Mỹ 'chỉ mặt, gọi tên' quan chức Ả-rập Xê-út tiếp tay cho những kẻ khủng bố 11/9

Thế giớiThứ Sáu, 13/09/2019 14:01:00 +07:00

Quan chức này có thể là người cuối cùng trong số 3 quan chức Ả-rập Xê-út được nhắc tới trong báo cáo của FBI về các vụ tấn công năm 2001.

Bộ Tư pháp Mỹ hôm 12/9 cho biết họ sẽ công bố tên quan chức Ả-rập Xê-út có liên hệ với những kẻ gây ra vụ khủng bố đẫm máu cách đây 18 năm. Tuy nhiên, Bộ này không nêu rõ thời điểm cụ thể. 

Al Jazeera dẫn nguồn thạo tin cho biết, tên của người này sẽ được tiết lộ trước tiên ở tòa án và gia đình các nạn nhân. Sau đó, luật sư sẽ khiếu nại Bộ Tư pháp để công khai tên người này. 

Riyadh chưa đưa ra phản hồi trước thông tin này nhưng Ả-rập Xê-út trong quá khứ từng nhiều lần phủ nhận có liên hệ với al-Qaeda. 

11 thang 9

Thảm kịch 11/9 khiến hơn 3.000 người thiệt mạng. (Ảnh: Thoughtco)

Theo Al Jazeera, vị quan chức Ả-Rập là người hỗ trợ một số kẻ tấn công sau khi chúng tới Mỹ. 

Trong số 19 kẻ thực hiện các vụ tấn công năm 2001, 15 tên tới từ Ả-rập Xê-út. Gần 3.000 người thiệt mạng ở New York, Washington và Pennsylvania sau thảm kịch đẫm máu. Gia đình các nạn nhân nhiều năm qua lên tiếng yêu cầu Riyadh phải bồi thường. 

Một báo cáo về cuộc tấn công được công bố năm 2002 nói rằng một số kẻ tấn công nhận được hỗ trợ từ các quan chức Ả-rập Xê-út. Ít nhất 2 trong số đó Fahad al-Thumurine và Omar al-Bayoumi đều là sỹ quan tình báo của quốc gia Trung Đông. Cả 2 đều có liên hệ mật thiết với đại sứ quán Mỹ tại Ả-rập Xê-út vào thời điểm đó. 

Các cuộc điều tra sau đó bác bỏ tuyên bố này.

Nhưng trong báo cáo đưa ra năm 2012, FBI lặp lại các cáo buộc và đề cập tới người thứ 3 có thể đứng ra chỉ đạo 2 người này nhưng không tiết lộ danh tính. 

"FBI nhận thấy sự cần thiết và mong muốn của gia đình các nạn nhân trong việc tìm hiểu điều gì đã xảy ra với người thân của họ và buộc những người có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm", Bộ Tư pháp Mỹ nói trong một thông báo. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ trích chính phủ Mỹ cung cấp những thông tin này quá muộn màng. 

"Thật đáng buồn và đáng xấu hổ khi phải mất 18 năm để chút sự thật này được phơi bày", Coleen Rowley, cựu đặc vụ FBI cho hay. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn