Mỹ sẽ đề nghị Quốc hội cho phép điều động quân đội chống IS

Thế giớiThứ Ba, 10/02/2015 11:47:00 +07:00

Lần đầu tiên các nghị sỹ Mỹ có thể bỏ phiếu về quy mô của chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo sau nửa năm triển khai.

Lần đầu tiên các nghị sỹ Mỹ có thể bỏ phiếu về quy mô của chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo sau nửa năm triển khai.

Chính phủ Mỹ dự kiến đề nghị Quốc hội cho phép điều động binh sỹ để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Nếu như vậy, đây sẽ là lần đầu tiên các nghị sỹ Mỹ bỏ phiếu về quy mô của chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo sau nửa năm triển khai.

Mỹ đang dẫn đầu liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo và Tổng thống Barack Obama đã triển khai chiến dịch không kích nhóm phiến quân này từ tháng 8/2014. Tuy nhiên, việc chính phủ Mỹ đến nay chưa chính thức đề nghị sử dụng “Quyền cho phép triển khai vũ lực quân sự” trong chiến dịch trên khiến một số nghị sỹ quan ngại rằng điều này đã vượt quyền hạn của Tổng thống theo quy định của Hiến pháp.
Quân đội Mỹ
Quân đội Mỹ 
Mặc dù vậy, chính phủ Mỹ cho rằng chiến dịch này vẫn hợp pháp vì nó dựa trên sự cho phép đã được thông qua dưới thời Tổng thống George W. Bush năm 2002 trong cuộc chiến tranh Iraq và trong năm 2001 cho cuộc chiến chống mạng lưới khủng bố al-Qaeda và các nhánh chân rết, bao gồm “con đẻ” của al-Qaeda, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Một nguồn tin thân cận với Quốc hội Mỹ hôm qua (9/2) cho biết, chính quyền của Tổng thống Obama dự kiến yêu cầu các nghị sỹ thông qua việc sử dụng Quyền điều động quân đội.

Tuần trước lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho rằng, chính phủ nên xin phép sử dụng Quyền điều động quân đội trong ít nhất 3 năm tới. Bà cho biết, hiện chưa có quyết định vào về quy mô địa lý hay giới hạn đối với việc sử dụng binh sỹ chiến đấu trực tiếp trong lần điều động này. Đây sẽ là điểm gây tranh cãi nhiều nhất nếu được đưa ra Quốc hội Mỹ.

Rất nhiều nghị sỹ đảng Dân chủ muốn ngăn cản việc cử binh sỹ chiến đấu trực tiếp nhưng một số nghị sỹ đảng Cộng hòa thì cho rằng sẽ là không phù hợp khi giới hạn quyền của các chỉ huy quân sự.

Nghị sỹ Bob Corker, thành viên cao cấp Ủy ban đối ngoại thượng viện Mỹ cho biết, sẽ sớm có phiên điều trần về vấn đề này.

Chính quyền của Tổng thống Obama đã tham vấn kín với các nghị sỹ trước khi đưa ra đề nghị chính thức, vì thế tiến trình thông qua việc cấp phép sử dụng Quyền điều động quân đội sẽ khá nhanh.

Nguồn: VOV
Bình luận
vtcnews.vn