Mỹ nên coi chừng 'lính áo xanh dương' Trung Quốc trên Biển Đông

Thế giớiChủ Nhật, 08/11/2015 10:35:00 +07:00

Lực lượng dân quân biển Trung Quốc đang trở thành thách thức lớn với việc tuần tra đảm bảo quyền tự do hàng hải trên Biển Đông

Hoạt động đầy bất ngờ, mập mờ và không ngại va chạm, lực lượng dân quân biển Trung Quốc hay còn gọi là "lính áo xanh dương" đang trở thành thách thức lớn với chương trình tuần tra đảm bảo quyền tự do hàng hải trên Biển Đông do Mỹ tiến hành.

Hải quân Trung Quốc đã điều một vài tàu chiến bám sát hoạt động của USS Lassen khi chiếc tàu khu trục tên lửa của Mỹ tiến hành tuần tra gần hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 27/10. 
Theo nguồn tin từ Hải quân Mỹ, các tàu chiến Hải quân Trung Quốc đã có phản ứng khá chuyên nghiệp khi giám sát tàu USS Lassen. "Họ theo dõi tàu USS Lassen nhưng vẫn giữ khoảng cách an toàn". 
Một trong những chiếc tàu cá Trung Quốc cản đường hoạt động của tàu thăm dò đại dương Impeccable của Mỹ hoạt động trên Biển Đông hồi tháng 3/2009
Một trong những chiếc tàu cá Trung Quốc cản đường hoạt động của tàu thăm dò đại dương Impeccable của Mỹ hoạt động trên Biển Đông hồi tháng 3/2009 
Tuy nhiên, một vài chiếc tàu cỡ nhỏ hơn được miêu tả là tàu buôn hoặc tàu đánh cá, lại có hành động mang tính khiêu khích hơn khi vượt qua mũi tàu USS Lassen và vờn quanh thân tàu chiến của Mỹ. 
"Một vài chiếc tàu buôn của Trung Quốc có thái độ không từ tốn như tàu của Hải quân Trung Quốc. Một chiếc tàu đã nhổ neo khỏi hòn đảo nhân tạo trên bãi Subi và đi ngang qua mũi tàu USS Lassen nhưng vẫn giữ khoảng cách an toàn. Song tàu USS Lassen không thay đổi lịch trình dù tàu buôn Trung Quốc bám sát", báo cáo hôm 30/10 của Hải quân Mỹ nêu. 
Lâu nay, Trung Quốc thường vận dụng chiêu bài sử dụng các tàu dân sự thay mặt cho chính phủ để uy hiếp tàu nước ngoài. 
Do đó, trong tương lai, số lượng tàu cá Trung Quốc sẽ còn tăng mạnh sau sự kiện tàu USS Lassen tiến hành tuần tra Biển Đông.  
Chia sẻ với tạp chí Defense News, Phó Giáo sư Andrew Erickson tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ nhận định dân quân biển Trung Quốc hay còn gọi là "lính áo xanh dương" đang trở thành lực lượng đắc lực giúp chính quyền nước này hiện thực hóa âm mưu bá chủ Biển Đông. Song ông Erickson khẳng định không có nhiều tàu cá Trung Quốc đang hoạt động gần bãi Subi. 
"Thực tế, số lượng tàu cá Trung Quốc thường xuyên hiện diện ở quần đảo Trường Sa là khá ít. Hoạt động của các tàu cá này nằm trong đội dân quân biển từng cắt mặt tàu USS Lassen. Trung Quốc đang sử dụng đội tàu cá do chính phủ quản lý để giành ưu thế trên Biển Đông mà không lo bị lên án. Đây là vấn đề mà ít chính trị gia Mỹ nghĩ tới", ông Erickson nói. 
Ngoài Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei cùng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Đây là tuyến đường biển thương mại đạt giá trị 5 ngàn tỷ USD/năm và dồi dào nguồn năng lượng như khí đốt và dầu mỏ. 
Để hiện thực hóa âm mưu bá chủ Biển Đông, lâu nay, Trung Quốc đã cho triển khai các tàu bảo vệ bờ biển và tàu dân sự thay vì lực lượng Hải quân, để đối phó với khả năng xảy ra xung đột với tàu nước ngoài. 
"Trong bối cảnh Trung Quốc có những hành động xâm phạm quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, chúng ta cần phân biệt rõ loại tàu và nhân lực mà Bắc Kinh điều động tới nhằm làm phức tạp hóa vấn đề", ông Erickson nhấn mạnh. 
Theo ông Erickson, dân quân biển Trung Quốc đã tham gia vào không ít vụ va chạm như cố tình đâm va tàu thăm dò đại dương Impeccable của Mỹ hoạt động trên Biển Đông hồi tháng 3/2009. 
Ngoài sự kiện này, các tàu cá Trung Quốc còn được điều động cản tàu chấp pháp Việt Nam làm nhiệm vụ cũng như đánh chìm một tàu cá vào thời điểm Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam hồi tháng 5/2014. 
Thậm chí, tàu cá Trung Quốc còn ngăn không cho tàu Philippines tiếp tế nhu yếu phẩm và năng lượng cho các binh sĩ nước này đóng quân trên một con tàu cũ bảo vệ chủ quyền bãi Cỏ Mây. 
Hoạt động bất ngờ và mập mờ
Trong sự kiện va chạm với tàu Impeccable, sự can thiệp của các tàu cá Trung Quốc dường như không được đề cập tới nhưng khi lực lượng này đi ngang qua mũi tàu USS Lassen, nó đã thể hiện rõ những mưu đồ trong học thuyết hàng hải mới của Bắc Kinh. 
Tàu chiến Trung Quốc diễn tập đối đầu trên Biển Đông
Tàu chiến Trung Quốc diễn tập đối đầu trên Biển Đông 
Nói cách khác, Trung Quốc đang gây dựng năng lực lớn hơn cho lực lượng dân quân biển bao gồm hoạt động cản phá và gây rối. Ngoài ra, những nhân sự xuất hiện trên các tàu cá cũng rất dễ để phân biệt bởi họ đều mặc đồng phục và chính quân đội Mỹ cũng đã chụp được những bức ảnh này. 
"Mặc đồng phục vào, họ trở thành binh lính. Nhưng khi cởi bộ đồng phục, họ trở thành những ngư dân bình thường. Đây là chiến thuật hai mặt của Trung Quốc bởi khi núp dưới chiêu bài ngư dân, Mỹ và các nước sẽ không đưa ra phản ứng cản trở hay đe dọa. Đây là cách Bắc Kinh gây rối cũng như hạn chế khả năng phản ứng của các nước", ông Erickson chia sẻ. 
Vậy dân quân biển Trung Quốc thuộc sự quản lý của đơn vị nào? Theo ông Erickson,  dân quân biển gồm các thành viên là lao động địa phương hoặc lính phục viên, nhận chỉ huy hoạt động từ lực lượng vũ trang địa phương. Nhưng trong trường hợp khẩn cấp, họ có thể báo cáo trực tiếp cho giới chức hải quân. 
Cụ thể trong thời bình, nhiệm vụ của dân quân biển là hỗ trợ cho Hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc. Và hiện có khoảng vài chục lực lượng dân quân và đơn vị đảm trách vai trò tiền tuyến. 
Về mặt bằng chung, lực lượng dân quân biển Trung Quốc chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chuyên chở, sửa chữa, tuần tra bờ biển và phản ứng trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, một số ít lại được huấn luyện, đào tạo và trang bị vũ khí hiện đại nhằm đảm nhận những nhiệm vụ phức tạp hơn như trong thời chiến. 
"Khi chúng ta chưa thể hiểu rõ hoạt động của dân quân biển Trung Quốc, họ đã có thể giành được ưu thế nhờ yếu tố bất ngờ và mập mờ. Nhưng ngay cả khi chúng ta xác định rõ họ là ai và phương thức hoạt động như thế nào, chúng ta cũng khó có thể xử lý bởi những quy định hạn chế. Trung Quốc có thể mô tả lực lượng dân quân là các ngư dân yêu nước. Đây là chiêu bài tuyên truyền quá phổ biến với Trung Quốc", phó Giáo sư Erickson nhận định. 
Dù hồi đầu năm nay, Mỹ và Trung Quốc đã ký kết "Bộ quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển" (CUES) nhưng mọi quy định mới chỉ giới hạn với Hải quân Trung Quốc mà chưa bao gồm các đơn vị hàng hải khác của Bắc Kinh. 
Theo ông Erickson, mối quan hệ giữa Hải quân Mỹ và Trung Quốc có thể khá ôn hoàn và phản ứng chuyên nghiệp nhưng lực lượng bảo vệ bờ biển và dân quân biển Trung Quốc lại hành động ngược lại. 
Đây sẽ là thách thức đối với Mỹ và các nước trong quá trình ngăn chặn Trung Quốc hiện thực hóa âm mưu bá chủ trên khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông. 

Nguồn: Infonet
Bình luận
vtcnews.vn