Mỹ sẽ thử nghiệm tên lửa hành trình đầu tiên sau khi ngừng tuân thủ hiệp ước hạt nhân

Thế giớiThứ Năm, 14/03/2019 07:11:00 +07:00

Mỹ dự kiến thử nghiệm một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất với phạm vi khoảng 1.000 km (620 dặm) trong tháng 8, một quan chức Lầu Năm Góc cho biết hôm 13/3.

Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ giấu tên cho biết Washington sẽ thử nghiệm một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất vào tháng 8, theo Reuters. Nếu thử nghiệm thành công, tên lửa có thể được triển khai trong khoảng 18 tháng. Quan chức này cho biết Mỹ cũng đang tìm cách thử tên lửa đạn đạo tầm trung vào tháng 11, cả hai sẽ là tên lửa thông thường và không phải hạt nhân.

Đây là tuyên bố thử nghiệm tên lửa công khai đầu tiên của Mỹ kể từ khi nước này ngưng tuân thủ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

my-du-dinh-thu-ten-lua-1

Mỹ dự kiến thử nghiệm một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất với phạm vi khoảng 1.000 km. (Ảnh: REUTERS/Lucy Nicholson) 

Ngày 2/2, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước INF trong 6 tháng, trừ khi Matxcơva kết thúc những gì Washington coi là vi phạm hiệp ước năm 1987.

Hơn một tháng sau, ngày 4/3 Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh cho phép Nga ngừng tuân thủ các điều khoản trong Hiệp ước các lực lượng vũ khí hạt nhân tầm trung (INF).

Theo sắc lệnh này, hiệp ước hạt nhân tồn tại trong hơn 3 thập kỷ qua sẽ được hồi sinh nếu Mỹ ngừng vi phạm các thỏa thuận. Trong trường hợp Mỹ kiên quyết không tuân thủ, hiệp ước INF sẽ hết hiệu lực và chấm dứt mãi mãi.

Hiệp ước INF, được ký kết giữa Mỹ và Liên Xô bởi Tổng thống Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Mikhail Gorbachev năm 1987, đã loại bỏ kho vũ khí tên lửa tầm trung của hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, giảm khả năng tấn công hạt nhân trong thời gian ngắn. Hiệp ước INF yêu cầu các bên tiêu huỷ và không sản xuất tên lửa đạn đạo và hành trình phóng từ mặt đất với phạm vi từ 500 đến 5.500 km (310 đến 3.420 dặm).

Sau tuyên bố của hai bên về việc ngưng tuân thủ INF, Liên Hợp Quốc kêu gọi Mỹ và Nga bảo vệ hiệp ước, nói rằng sự phá vỡ hiệp ước hạt nhân này sẽ khiến thế giới trở nên bất ổn hơn. Ông Kingston Reif, một nhà phân tích của Hiệp hội kiểm soát vũ khí (một tổ chức phi lợi nhuận tìm cách thúc đẩy sự hiểu biết của công chúng và hỗ trợ cho việc kiểm soát vũ khí),  cho biết động thái của Mỹ có thể là một tín hiệu để đưa Nga trở lại tuân thủ hiệp ước.

Video: Dàn vũ khí Nga phô diễn sức mạnh huỷ diệt

Nhưng ông Reif cũng cho rằng nhiều khả năng chính quyền Tổng thống Trump đã lên kế hoạch cho sự sụp đổ hiệp ước này. "Tôi nghĩ rằng Nhà Trắng và cố vấn an ninh quốc gia (John Bolton) đang có chờ đợi hiệp ước kết thúc, vì vậy họ có những thay đổi cho một thế giới hậu INF, trong đó triển khai những vũ khí không còn bị cấm trong Châu Âu hoặc ở châu Á-Thái Bình Dương", Reif nói.

Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga đã sẵn sàng về mặt quân sự cho cuộc khủng hoảng kiểu "tên lửa Cuba" nếu Mỹ muốn, đe dọa sẽ đặt tên lửa hạt nhân siêu thanh trên tàu hoặc tàu ngầm gần vùng lãnh hải Mỹ.

Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba nổ ra vào năm 1962 khi Matxcơva đáp trả việc triển khai tên lửa của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách gửi tên lửa đạn đạo tới Cuba, đưa hai nước đến bờ vực chiến tranh hạt nhân. Hơn năm thập kỷ sau, mối lo ngại này đang quay trở lại, khi Nga có thể triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu đáp trả mọi động thái khiêu khích từ Mỹ. 

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn