Mỹ cắt ngân sách cho WHO: Thế giới thêm khó khăn trong cuộc chiến chống COVID-19

Thời sự quốc tếThứ Tư, 15/04/2020 16:10:00 +07:00
(VTC News) -

Nhiều chuyên gia tin rằng quyết định cắt ngân sách cho WHO của ông Trump sẽ khiến cuộc chiến chống COVID-19 của thế giới vốn đã khó khăn trở nên khó nhằn gấp bội.

Sau nhiều lần chỉ trích WHO thiên vị Trung Quốc, chậm trễ đưa ra các khuyến cáo, không chia sẻ thông tin đầy đủ khi dịch COVID-19 lan rộng, Tổng thống Trump hôm 14/4 tuyên bố Mỹ sẽ cắt ngân sách cho tổ chức này. 

"WHO không thể làm tròn nghĩa vụ cơ bản của mình và tổ chức này phải chịu trách nhiệm. Dịch bệnh lẽ ra phải được ngăn chặn từ nguồn khởi phát của nó nếu tổ chức này sớm có phản ứng hợp lý", ông cho hay. 

Nhà lãnh đạo Mỹ còn cho biết đã chỉ thị tiến hành điều tra vai trò của WHO trong việc che giấu thông tin và không quản lý được sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Phản ứng trước quyết định mới của ông Trump, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng hiện tại không phải là thời điểm cho việc cắt giảm. 

Mỹ cắt ngân sách cho WHO: Thế giới thêm khó khăn trong cuộc chiến chống COVID-19 - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: BBC)

“Giờ không phải là lúc cắt giảm các nguồn tài trợ cho các hoạt động của Tổ chức Y tế thế giới hoặc bất cứ tổ chức nhân đạo nào trong cuộc chiến chống COVID-19. Đây là thời điểm cộng đồng quốc tế phải làm việc cùng nhau trong sự đoàn kết để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 và những hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra”, ông nhấn mạnh. 

Với 400 triệu USD mỗi năm, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO khi đóng góp 15% ngân sách của tổ chức này. 

Về mặt lý thuyết, Nhà Trắng không thể chặn tài trợ cho các tổ chức quốc tế nếu không nhận được sự đồng thuận từ Quốc hội. Nhưng chính quyền Trump từng tìm cách lách khỏi những rào cản hiến pháp để đối phó với các vấn đề tương tự bằng cách không giải ngân tiền hoặc áp dụng trừng phạt.

Ông Jac Phelan, Phó giáo sư tại Trung tâm Khoa học và An ninh Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Georgetown cho rằng dù với bất cứ lý do gì, đây vẫn là quyết định thiển cận và nguy hiểm trong bất cứ thời điểm nào, chưa nói đến tình hình dịch bệnh rối ren hiện nay.

Ông Jacin Yamey, Giám đốc trung tâm Duke của Đại học Duke nhận định quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ sẽ gây bất lợi sâu sắc cho sức khỏe cộng đồng toàn cầu.

Mỹ cắt ngân sách cho WHO: Thế giới thêm khó khăn trong cuộc chiến chống COVID-19 - 2

Việc Mỹ cắt ngân sách cho WHO được cho là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc chiến chống COVID-19 của thế giới. (Ảnh: Reuters)

WHO hiện là một trong số ít các cơ quan có thể tiếp cận với một bộ phận dân số dễ bị tổn thương nhất thế giới ở Yemen, Libya và Syria.

Ông ấy đang cố gắng đánh lạc hướng mọi người khỏi những lỗi lầm của mình dẫn tới phản ứng tồi tệ của chính phủ với dịch COVID-19”, ông Yamey cho hay.

The Guardian bình luận có thể WHO đang trở thành vật tế thần cho chính quyền Trump vào thời điểm ông và cấp dưới đang hứng nhiều chỉ trích vì phản ứng chậm trễ trong cuộc khủng hoảng hiện nay.

Một số quan chức y tế công cộng đồng ý rằng phản ứng của WHO với COVID-19 có nhiều điểm đáng chê trách nhưng đã cải thiện nhiều so với thời điểm cách đây 6 năm khi đối đầu với dịch Ebola. Họ tin rằng việc tạo ra thêm khủng hoảng ở thời điểm hiện nay của Tổng thống Trump không phải là nước cờ đúng đắn.

Mỹ cắt ngân sách cho WHO: Thế giới thêm khó khăn trong cuộc chiến chống COVID-19 - 3

Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID-19

WHO đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn cho các nước đang phát triển về các vấn đề y tế và khủng hoảng. Do đó việc tổ chức này bị cắt giảm ngân quỹ trong đại dịch có thể khiến dịch bệnh vượt ngoài tầm kiểm soát ở các khu vực đang oằn mình chống dịch và khiến virus bùng phát trở lại tại các quốc gia đã ngăn chặn thành công nó. 

"Nếu chúng ta giáng đòn vào WHO, chúng ta đang tự làm tổn thương mình bởi điều đó khiến việc ngăn chặn sự bùng phát đại dịch trên toàn cầu trở nên khó khăn hơn và nó không có lợi cho chúng ta", Jeremy Konyndyk, thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu cho hay. 

"Chừng nào ngọn lửa này còn bùng cháy ở đâu đó trên thế giới, tất cả chúng ta đều sẽ bị tổn thương bởi những tia lửa đó. WHO đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc dập tắt những đám cháy này. Chúng ta nên cho phép họ làm điều đó thay vì bắt đầu đấu đá với họ", ông nói. 

Video: Tổng thống Trump thông báo tạm ngừng tài trợ cho WHO

Lawrence Gostin, Giám đốc Viện nghiên cứu về sức khỏe quốc gia và toàn cầu của Đại học Georgetown đồng ý với quan điểm này. Ông tin rằng hành động của ông Trump có thể cản trở đáng kể cuộc chiến chống lại COVID-19 của toàn thế giới. 

"WHO đơn giản sẽ không thể duy trì được sự lãnh đạo cần thiết trong thời điểm chưa từng có trong lịch sử loài người này", ông cho hay. 

Thông báo của ông Trump được đưa ra vào ngày chuyến bay đầu tiên của WHO rời Ethiopia mang theo vật tư y tế đến các nước châu Phi để hỗ trợ họ chiến đấu với COVID-19. 

Matthew Kavanaugh, nhà nghiên cứu y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown cho biết WHO đang đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các chiến dập dịch ở các nước có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới. 

Nhiều học giả trước đây từng chỉ ra rằng các khoản đóng góp cho WHO từ lâu không tương xứng với vai trò mà tổ chức này gánh vác. 

Theo Sciencemag, chi tiêu chung của WHO ít hơn ngân sách của một số bệnh viện lớn tại Mỹ. Chưa tới 1/5 ngân sách của họ là các khoản phí thành viên mà 194 quốc gia đóng góp. Phần còn lại tới từ các khoản tài trợ và Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất. 

Mỹ cắt ngân sách cho WHO: Thế giới thêm khó khăn trong cuộc chiến chống COVID-19 - 4

Quyết định của Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc chiến chống COVID-19 toàn cầu.

Trong cuộc phỏng vấn vào tháng 12. Tổng Giám đốc WHO nói rằng sự phụ thuộc của tổ chức này vào một số ít các nhà tài trợ khiến họ dễ bị tổn thương. 

"Nếu một trong số họ từ chối tài trợ, đó có thể là một cú sốc nghiêm trọng", ông cho hay. 

Thượng nghị sỹ Patrick Leahy chỉ trích quyết định của ông Trump, nói rằng việc giữ lại các khoản tài trợ cho WHO trong đại dịch tồi tệ nhất trong vòng 100 năm qua tương tự như việc ngừng cấp đạn dược cho đồng minh khi kẻ địch áp sát.

The Guardian bình luận, không rõ ông Trump nhìn nhận cú xuống tay với WHO quan trọng ra sao trong chiến dịch tranh cử, nhưng thế giới dường như lại chứng kiến thêm một bước đi rời khỏi vị trí lãnh đạo thế giới của Mỹ.

Song Hy(Nguồn: BI, The Guardian)
Bình luận
vtcnews.vn