Mỹ: Những cuộc đời bị lãng quên giành giật sự sống giữa đại dịch COVID-19

Tư liệuThứ Năm, 09/04/2020 07:00:00 +07:00
(VTC News) -

Rachel Bujalski, phóng viên New York Times, viết một câu chuyện dài lột tả cuộc sống khắc nghiệt của người vô gia cư Mỹ trước bao hiểm nguy trong dịch COVID-19.

Cả thế giới đang chìm vào nỗi lo chung mang tên SARS-CoV-2. Hơn một triệu người nhiễm được xác định trên thế giới và con số chưa có chiều hướng chững lại. Mỹ là quốc gia đi đầu về số ca nhiễm, với khoảng 350.000 trường hợp mắc bệnh. 

Trong cơn khủng hoảng xoáy vào tận cùng gốc rễ nước Mỹ, hàng chục nghìn người vô gia cư đang đứng trước màn đêm u ám. Phía trước họ có thể chẳng tồn tại “tia sáng cuối đường hầm nào”, giống như tuyên bố của Tổng thống Donald Trump. 

Mỹ: Những cuộc đời bị lãng quên giành giật sự sống giữa đại dịch COVID-19 - 1

Người vô gia cư sống trong lều tạm ở Los Angeles. (Ảnh: Rachel Bujalski/New York Times)

Tháng trước, Thống đốc Gavin Newsom của bang California cảnh báo có tới 60.000 người vô gia cư có thể nhiễm virus corona, con số vượt qua sức chịu đựng của hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Tình trạng ở Los Angeles cũng không sáng sủa hơn, với khoảng 60.000 người vô gia cư đang không có nổi một mái ấm. 9 người đã nhiễm bệnh, và sẽ không dừng lại ở đó.

Những nơi trú ẩn không còn chỗ trống. Những địa điểm người vô gia cư có thể tìm thấy thức ăn, chỗ ngủ như thư viện, phòng tập thể dục, nhà bếp,... đều bị đóng cửa. 

Los Angeles thiết lập nhà tạm trú khẩn cấp trong các trung tâm giải trí của thành phố, lắp đặt nhà vệ sinh di động, trạm rửa tay và dịch vụ tắm tại một số khu vực. Dù vậy, để ngăn virus lây lan, từng ấy là chưa đủ.

Mỹ: Những cuộc đời bị lãng quên giành giật sự sống giữa đại dịch COVID-19 - 2

Ước tính có 16.000 người vô gia cư ở Los Angeles phải sống tạm trong xe. (Ảnh: Rachel Bujalski/New York Times)

Tôi lớn lên ở Geneva, Ill, vùng ngoại ô nhỏ ngoài Chicago. Năm 2012, tôi chuyển tới Venice, Calif, thực tập cùng một nhiếp ảnh gia, đang có dự án phản ánh về bất bình đẳng trong xã hội. 

Trước khi tới Los Angeles, tôi chưa bao giờ thấy nhiều người vô gia cư đến thế. Họ sống trong lều, sống trong những nơi trú tạm bợ dọc lối đi Venice, dẫn về phía căn hộ của tôi.

Tôi bắt đầu tiếp cận và tìm hiểu về cuộc sống của họ, với chiếc máy ảnh và ghi âm để sẵn trong túi. 

Nhiều năm qua, tôi đến thăm những cộng đồng người vô gia cư ở Echo, Hollywood, Eagle Rock, San Gabriel Riverbed hay trung tâm thành phố Los Angeles.  Đối với những người không có nơi chốn để về, việc có phòng tắm là thách thức lớn.

Mỹ: Những cuộc đời bị lãng quên giành giật sự sống giữa đại dịch COVID-19 - 3

Busch sống trong căn lều tạm ngay dưới văn phòng của Google ở Venice. Ông là người vô gia cư, đồng thời là nhà hoạt động xã hội đấu tranh cho quyền lợi của những người yếu thế. (Ảnh: Rachel Bujalski/New York Times)

Lần đầu tôi gặp David Busch là vào năm 2013, khi ông kiến nghị thành phố Los Angeles giữ phòng tắm trên lối đi bộ sạch sẽ và dễ tiếp cận hơn với người dân. 

Busch đeo trên cổ tấm bìa ghi dòng chữ “More Love” (cần thêm yêu thương) được viết bằng bút dấu màu đen. Chúng tôi đã nói rất nhiều về việc xóa tan những định kiến bủa vây người vô gia cư và tìm kiếm mối liên hệ gắn kết mọi người.

6 năm sau, vào một ngày mùa đông năm 2019, tôi tình cờ gặp lại Busch ở Venice, ngay dưới văn phòng Google. Ông gặp lãnh đạo của Care Program, công ty cung cấp dịch vụ vệ sinh, đưa họ đi thăm những căn lều tạm của người vô gia cư, đồng thời tư vấn cách kết nối cộng đồng.

Điều chúng ta thấy được ở những căn lều tạm nằm rải rác nơi đây, là chính quyền nhặt chúng lên và vứt hết khỏi thành phố, cứ như thể quét sạch đống rác rưởi đi vậy”.

Những kẻ dọn dẹp đó lờ đi vấn đề rằng chúng tôi đang cần thêm nhà ở tại Los Angeles. Trước khi nhà được xây nên, chúng tôi cần nơi an toàn để nương thân và chấm dứt tình trạng hỗn loạn càng sớm càng tốt”, Busch chia sẻ.

Mỹ: Những cuộc đời bị lãng quên giành giật sự sống giữa đại dịch COVID-19 - 4

Kristen Tollefsen, 50 tuổi, thức dậy từ căn lều đổ nát của mình. Cô từng theo học ngành sản xuất phim hoạt hình ở một trường cao đẳng tại Burbank để theo đuổi giấc mơ Disney. Tollefsen may mắn chữa khỏi căn bệnh ung thư, nhưng rơi vào tình trạng vô gia cư suốt 30 năm qua. (Ảnh: Rachel Bujalski/New York Times)

Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu nhà Harvard năm 2019, các hộ gia đình ở California dành tới 30% thu nhập để trả chi phí nhà ở, tỷ lệ cao nhất trong các bang của Mỹ.

42% người dân California đang chật vật mưu sinh. Với những người Mỹ nghèo nhất, xây nhà riêng là thách thức khủng khiếp, nhưng ngay cả tầng lớp trung lưu cũng gặp rất nhiều khó khăn. 

Mỹ: Những cuộc đời bị lãng quên giành giật sự sống giữa đại dịch COVID-19 - 5

Dallas, 22 tuổi, sống cùng người bạn đời David trong lều. Dallas đã vô gia cư 2 năm, David không có nhà ở suốt 10 năm. Họ đã có với nhau một đứa con. (Ảnh: Rachel Bujalski/New York Times)

Năm ngoái, tôi quen Isabel cùng con gái 1 tuổi là Natalia. Isabel được tuyển dụng làm nhân viên dọn dẹp văn phòng.

Cô không kiếm đủ tiền để bảo đảm một mái ấm. Hai mẹ con phải ngủ trong xe, khi Isabel đã dùng hết những phiếu ưu đãi nhận được từ một tổ chức xã hội, chuyên cung cấp địa điểm đỗ xe buổi đêm cho người vô gia cư. 

Mỹ: Những cuộc đời bị lãng quên giành giật sự sống giữa đại dịch COVID-19 - 6

Isabel cùng con gái Natalia phải ngủ trong xe suốt nhiều tháng. Khi Natalia trở bệnh, Isabel phải tìm một nhà trọ để con được thoải mái hơn. (Ảnh: Rachel Bujalski/New York Times)

Rose và David Cantu gặp nhau cách đây 20 năm, thông qua một người bạn chung. Tháng 12/2018, cả hai bị đuổi khỏi căn hộ và phải sống tạm bợ trong xe. Khi dịch Covid-19 bùng phát, cả hai càng khó tìm phòng tắm công cộng.

Thứ Hai vừa rồi, David qua đời. Rose lo sợ chồng mình đã nhiễm virus corona. 

 

Mỹ: Những cuộc đời bị lãng quên giành giật sự sống giữa đại dịch COVID-19 - 7

Rose và David Cantu ngủ qua đêm trong xe sau khi bị đuổi khỏi căn hộ đang sống. David đã qua đời cách đây vài hôm. Rose lo lắng không biết chồng có nhiễm virus corona hay không. Với những người vô gia cư, được xét nghiệm là điều xa xỉ. (Ảnh: Rachel Bujalski/New York Times) 

David Pyle chuyển tới Los Angeles từ Indiana vào năm 2017 để hỗ trợ con trai, người hành nghề diễn viên. Anh là một trong số nhiều người vô gia cư tôi gặp ở Hollywood đang theo đuổi giấc mộng điện ảnh phù hoa từ những vỉa hè đường phố.

Chẳng ai muốn sống trên đường hay ngủ qua đêm trên một chiếc xe. Đôi khi, nghịch cảnh đẩy họ vào đó và ai cũng muốn vượt qua.

Những người vô gia cư tôi nói chuyện cùng đều mơ về một nơi gọi là nhà, nhưng thực tế thật nghiệt ngã. Không thể có đủ nhà để cung cấp cho tất cả. 

Mỹ: Những cuộc đời bị lãng quên giành giật sự sống giữa đại dịch COVID-19 - 8

David Pyle, 75 tuổi, sống trong chiếc xe tải đỗ trên đường cùng con trai. (Ảnh: Rachel Bujalski/New York Times)

Mức giá trung bình cho một ngôi nhà ở Los Angeles là 600.000 USD, cao gấp đôi so với mặt bằng nước Mỹ. Bang Los Angeles cũng có 4 trong số 5 thị trường dân cư đắt đỏ, xa xỉ nhất gồm Thung lũng Silicon, San Francisco, quận Cam và San Diego.

Với California, số dân ở bang này chiếm 12% tổng dân số nước Mỹ. 1/4 trong số đó là người vô gia cư.

Sao chuyện này có thể xảy ra?

Câu trả lời ngắn gọn thôi: Đó là hệ quả tất yếu của một chính phủ yếu kém, từ luật quy hoạch lỗi thời đến điều khoản thu thuế có lợi cho những người chủ nhà đã tồn tại suốt 40 năm, tạo ra tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng. 

Mỹ: Những cuộc đời bị lãng quên giành giật sự sống giữa đại dịch COVID-19 - 9

Calvin bị đuổi khỏi căn hộ anh đang thuê. Suốt 3 năm qua, Calvin không tìm thuê được căn nhà nào. Anh phải sống tạm trong căn lều dựng trên vỉa hè. (Ảnh: Rachel Bujalski/New York Times)

Mỹ: Những cuộc đời bị lãng quên giành giật sự sống giữa đại dịch COVID-19 - 10

Anita, nhà thơ, 49 tuổi, sống cùng bạn trai và chú chó cưng ở khu Riverbed, nơi cũng có 300 người vô gia cư khác đang sinh sống. (Ảnh: Rachel Bujalski/New York Times)

Mỹ: Những cuộc đời bị lãng quên giành giật sự sống giữa đại dịch COVID-19 - 11

Những căn lều tạm ở Echo Park Lake, nơi có những số phận đang giành giật sự sống mỗi ngày. (Ảnh: Rachel Bujalski/New York Times)

Nhiều thập kỷ qua, tình trạng vô gia cư tồn tại nhức nhối, ám ảnh giới chức, doanh nghiệp và hàng triệu người đang căng mình chiến đấu để tồn tại mỗi ngày.

Khi đại dịch Covid-19 ập đến đe dọa sự tồn vong của cộng đồng này, chúng ta mới biết mình đã lãng quên họ.

Thời điểm quan trọng này là cơ hội để làm điều gì đó tốt hơn. Đuổi người vô gia cư từ nơi này đến nơi khác, buộc họ sống trong lều tạm không phải giải pháp lâu dài.

Điều đó không thể bảo vệ người dân khỏi nguy cơ mắc bệnh trong những ngày bình thường, đừng nói trong thời điểm đại dịch. Chính phủ Mỹ nên tìm cách tạo ra nhà ở, với giá cả phải chăng hơn. 

Nếu chúng ta bắt đầu thực hiện từ bây giờ, có thể những người hàng xóm vô gia cư ngoài kia sẽ được bảo vệ, thay vì phải giành giật sự sống của nhau đến những phút cuối cùng.

Hồng Nam (Nguồn: The New York Times)
Bình luận
vtcnews.vn