Mỹ lên kế hoạch cho phiên bản mới của CPTPP

Thời sự quốc tếThứ Hai, 20/12/2021 11:39:46 +07:00
(VTC News) -

Trong chuyến thăm Đông Nam Á vừa qua, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết, Washington cam kết một khuôn khổ kinh tế khu vực mới.

"Theo chỉ đạo của Tổng thống Joe Biden, chúng tôi đang phát triển khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương toàn diện để theo đuổi các mục tiêu chung, bao gồm thương mại và nền kinh tế số", Ngoại trưởng Antony Blinken nói.

Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã bắt đầu các chuyến công du châu Á vào tháng 11 để thảo luận về "khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", đã được chính quyền Tổng thống Joe Biden lên kế hoạch. 

Mỹ lên kế hoạch cho phiên bản mới của CPTPP  - 1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trươngr Malaysia Saifuddin Abdullah. (Ảnh: Reuters)

Tháng trước, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết, Mỹ sẽ không tham gia hiệp định thương mại Thái Bình Dương vào thời điểm này, đồng thời nhấn mạnh Washington đang thiết lập  một khuôn khổ hợp tác mới với Nhật Bản và các quốc gia thân thiện trên các lĩnh vực khác như công nghệ kỹ thuật số và chuỗi cung ứng.

Theo Ngoại trưởng Antony Blinken, khuôn khổ kinh tế mới được cho là hướng tới nỗ lực làm cho các chuỗi cung ứng ít phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời thắt chặt giám sát xuất khẩu để tránh rò rỉ công nghệ quan trọng.

Bên cạnh đó, khuôn khổ kinh tế mới này cũng sẽ bao gồm các quy tắc chung về dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, cũng như thúc đẩy hợp tác về cơ sở hạ tầng. Đây là lĩnh vực mà Bắc Kinh đã tích cực thúc đẩy trong thời gian qua.

Theo Bộ trưởng Thương mại Raimondo, khuôn khổ mới không phải là một hiệp định thương mại truyền thống, nhưng các chi tiết trong khuôn khổ hiện vẫn chưa rõ ràng. 

Theo Nikkei Asia, Mỹ thúc đẩy khuôn khổ kinh tế mới đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm lấp đầy khoảng trống kinh tế sau khi nước này rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây. 

Washington lo ngại vị thế, ảnh hưởng hiện nay của Trung Quốc có thể đe dọa định hình lại trật tự kinh tế của khu vực. Vai trò kinh tế của Mỹ ở khu vực đã bị ảnh hưởng dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump khi nước này không tham gia nhiều trong các hoạt động thương mại toàn cầu.

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã tham gia vào các cuộc đàm phán cho TPP, được ký kết vào năm 2016. Mỹ rút khỏi TPP dưới thời Tổng thống Donald Trump, và hiệp định này được thay thế bằng CPTPP.

11 quốc gia thuộc CPTPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập hồi tháng 9.

Kông Anh(Nguồn: Nikkei Asia)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp