Mỹ mở rộng cuộc chiến bí mật khắp Bắc Phi

Thế giớiChủ Nhật, 07/10/2012 02:49:00 +07:00

Lực lượng tác chiến đặc biệt của quân đội Mỹ đã có mặt trong các đại sứ quán Mỹ ở tất cả các nước Bắc Phi.

Tạp chí Stars & Stripes (Mỹ) ngày 3/10 cho biết, các toán nhỏ thuộc lực lượng tác chiến đặc biệt của quân đội Mỹ đã có mặt trong các đại sứ quán Mỹ ở tất cả các nước Bắc Phi trong những tháng trước khi xảy ra cuộc tấn công ác liệt của các chiến binh giết hại Đại sứ Mỹ tại Libya.

Người dân Libya cấp cứu một người đàn ông bất tỉnh được cho là đại sứ Mỹ tại Libya Chris Stevens trong khuôn viên lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi sớm ngày 12/9 - Ảnh: TTXVN 
Nhiệm vụ của các toán hoạt động đặc biệt là thiết lập một mạng lưới có thể nhanh chóng tấn công một mục tiêu khủng bố hoặc giải cứu con tin ở tất cả các nước khu vực.

Các nỗ lực chống khủng bố cho thấy Chính quyền Mỹ hết sức lo ngại trước mối đe dọa ngày càng tăng của al-Qeada và các chi nhánh của chúng tại Bắc Phi.

Nhưng các quan chức Mỹ cho biết, các toán hoạt động đặc biệt quá mới nên không thể đối phó với cuộc tấn công tại Benghazi - nơi Chính quyền Mỹ cho rằng các chiến binh có quan hệ với al-Qaeda đã bao vây, giết hại Đại sứ Chris Stevens và 3 người Mỹ khác trong cơ quan lãnh sự Mỹ vốn được bảo vệ sơ sài.


Đầu tháng 9/2012, các toán đặc nhiệm Mỹ vẫn chỉ gồm các sĩ quan liên lạc được giao nhiệm vụ xây dựng quan hệ với chính quyền địa phương và liên lạc với các quan chức Mỹ trong khu vực. Và đến nay, lực lượng Mỹ chỉ tiến hành các chiến dịch chống khủng bố hạn chế ở châu Phi.

Ngày 2/9, người phát ngôn Lầu Năm Góc George Little khẳng định, trong giai đoạn hiện nay quân đội Mỹ không có kế hoạch hoạt động đơn phương nào trong khu vực mà chỉ tập trung giúp đỡ các nước châu Phi xây dựng lực lượng của họ.

Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ chỉ huy tác chiến đặc biệt, Đại tá Tim Nye, cho biết các binh sĩ của lực lượng tác chiến đặc biệt đang tiến hành nhiệm vụ chống khủng bố hàng ngày tại 75 quốc gia châu Phi.

Cách tiếp cận chậm chạp của đơn vị chống khủng bố bí mật hàng đầu của quân đội Mỹ - hay còn gọi Lực lượng Delta - là một nỗ lực của Nhà Trắng nhằm đối phó với những lời chỉ trích của một số nghị sĩ, các nhà hoạt động nhân quyền và nhiều người khác cho rằng cuộc chiến chống khủng bố đang chuyển sang cuộc chiến bí mật bằng cách sử dụng các chiến dịch đặc biệt để tập kích và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm tránh trách nhiệm giải trình công khai.

Chính quyền đang tranh thủ thời gian để thành lập đơn vị mới nhằm trấn an tất cả các nhân vật quan trọng như các đại sứ Mỹ, trưởng toán CIA, các sĩ quan chỉ huy quân đội Mỹ trong khu vực và các nhà lãnh đạo địa phương. Rốt cuộc, Lực lượng Delta sẽ tạo thành xương sống của lực lượng đặc nhiệm quân sự chịu trách nhiệm tấn công al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác khắp khu vực bằng các loại vũ khí kể cả máy bay không người lái.

Nhưng trước tiên, đơn vị này phải giành được sự ủng hộ bằng cách giúp đỡ các nước Bắc Phi xây dựng các đơn vị hoạt động đặc biệt và chống khủng bố của họ. Và tất nhiên Chính quyền Mỹ sẽ sử dụng các đơn vị quân đội hoặc tình báo khác để trả đũa các thủ phạm gây nên cuộc tấn công cơ quan lãnh sự Mỹ ngày 11/9 ở Benghazi.

Chính quyền Obama rất quan tâm đến sức mạnh ngày càng tăng và ảnh hưởng của các chi nhánh al-Qaeda tại Yemen, Somalia, Iraq và Bắc Phi. Do đó, đến nay chỉ chi nhánh al-Qaeda tại Yemen tìm cách tấn công trực tiếp các chuyến bay đến Mỹ.


Lực lượng đặc nhiệm mới sẽ hoạt động tương tự các đơn vị được Mỹ thành lập trước đây tại Bắc Phi để chống lại các chi nhánh al-Qaeda hiện đang phát triển về số lượng và được trang bị các loại vũ khí lấy được từ các kho dự trữ sau cuộc cách mạng Libya. Chúng cũng được tài trợ tiền bạc bởi một mạng lưới tội phạm buôn bán ma túy và bắt giữ con tin.


Hiện nay chi nhánh al-Qaeda ở khu vực Bắc Phi (AQIM) và giáo phái cực đoan Boko Haram đặt căn cứ tại Nigiêria là hai chi nhánh lớn nhất và nguy hiểm nhất. Các nhóm khủng bố thường sử dụng bạo lực để áp đặt các đạo luật cực đoan Hồi giáo ở bất cứ khu vực lãnh thổ nào chúng chiếm được khắp châu Phi.

Các quan chức Mỹ tin rằng có thể AQIM đã giúp nhóm chiến binh Libya người địa phương tổ chức cuộc tấn công ở Benghazi và Boko Haram đã giết hại hơn 240 người trong một chiến dịch ám sát và đánh bom chống những người Kitô giáo và chống Chính phủ đầu năm nay.

Hơn nữa, các chính phủ Libya và Nigeria yêu cầu Mỹ hỗ trợ để xây dựng khả năng hoạt động đặc biệt cho lực lượng của họ nhằm chống lại các nhóm quan hệ với al-Qaeda và Nigeria yêu cầu Mỹ giúp kiểm soát khu vực biên giới để ngăn chặn nạn buôn lậu của các chiến binh.

Chính quyền Mali cũng yêu cầu Mỹ giúp đỡ để giành quyền kiểm soát khu vực phía Bắc từ nhóm AQIM và Boko Haram, từ đó mở ra khả năng lực lượng đặc biệt Mỹ sẽ trở lại nước này trong nay mai.

Theo Vietnam+

Bình luận
vtcnews.vn