Mỹ đang tính đường "rút lui danh dự" khỏi Libya?

Thế giớiThứ Ba, 05/04/2011 12:40:00 +07:00

Do gặp nhiều khó khăn, trong đó có sự phản đối của Quốc hội và chuẩn bị bầu cử Tổng thống 2012, Mỹ tìm đường rút lui khỏi Libya trong danh dự.

Do gặp nhiều khó khăn, trong đó có sự phản đối của Quốc hội và chuẩn bị bầu cử Tổng thống 2012, Mỹ tìm đường rút lui khỏi Libya trong danh dự.

Các máy bay Mỹ như AC-10 Thunderbolt và AC-130, những vũ khí chuyên tấn công xe tăng và các mục tiêu trên bộ, “biến mất” khỏi bầu trời Libya hôm 2/4. Sau đó, tới hôm 3/4, tất cả 100 máy bay ném bom Mỹ cũng lên kế hoạch rút lui khỏi chiến trường này.

Trước đó, Mỹ cũng rút 12 tàu chiến, trong đó có tàu ngầm hạt nhân USS Providence và đội tàu khu trục có trang bị tên lửa hành trình…khỏi hải phận Libya.

 Mỹ âm thầm rút quân khỏi Libya và rất ít can thiệp quân sự. Ảnh minh họa

Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách của Mỹ ước tính chi phí tiêu diệt hoàn toàn hệ thống phòng không Libya tốn 300 triệu USD/tuần, 6 tháng bảo đảm duy trì vùng cấm bay đòi hỏi 8,8 tỷ USD.

Cuộc tấn công ồ ạt một lần vào các trận địa phòng không Libya tiêu tốn 500 triệu USD đến một tỷ USD.

Để tiêu diệt một mục tiêu trung bình phải tốn hai triệu USD, bởi vì nhiều mục tiêu sẽ phải tiêu hao mấy tên lửa hành trình và bom.

Việc Mỹ rút quân khiến sức mạnh của liên quân sụt giảm nghiêm trọng, số vụ không kích giảm 80%, không còn đủ sức để ngăn quân đội Gaddafi tấn công phe nổi loạn; cũng như không thể duy trì vùng cấm bay và phong tỏa các cảng của Libya.

Đồng thời, liên quân không thể duy trì sức chiến đấu quá 24 giờ nữa (nếu tính từ khi Mỹ rút lui) dù chỉ là trong một khu vực nhỏ gồm Tripoli, Misrata hay Ajdabiah chứ chưa nói tới toàn bộ vịnh Sidra hay những vùng rộng lớn hơn ở Đông hoặc Tây Thủ đô Tripoli.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia dự đoán, ngay cả khi máy bay Mỹ tham chiến, lực lượng trung thành với ông Gaddafi cũng vẫn có thể tái chiếm các thành phố dọc vịnh Sidra. Vùng cấm bay do liên minh lập ra cũng chỉ bao phủ được các căn cứ của phe nổi dậy như Benghazi và Tobruk ở phía Đông và phía Bắc. Và khi Mỹ rút quân, liên quân càng khó lòng triển khai, dù chỉ là các nhiệm vụ nhỏ hơn.

 Liên minh phải kêu gọi Mỹ ở lại Libya thêm hai ngày

Tận dụng sự thiếu hụt lực lượng này, quân đội của ông Gaddafi bắt đầu triển khai phi đội 145 máy bay vận tải. Nhiều phi cơ bay ra nước ngoài, chất đầy vũ khí mà ông Gaddafi mua được từ các nước Arab hoặc bọn buôn lậu vũ khí…

Và với việc vẫn còn 90% không phận tự do ở phía Nam (không nằm trong vùng cấm bay), họ tự do chuyển quân cũng như những nhu yếu phẩm, khí tài khác…tới các địa điểm cần thiết.

Đáng lo hơn nữa cho phương Tây là các cuộc không kích không thành công như mong đợi. Cụ thể là sau vài tuần không kích, liên minh “rêu rao” rằng họ tiêu diệt phần lớn các lực lượng trên bộ của ông Gaddafi.

Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin tình báo, đây là những thông tin không đúng bởi hiện hơn 80% lực lượng này vẫn trong điều kiện chiến đấu tốt và số binh lính đào ngũ cũng không vượt quá con số 1.200.

Và với việc quân đội Mỹ rút lui, ông Gaddafi càng tự do xây dựng lại các hệ thống phòng không và các trung tâm chỉ huy bị liên quân phá hủy trước đó. Còn nhìn chung, hiện ông có nhiều cơ hội để chấm dứt cuộc tấn công của phương Tây với tư cách là bên chiến thắng.

Theo DEBKAfile, quân đội của ông Gaddafi bị đánh “bầm dập” nhưng vẫn còn “khỏe” hơn những gì mà liên quân mong đợi. Ảnh minh họa 

Trong bối cảnh đó, phương Tây đành tìm kế rút lui khỏi Libya trong danh dự chứ không muốn "lún sâu" vào Iraq thứ 2. Và dù Pháp và Anh trên bình diện ngoại giao vẫn khăng khăng là sẽ chiến đấu tới cùng nhưng thực chất, từ giữa tuần trước, họ cũng đi tìm lối thoát theo kênh ngoại giao.

Nhận định này rất có cơ sở khi mà phe nổi loạn đề nghị ngừng bắn nhưng không được quân đội Gaddafi đồng ý. 

Và tới sáng nay, Chính phủ Libya tuyên bố là có thể cải tổ chính trị nhưng ông Gaddafi phải tiếp tục lãnh đạo nhằm tránh rơi vào vết xe đổ Iraq và Somalia; cùng lúc với việc họ cho quân đội tiếp tục tấn công các cứ điểm của phe nổi loạn ở phía Đông.

Một "bằng chứng" khác là “bỗng dưng” nhiều nguồn tin từ Anh tiết lộ là có 12 quan chức hàng đầu Libya bỏ trốn, hay như tin con trai ông Gaddafi muốn kế nhiệm cha…

Cùng với nhiều "chứng cứ" khác, chúng đao tạo nên bức tranh toàn cảnhmà trong đó thấy rõ là phương Tây, kể cả Paris lẫn London, đang “bắn tin”. Nội dung là họ sẵn sàng ký một hiệp định, miễn là ông Gaddafi dừng tấn công, tái chiếm Benghazi và để phe nổi dậy kiểm soát miền Đông Cyrenaica.

Ruvr tóm lược, phương Tây sau khi tham gia vào cuộc phiêu lưu quân sự tại Libya, đang cố gắng tìm cách thoát khỏi tình trạng hiện nay.

Nếu hai bên đạt được sự đồng thuận, đó sẽ là cái cớ để Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, Mỹ, Anh, Pháp…cũng như đồng minh thoát khỏi Libya trong danh dự.

Về phía Gaddafi, ông đang là người nắm lợi thế và cẩn thận cân nhắc các khả năng. Liệu ông có đồng ý với phương Tây… hay sẽ tiếp tục đưa quân đội Đông tiến, đè bẹp phe nổi loạn và chiến thắng cuối cùng?

Hiện còn rất nhiều khả năng xảy ra và các bên đang thương thảo các điều kiện của mình. Liên minh hy vọng với việc Mỹ kéo dài việc can dự, họ có lợi thế hơn trên bàn đàm phán. Về phía Libya, họ cũng cầm cự và chuẩn bị sẵn sàng cho các đợt phản công.

Theo Trần Lâm/Báo Đất Việt

Bình luận
vtcnews.vn