Mỹ - Tâm điểm tham vọng 'Phương Đông trỗi dậy' của Tập Cận Bình

Thời sự quốc tếThứ Bảy, 06/03/2021 10:20:00 +07:00

Giới lãnh đạo Bắc Kinh vừa tự tin vừa thận trọng trong việc chèo lái Trung Quốc sau đại dịch COVID-19, giữa những nhận định rằng Mỹ là "mối đe dọa lớn nhất".

Một mặt, Chủ tịch Tập Cận Bình thể hiện thái độ tự tin về sự thịnh vượng và quyền lực của Trung Quốc trong thế giới hậu COVID-19, một thế giới mà "phương Đông sẽ trỗi dậy".

Mặt khác, đằng sau những cánh cửa đóng kín, các lãnh đạo Trung Quốc cũng cảnh báo thẳng thừng quan chức: Đừng quên những đối thủ cạnh tranh của chúng ta, trên hết là Mỹ, theo miêu tả của New York Times.

"Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự hỗn loạn trong thế giới ngày nay là Mỹ", ông Tập nói, theo lời kể của một quan chức ở tây bắc Trung Quốc trong bài phát biểu được công bố trên mạng tuần trước. Ông dẫn lời ông Tập: "Mỹ là mối đe dọa lớn nhất đối với sự phát triển và an ninh của chúng ta".

Cảnh báo đó được lặp lại trong bình luận công khai gần đây của các quan chức thân cận với ông Tập, cho thấy sự tự tin lẫn thận trọng giữa lúc Trung Quốc tiến lên trong khi nhiều nước phương Tây tiếp tục vật lộn với đại dịch. Mặc dù Trung Quốc đang phát triển mạnh hơn, ông Tập nói, vẫn còn nhiều cách để "phương Tây mạnh lên và phương Đông yếu đi", các quan chức kể lại.

Các tham vọng đó sẽ rõ ràng hơn vào tuần này. Cơ quan lập pháp của đất nước, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (gọi tắt là Nhân Đại), đã bước vào kỳ họp thường niên bắt đầu từ ngày 5/3 và kéo dài một tuần.

Mỹ - Tâm điểm tham vọng 'Phương Đông trỗi dậy' của Tập Cận Bình - 1

Ông Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 5/3. (Ảnh: Reuters)

Thách thức ngắn và dài hạn

Trung Quốc bước vào kỳ họp "Lưỡng Hội" với thành tích chống dịch thành công và duy trì mức tăng trưởng dương trong khi nhiều cường quốc vẫn vật lộn với phong tỏa để hạn chế lây lan.

Dimitar Gueorguiev, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Syracuse, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, nhận định các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhìn nhận thành tích ứng phó COVID-19 là ví dụ cho cách tập trung nguồn lực trong thời gian ngắn.

Họ cũng dựa vào thành công của đất nước trong việc khống chế COVID-19 để làm minh chứng cho đường lối lãnh đạo của ông Tập. Lynette H. Ong, nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Toronto, cho rằng sau khi thắng lợi trước đại dịch, ông Tập sẽ tìm cách tập trung hơn nữa quyền lực.

Trong khi đó, từ nước Mỹ, chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden đã phát đi tín hiệu rằng họ muốn gây sức ép với Trung Quốc về nhân quyền, cạnh tranh về công nghệ và ảnh hưởng tại châu Á.

Ở trong nước, Trung Quốc đang phải vật lộn với sự già hóa dân số. Họ cũng đối mặt với yêu cầu phải thay đổi động cơ tăng trưởng kinh tế vốn sử dụng quá nhiều vốn và năng lượng nhưng gây ra ô nhiễm nặng.

Bắc Kinh cũng nhận thấy mối đe dọa ở Hong Kong sau các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng vào năm 2019. Quốc hội Trung Quốc dường như đã sẵn sàng sửa đổi quyết liệt luật bầu cử tại Hong Kong, xóa bỏ những dấu tích thời thuộc địa Anh.

Mỹ - Tâm điểm tham vọng 'Phương Đông trỗi dậy' của Tập Cận Bình - 2

Biểu tình ở Hong Kong năm 2019. (Ảnh: New York Times)

Đường dài đến "hiện đại hóa mọi mặt"

Kỳ họp thường niên của quốc hội là một phần trong kế hoạch nhằm củng cố quan điểm rằng ông Tập là nhân tố quan trọng để chèo lái Trung Quốc an toàn vượt qua những thay đổi quan trọng.

Truyền thông Trung Quốc gần đây ca ngợi chiến dịch xóa đói nghèo ở nông thôn của ông Tập. Tuần này, ông nói với các cán bộ đảng về sự lãnh đạo của ông và yêu cầu thể hiện lòng trung thành với chương trình nghị sự của ông.

Vào tháng 7, ông Tập sẽ chủ trì kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc, sự kiện có khả năng biến ông thành nhà lãnh đạo có tầm vóc lịch sử ngang hàng các ông Mao và Đặng. Thêm vào hào quang thành công là kế hoạch tổ chức Thế vận hội Mùa đông tại Trung Quốc vào năm tới và việc xây dựng trạm vũ trụ trên quỹ đạo.

Ông Tập đã nói rằng Trung Quốc sẽ tiến gần hơn đến việc lấy lại vị thế siêu cường mà họ từng đạt được trong lịch sử, trong khi các cường quốc lâu đời đang gặp nhiều khó khăn.

Cuối năm ngoái, ông Tập đã kêu gọi các quan chức "nắm bắt rõ xu hướng lớn là phương Đông đang trỗi dậy trong khi phương Tây đang suy yếu", Zhou Ye, cán bộ đảng tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, cho hay. "Có sự tương phản rõ ràng giữa sự yên bình ở Trung Quốc và sự hỗn loạn ở phương Tây".

Trong nhiều năm, ông Tập và các quan chức Trung Quốc khác đôi khi sử dụng những lời lẽ khoa trương, đặt phương Đông vào thế đối đầu với phương Tây. Dù vậy, họ sử dụng cách nói ngày nhiều hơn một cách rõ rệt trong những tháng gần đây, nhấn mạnh sự tự tin đang bao trùm.

Sức khỏe nền kinh tế sẽ rất quan trọng để đánh giá liệu sự tự tin đó có tồn tại hay không. Các cố vấn chính phủ đã gợi ý rằng tăng trưởng trung bình có thể là 5% hoặc cao hơn trong 5 năm tới, nếu mọi thứ diễn ra tốt đẹp. Đến ngày 5/3, trong phiên khai mạc kỳ họp Nhân Đại, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đặt mục tiêu tăng trưởng "hơn 6%" trong năm nay.

Mỹ - Tâm điểm tham vọng 'Phương Đông trỗi dậy' của Tập Cận Bình - 3

Trung Quốc đang đối mặt với sự già hóa dân số. (Ảnh: AFP/Getty)

Tuy nhiên, quốc gia này có thể không duy trì được mức tăng trưởng đó trừ khi họ cải cách hơn nữa và giảm sự phụ thuộc vào đầu tư cho công nghiệp nặng và cơ sở hạ tầng, các cố vấn kinh tế ở Bắc Kinh cho biết.

Trong bài phát biểu ngày 5/3, Thủ tướng Lý đưa ra các mục tiêu nhằm đưa Trung Quốc thành một cường quốc với công nghệ tiên tiến và năng lượng sạch trong 5 năm nữa.

Nước này cũng phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về nhân khẩu học. Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã được hưởng lợi từ lực lượng lao động trẻ đổ xô đến các nhà máy và đô thị. Song dân số đang bị già hóa của Trung Quốc sẽ đặt ra nhu cầu ngày càng tăng về quỹ lương hưu, chăm sóc sức khỏe và tiền tiết kiệm tích lũy.

"Dù đã đạt được những thành tựu về phát triển kinh tế và xã hội, chúng ta vẫn còn đường dài và nhiều việc phải làm trước khi đạt được hiện đại hóa trên mọi mặt", ông Lý nói.

Áp lực kinh tế như vậy có thể gây áp lực về sự ủng hộ của công chúng dành cho đảng trong những năm tới, Andrew G. Walder, giáo sư tại Đại học Stanford, nhận định.

Phương Tây vẫn còn đó

Các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh có vẻ tập trung nhiều hơn vào Mỹ, nước mà họ cho là vẫn ra sức cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc, bất kể tổng thống nào bước vào Nhà Trắng.

Các nhà hoạch định chính sách tại Trung Quốc đã rất lo lắng khi chính quyền ông Donald Trump rút lại quyền tiếp cận công nghệ Mỹ đối với các công ty Trung Quốc. Nhiều ý kiến cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục cố gắng kìm hãm Trung Quốc bằng cách hạn chế quyền tiếp cận của nước này với các công nghệ đặc biệt như chip thế hệ mới và máy móc sản xuất chúng.

"Sự kiềm hãm và áp bức từ Mỹ là mối đe dọa lớn", Trần Nhất Tân, quan chức an ninh từng là người thực thi chính sách của ông Tập ở Vũ Hán, cho biết. Khi trình bày với các quan chức về những ý tưởng của ông Tập hồi tháng 1, ông Trần đã sử dụng ngôn ngữ quân sự để nhấn mạnh sự nguy hiểm: "Đây vừa là cuộc đụng độ không có kế hoạch vừa là cuộc chiến kéo dài".

Kế hoạch của ông Tập trong việc giải quyết những nguy cơ này là tăng cường sáng tạo trong nước và mở rộng thị trường để ít phụ thuộc hơn vào nhập khẩu công nghệ cao. Song việc tăng cường năng lực thiết kế và chế tạo linh kiện công nghệ cao tân tiến rất tốn kém, không có gì đảm bảo thành công.

Mỹ - Tâm điểm tham vọng 'Phương Đông trỗi dậy' của Tập Cận Bình - 4

Một nhà máy thép ở Giang Tô. (Ảnh: AFP/Getty)

Triển vọng cho kế hoạch của ông Tập cũng phụ thuộc vào những câu hỏi chưa được đề cập trong các tuyên bố chính thức: Ông dự định cầm quyền trong bao lâu? Và ông sẽ chỉ định ai làm người kế nhiệm.

"Tập Cận Bình theo tôi thấy là người cứng rắn nhưng thận trọng trong việc xây dựng di sản cá nhân lâu bền", Dimitar Gueorguiev, giảng viên tại Đại học Syracuse, cho biết.

Vào năm 2018, ông Tập đã thông qua việc thay đổi hiến pháp xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chủ tịch nước, mở ra con đường để ông nắm quyền trong hơn một thập kỷ với tư cách chủ tịch nước cũng như tổng bí thư.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp