Mỹ dẫn đầu thế giới về các nhà khoa học trích dẫn cao năm 2019

Khoa học - Công nghệThứ Sáu, 22/11/2019 20:05:00 +07:00

Mỹ là quốc gia có nhiều khoa học xuất chúng nhất, với 2.737 người có trích dẫn cao, chiếm 44% toàn cầu.

Ngày 19/11/2019, nhóm Web of Science (WoS) thuộc Clarivate (Mỹ) công bố danh sách các nhà khoa học có trích dẫn cao trên toàn thế giới (Highly Cited Researchers – HCR). Nhà khoa học có trích dẫn cao theo WoS phải là những người công bố những bài báo thuộc tốp 1% trong chuyên ngành thông qua chỉ số trích dẫn khoa học theo WoS. Chỉ số này thể hiện sự ảnh hưởng của các kết quả nghiên cứu trong giới chuyên gia thuộc chuyên ngành.

Theo đó, năm 2019 toàn thế giới có 6.216 nhà khoa học trích dẫn cao từ các lĩnh vực khác nhau từ 60 quốc gia. Mỹ vẫn là nước có nhiều khoa học xuất chúng nhất, với 2.737 nhà khoa học trích dẫn cao (cơ quan chính – primary), chiếm 44% toàn cầu.

Trung Quốc vươn lên đứng thứ 2 với 636 người (cơ quan chính), tăng 154 người so với năm 2018; Úc có số nhà khoa học HCR tăng rất ấn tượng, nếu năm 2014 là 80 thì năm nay là 271; Vương Quốc Anh, Hà Lan, Đức thì giảm so với năm 2018. Dưới đây là bảng số liệu các nhà khoa học trích dẫn cao của 10 cường quốc hàng đầu thế giới:

tran-thanh-nam-1211

 

Theo danh sách trên, 6 cường quốc có nhiều nhà khoa học trích dẫn cao thuộc các nước có nền kinh tế mạnh nhất trong năm 2019 gồm Mỹ, Trung Quốc, Đức, Vương Quốc Anh, Pháp và Canada (theo thứ tự giảm dần). Như vậy, có thể nói nghiên cứu khoa học đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và đó chính là kinh tế tri thức mà giá trị thương mại rất cao.

Việt Nam là một nước khá đông dân, với dân số hiện hơn 97 triệu người vào ngày 19/11/2019 theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc, nhưng không có nhà khoa học nào với cơ quan chính là Việt Nam được vào danh sách các nhà khoa học trích dẫn cao của thế giới. Tuy nhiên, nếu tính cơ quan phụ (secondary) trong danh sách cơ quan của tác giả, Việt Nam vinh dự có được hai nhà khoa học được liệt kê vào danh sách HCR; cụ thể như sau:

tran-thanh-nam-1211 3

 

Trong đó, GS. Bùi Tiến Diệu là một chuyên gia Việt kiều Na Uy và là trưởng một nhóm nghiên cứu hàng đầu của Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU). Trong thời gian qua, TDTU phát huy rất tốt chính sách Việt kiều của Nhà nước, nhiều nhà khoa học Việt kiều nổi tiếng trên thế giới có những chương trình hợp tác về nghiên cứu, giảng dạy và tư vấn rất hiệu quả tại TDTU. Ngoài GS. Diệu, còn phải kể thêm những nhà khoa học Việt kiều như GS. Nguyễn Văn Tuấn (Úc), GS. Nguyễn Minh Thọ (Bỉ), TS. Trần Phan Lam Sơn (Nhật), GS. Lê Khánh Châu (Đức), GS. Đinh Thế Lục (Pháp),…

Đẳng cấp khoa học của hai nhà khoa học HCR đại diện cho Việt Nam thực sự rất đáng nể. Theo WoS, GS. Bùi Tiến Diệu công bố 171 công trình ISI, tổng trích dẫn theo ISI là 3,840 và chỉ số H theo ISI là 34; GS. Nguyễn Xuân Hùng được chọn là nhà khoa học HCR trong nhiều năm nên thành tích của anh vượt trội hơn rất nhiều, cụ thể chỉ số H theo ISI là 53, đây là chỉ số rất cao trong khối ngành kỹ thuật (cao hơn GS. Diệu 19 bậc), tổng số trích dẫn theo ISI là 7.607, trong khi số công trình ISI của anh là 167, ít thua GS. Diệu.

Với các đại học, Đại học Harvard của Mỹ dẫn đầu thế giới với tổng 203 nhà khoa học HCR, và cũng không ngạc nhiên khi đại học lừng danh này được Hệ thống xếp hạng đại học uy tín nhất của thế giới xếp số 1 toàn cầu. Tốp 10 đại học có nhiều nhà khoa học HCR toàn cầu như sau:

tran-thanh-nam-1211 4

 

Trong đó, có 3 đại học có cùng số nhà khoa học HCR là Đại học Duke, MIT, Đại học California San Diego. Điều thú vị và đáng nói là trong tốp hạng 10 (thực sự là 12 đại học) thì hầu hết là các đại học của Mỹ, chỉ có một đại diện duy nhất từ Anh là Đại học Cambridge. Điều này cho thấy Mỹ vẫn áp đảo cả thế giới về số lượng và đẳng cấp các đại học hàng đầu.

Với các viện nghiên cứu hay viện hàn lâm, Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc dẫn đầu thế giới với 101 nhà khoa học thuộc HCR. Viện hàn lâm khoa học Nga thì khiêm tốn chỉ có 1 nhà khoa học HCR cơ quan chính và 2 người thuộc cơ quan phụ. Trong khi đó, các Viện hàn lâm khoa học & công nghệ và Viện hàn lâm khoa học xã hội của Việt Nam thì không có một HCR nào.

Điều thú vị là trong số 6.216 nhà khoa học HCR trong năm nay thì có đến 23 người từng được giải Nobel. Đặc biệt, có 3 người được giải Nobel trong năm 2019 là Gregg L. Semenza thuộc Đại học Johns Hopkins (Y học, Mỹ), John B. Goodenough thuộc Đại học Texas Austin (Hóa học, Mỹ) và Esther Duflo thuộc MIT (Kinh tế, Mỹ).

So với tốp 100.000 nhà khoa học trích dẫn cao theo PLOS Biology (dựa trên Scopus) thì HCR là danh dự lớn hơn nhiều cho các nhà khoa học, bởi lẽ: WoS chỉ thống kê 16.830 tạp chí tốt nhất thế giới nhưng Scopus thống kê tới 24.701 tạp chí và quan trọng là hầu hết các tạp chí ISI đều thuộc Scopus; HCR chỉ tuyển chọn ra 6.216 nhà khoa học mạnh nhất, trong khi đó PLOS Biology chọn tới 100.000 người; Việc cho HCR theo từng chuyên ngành hoặc liên ngành, chứ không cào bằng tất cả các ngàng một cách không khoa học như PLOS Biology.

Các nhà khoa học HCR là những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất trong chuyên ngành và có thể xem họ là những chuyên gia hàng đầu thế giới trong chuyên ngành. Một đất nước, một cơ sở nghiên cứu và đào tạo có được nhiều nhà khoa học HCR thì chứng tỏ họ có sự vượt trội về đẳng cấp khoa học và nền kinh tế tri thức của họ phải mạnh hơn những nước khác.

TS. Lê Văn Út
Bình luận
vtcnews.vn