Mỹ sắp hạ tiêu chí xác định quốc gia thao túng tiền tệ?

Thời sự quốc tếThứ Ba, 13/04/2021 12:11:10 +07:00
(VTC News) -

Bộ trưởng Tài chính Mỹ và các cộng sự thảo luận về khả năng hạ thấp ngưỡng xác định một quốc gia có thao túng tiền tệ hay không.

Wall Street Journal dẫn một nguồn tin giấu tin cho biết nhóm làm việc của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gần đây thảo luận về khả năng đảo ngược chính sách của chính quyền Trump năm 2019 liên quan tới việc "gắn nhãn" các quốc gia thao túng tiền tệ. 

Theo đó, các tiêu chí đánh giá có thể sẽ hạ xuống ngưỡng thấp hơn để xác định một nền kinh tế có đang giảm giá đồng nội tệ nhằm giành lợi thế cạnh tranh hay không. 

Nguồn tin khẳng định, việc hạ ngưỡng sẽ làm danh sách các quốc gia mà Bộ Tài chính Mỹ đang theo dõi giảm xuống một nửa.

Mỹ sắp hạ tiêu chí xác định quốc gia thao túng tiền tệ? - 1

Mỹ có thể sẽ hạ thấp tiêu chí xác định quốc gia thao túng tiền tệ. (Ảnh: Getty Images)

Cũng theo nguồn tin của Wall Street Journal, trong báo cáo ngoại hối nửa đầu năm của Bộ Tài chính Mỹ, bà Yellen sẽ không đưa Trung Quốc vào danh sách thao túng tiền tệ. Động thái này được cho là để tránh một cuộc đụng độ mới với Bắc Kinh. 

Báo cáo hiện vẫn chưa được hoàn thiện nhưng hạn chót công bố tài liệu này là vào ngày 15/4. 

Dưới thời Trump, Bộ Tài chính Mỹ bị cáo buộc chính trị hóa báo cáo khi bất ngờ "gắn nhãn" Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Động thái trên không nằm trong lịch trình phát hành báo cáo thông thường và diễn ra năm tháng sau khi Washington gỡ bỏ cáo buộc này để đổi lấy các nhượng bộ của Bắc Kinh trong thỏa thuận thương mại. 

Phát ngôn viên Bộ Tài chính Mỹ từ chối bình luận về thông tin WSJ đăng tải.

Theo Bloomberg, các nước bị liệt vào danh sách thao túng tiền tệ của Mỹ sẽ không phải chịu hình phạt ngay lập tức. Nhưng tuyên bố từ phía Mỹ có thể làm chao đảo thị trường tài chính của nước bị "gắn nhãn". 

Luật pháp Mỹ yêu cầu chính quyền phải hợp tác cùng các nước bị cáo buộc thao túng tiền tệ giải quyết tình trạng mất cân bằng tỷ giá hối đoái giữa hai bên.

Các hình phạt bao gồm gạch tên khỏi các hợp đồng của chính phủ Mỹ có thể được áp dụng một năm sau đó trừ khi nhãn thao túng tiền tệ được gỡ bỏ. 

Theo nhà kinh tế học Eswar Prasad tới từ Đại học Cornell, Bộ Tài chính Mỹ cần "xây dựng lại uy tín cho báo cáo bằng cách sử dụng một bộ tiêu chí hợp lý hơn và áp dụng chúng một cách nhất quán giữa các quốc gia thay vì thay đổi quy trình để nhắm mục tiêu cụ thể vào một quốc gia nhất định". 

Song Hy(Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn