại học Mỹ và Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu Caracas Wire, cho biết.

bieu-tinh-venezuela-8 8

Biểu tình ở Venezuela. (Ảnh: Manu Fernández/AP)

"Đây sẽ là cuộc leo thang trong nước và quốc tế khi chế độ Maduro làm mọi thứ có thể để có được sự hỗ trợ từ Bắc Kinh và Matxcơva", McCarthy nói. "Những quốc gia này có thể không ủng hộ phong cách hay khả năng lãnh đạo của Maduro, nhưng họ cần Maduro ở đó để đẩy lùi Mỹ và họ sẽ không bỏ đi nhanh chóng."

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk bày tỏ ủng hộ ông Guaido, khi hôm 23/1 kêu gọi tất cả châu Âu tham gia cùng, trong khi người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu gọi Guaido là "tổng thống", kêu gọi các quyền dân sự, tự do và an toàn của ông và của tất cả các thành viên của Quốc hội Venezuela được tôn trọng.

Chính quyền Trump, trong khi đó đe dọa rằng họ sẽ thúc đẩy bước đi chính trị của mình bằng sức mạnh, không loại trừ bất cứ biện pháp nào.

Theo CNN, 48 giờ tiếp theo có thể là chìa khóa cho cả Venezuela và ông Trump - người có lập trường có thể chưa mang lại thay đổi ngay lập tức nhưng sẽ làm tăng kỳ vọng cho các hành động của Mỹ, đặc biệt là nếu vấn đề các nhà ngoại giao Mỹ không nhanh chóng được giải quyết.

bieu-tinh-venezuela-6 3

Một chiếc xe bị đốt làm vật cản trong cuộc biểu tình ở Venezuela (Ảnh: Carlos García Rawlins/Reuters)

bieu-tinh-venezuela-9-10-1055274 4

 Một người biểu tình đổ máu ở thủ đô Caracas. (Ảnh: EPA/Getty)

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn