Mỹ chở vũ khí đến Địa Trung Hải

Thế giớiThứ Tư, 09/03/2011 07:02:00 +07:00

(VTC News) – Ria Novosti ngày 8/3 đưa tin, tuần dương hạm mang tên lửa Monterey của Hải quân Mỹ đã tới Địa Trung Hải.

(VTC News) – Ria Novosti ngày 8/3 đưa tin, tuần dương hạm mang tên lửa Monterey của Hải quân Mỹ đã tới Địa Trung Hải để thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch của Washington và để bảo vệ châu Âu. 

Trước đó, với biên chế tổ hợp điều khiển vũ khí Aegis và tên lửa phòng không, phòng thủ tên lửa, tuần dương hạm Monterey ngày 7/3 đã rời căn cứ hải quân Norfolk ở bang Virginia để tiến ra Địa Trung Hải.

 

Hiện vẫn chưa rõ thời gian triển khai hoạt động của tuần dương hạm Monterey trên Địa Trung Hải là bao lâu, chỉ biết nó được điều tới khu vực này để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt theo yêu cầu của Washington.

Tuy nhiên, có thông tin cho rằng, tuần dương hạm Monterey của Mỹ sẽ làm nhiệm vụ trực chiến trên Địa Trung Hải khoảng nửa năm để kíp lái có điều kiện và thời gian thực hiện nhuần nhuyễn hàng loạt các nhiệm vụ đặt ra trong các tình huống khác nhau theo diễn biến sự kiện trong khu vực.

Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Hải quân Mỹ hy vọng, sự hiện diện của Monterey trong khu vực sẽ góp phần làm chính xác hơn số lượng và phương tiện cần thiết để đảm trách nhiệm vụ bảo vệ châu Âu trước các mối nguy cơ bị tấn công tên lửa từ các đối phương có tiềm năng.

Với khả năng theo dõi và đánh chặn các tên lửa đạn đạo của đối phương, các tàu chiến của Hải quân Mỹ đã được triển khai trực sẵn sàng chiến đấu thường xuyên trên Địa Trung Hải từ năm 2009.

 

Tuy nhiên, hành trình của tuần dương hạm Monterey lần này đến Địa Trung Hải là một ngoại lệ đặc biệt. Đây là lần đầu tiên Mỹ điều tuần dương hạm hạng nặng tới Địa Trung Hải trong khuôn khổ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa cải tiến của Mỹ ở châu Âu.

Mặc dù đã từ bỏ kế hoạch triển khai các thành tố của hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu của chính quyền tiền nhiệm George Bush, song Tổng thống Obama vẫn chưa từ bỏ hoàn toàn mà là tạm gác lại chờ thời cơ thích hợp mới tái khởi động.

Thay vào đó, Mỹ triển khai kế hoạch phòng thủ 4 giai đoạn tới năm 2020. Trước khi triển khai các thành phố phòng thủ tên lửa mặt đất ở châu Âu, Mỹ sẽ đưa vào trực chiến các tàu mang tên lửa đánh chặn trên khoang.

Hiện nay, Mỹ đang tiến hành nâng cấp 21 tàu trang bị hệ thống radar có khả năng theo dõi và cảnh báo sớm hoạt động phóng tên lửa đạn đạo của đối phương đồng thời chỉ thị cho hỏa lực trên tàu tiêu diệt.

Phần lớn các tàu chiến loại này đang nằm trong biên chế của các đơn vị Hải quân Mỹ triển khai ở khu bờ Tây của Mỹ. Tuy nhiên, các tàu này vẫn có thể tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đại Tây Dương.

Đáng chú ý là ngân sách của cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ năm 2012 sẽ được tăng lên 8,6 tỷ USD từ 7,8 tỷ USD năm 2010 và 8,4 tỷ USD năm 2011. Số tiền này sẽ được sử dụng để hoàn tất giai đoạn đầu quá trình triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất trên lãnh thổ Mỹ, để nâng cao khả năng phòng thủ trong khu vực đủ sức đánh chặn và tiêu diệt hiệu quả tên lửa tầm trung, tầm gần và tầm xa.

Ngoài ra, số kinh phí này cũng sẽ được sử dụng để mua 46 thiết bị đánh chặn trên biển, bổ sung thêm 6 quả tên lửa đánh chặn SM-3 Block IA và 12 tên lửa đánh chặn SM-3 Block IB.

Giai đoạn hai của quá trình triển khai hệ thống phòng thủ của Mỹ sẽ kết thúc vào năm 2015 bằng việc triển khai các khẩu đội tên lửa đánh chặn tại Rumani và các thành tố của hệ thống phòng thủ tên lửa tại Hawaii.

Hữu Kỷ - Nhật Minh (Theo news)
Bình luận
vtcnews.vn