Mỹ cam kết trừng phạt Nga và Iran, chặn đứng mạng lưới vận chuyển dầu đến Syria

Thế giớiThứ Tư, 21/11/2018 11:33:00 +07:00

Mỹ đưa ra các lệnh trừng phạt chống lại mạng lưới vận chuyển dầu đến Syria, bao gồm việc trừng phạt các cá nhân, công ty của Nga và Iran, theo RT.

Theo RT, Washington tuyên bố sử dụng các đòn trừng phạt để phong tỏa các thương vụ vận chuyển dầu tới Syria. Trong danh sách trừng phạt mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ, có 6 cá nhân và 3 công ty tới từ Nga và Iran. 

Ngoài các lệnh trừng phạt mới, Mỹ còn đưa ra văn bản cảnh báo “nguy cơ bị trừng phạt nặng” với tất cả các bên nỗ lực vận chuyển dầu tới các cảng của Syria. 

cang-latakia-1

 Cảng Latakia lớn nhất Syria. (Ảnh: Reuters)

Bộ Tài chính Mỹ cho biết các cá nhân và công ty bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt là những người nằm trong một chương trình “phức tạp và độc hại” nhằm ủng hộ chế độ Tổng thống Bashar Assad. Mỹ cho rằng dầu được nhập khẩu từ Iran vào Syria bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Chính phủ Syria bị cáo buộc chuyển tiền cho các nhóm vũ trang hồi giáo như Hamas và Hezbollah với chỉ thị của Iran, trong khi các công ty Nga làm nhiệm vụ trung gian, lấy tiền từ Iran để vận chuyển dầu đến Syria.

Theo báo cáo của Washington, Ngân hàng trung ương Iran từng chuyển tiền cho một công ty dược Iran, hy vọng "cái mác" của dịch vụ nhân đạo sẽ khiến các nhà quan sát Mỹ không cảnh giác. Số tiền được đưa vào một ngân hàng Nga, rồi chuyển đến một công ty Nga sẽ chuyển dầu cho Syria. Trên đường, các tàu Nga sẽ tắt hệ thống định vị GPS để che giấu nguồn gốc hàng hóa.

Sau khi nhận được dầu từ Nga, Ngân hàng trung ương Syria sẽ chuyển tiền đến cho các nhóm Hezbollah và Hamas hoạt động tại lãnh thổ Li-băng và Palestine.

Dù quá trình này chỉ là giả thuyết của Mỹ mà chưa đưa ra bằng chứng, nhưng các lệnh trừng phạt mới nhất vẫn tạo nên một chiến dịch chống lại Iran và các đồng minh. 

Các ngân hàng có liên hệ với Hamas và Hezbollah đều nằm trong danh sách trừng phạt, cùng với các công ty vận chuyển giúp Tehran chuyển binh sỹ và hàng hóa tới các nước trong khu vực. 

Trước các lệnh trừng phạt của Mỹ, hệ thống hỗ trợ giao dịch quốc tế SWIFT đã loại bỏ ngân hàng Iran ra khỏi mạng lưới một tuần trước, khiến nước này càng khó khăn hơn trong việc giải quyết các hóa đơn xuất-nhập khẩu.

Hôm 5/11, Washington thông báo tái áp đặt tất cả các lệnh trừng phạt Iran từng được gỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Các lệnh trừng phạt mới khiến 700 người bị đưa vào danh sách đen, bao gồm cả những cái tên cũ và mới, Bộ Tài chính Mỹ cho biết.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, Iran cần hoàn thành một danh sách 12 yêu cầu của Mỹ nếu muốn các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ. Những yêu cầu này bao gồm dừng phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo, kết thúc “hỗ trợ cho khủng bố” từ Tehran và rút khỏi xung đột ở Syria.

“Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là khiến Iran từ bỏ các hoạt động phi pháp của họ vĩnh viễn và cư xử như một nước bình thường", ông Pompeo nói. 

Trong khi đó, Tehran nói họ có đủ khả năng kiểm soát nền kinh tế dù đứng trước áp lực. “Các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ chỉ có hiệu ứng tâm lý” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi nói trên truyền hình quốc gia, cho rằng Mỹ sẽ không đạt được mục tiêu chính trị bằng những lệnh trừng phạt này.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn