Mỹ bỏ lỡ thời cơ vàng chặn đứng đại dịch ra sao?

Tư liệuThứ Ba, 31/03/2020 07:03:00 +07:00
(VTC News) -

Số ca nhiễm tăng nhanh, một số bang có nguy cơ bị phong tỏa,... nước Mỹ đã có thể tránh được thảm cảnh này nếu có chiến lược ngăn chặn dịch bệnh đúng đắn từ đầu.

Mỹ bỏ lỡ thời cơ vàng chặn đứng đại dịch ra sao? - 1

Số ca nhiễm tăng nhanh, một số bang có nguy cơ bị phong tỏa,... nước Mỹ đã có thể tránh được tình cảnh này nếu có chiến lược ngăn chặn dịch bệnh đúng đắn từ đầu.

Mỹ không thờ ơ với nguy cơ từ virus corona chủng mới. Khi Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, các quan chức liên bang có trách nhiệm ngăn chặn dịch bệnh đã ngồi họp, đưa ra phương án di tản lãnh sự quán tại Vũ Hán, cấm du khách Trung Quốc tới Mỹ và sơ tán công dân Mỹ khỏi tàu du lịch Diamond Princess - nơi có hơn 700 du khách nhiễm SARS-CoV-2.

Dù vậy, các thành viên của đội đặc nhiệm chống virus corona chỉ dành 5 hoặc 10 phút cuối mỗi buổi họp để nói về chiến lược xét nghiệm - cánh cổng quan trọng nhất để ngăn sự xâm lấn của Covid-19. 

Mỹ bỏ lỡ thời cơ vàng chặn đứng đại dịch ra sao? - 2

Đội ngũ lãnh đạo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cam kết phát triển mô hình chẩn đoán và sớm đưa vào vận hành, nhưng khi loại virus chết chóc từ Trung Quốc bắt đầu lây sang Mỹ (khoảng thời gian từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 3), không ai thấy mô hình xét nghiệm đó đâu.

Sai sót kỹ thuật, rào cản pháp lý, sự quan liêu và thiếu lãnh đạo ở nhiều cấp độ khiến mắt xích cần thiết nhất trong cuộc chiến chống virus của Mỹ bị bẻ gãy từ sớm. Quốc gia giàu có và sở hữu nền khoa học, y học truyền nhiễm số 1 thế giới bỏ lỡ thời cơ vàng để ngăn chặn virus lây lan.

Một tháng sau khi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên là thời cơ tốt nhất để mọi quốc gia lên phương án dập dịch. Nhưng người Mỹ dường như bị động trước thảm họa toàn cầu.

Mỹ bỏ lỡ thời cơ vàng chặn đứng đại dịch ra sao? - 3

Mỹ nâng công suất xét nghiệm nhưng không dò được nguồn lây Covid-19 ở một số bang.

Jennifer Nuzzo, nhà dịch tễ học tại Đại học Johns Hopkins, đổ lỗi cho chính quyền của Tổng thống Donald Trump về tầm nhìn hạn chế trước nguy cơ và tác động khôn lường của dịch bệnh. Tiến sĩ Margaret Hamburg, cựu ủy viên của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), khẳng định sự chậm trễ của Mỹ khiến số ca nhiễm đang tăng lên theo cấp số nhân. 

Tiến sĩ Anthony Fauci, nhà khoa học hàng đầu của chính phủ, khẳng định với Quốc hội Mỹ rằng việc không thể sớm xét nghiệm Covid-19 cho người dân là thất bại của chính quyền.

3 cơ quan chịu trách nhiệm phản ứng và ngăn chặn Covid-19 đã hành động rất chậm, dù các nhà khoa học Mỹ đã gióng hồi chuông cảnh báo khi SARS-CoV-2 khiến Trung Quốc tê liệt. Không cơ quan nào nhìn thấy nguy cơ, thiết lập hàng rào phòng thủ để ngăn virus xâm chiếm sang bên kia bán cầu.

Mỹ bỏ lỡ thời cơ vàng chặn đứng đại dịch ra sao? - 4

Mỹ điều tàu bệnh viện tới khu vực có nhiều ca mắc Covid-19.

Khi các phương án xét nghiệm của Mỹ thất bại vào cuối tháng 2, Tiến sĩ Robert Redfield, cựu bác sĩ quân sự nổi tiếng, khẳng định sẽ khắc phục vấn đề nhanh chóng. Dẫu vậy, Mỹ mất rất nhiều tuần để cho ra một giải pháp cụ thể.

Ngay từ đầu, CDC đã hạn chế trường hợp được xét nghiệm, chỉ quan tâm đến những người liên quan đến tâm dịch Trung Quốc, đồng thời chậm giám sát tiến triển dịch bệnh trong cộng đồng. 

Theo Tiến sĩ Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc xét nghiệm là cách thức tuyệt vời để tìm ra phương pháp ngăn chặn dịch bệnh. “Chúng ta không thể ngăn chặn dịch bệnh nếu không nhìn thấy nó”, Aylward chia sẻ. 

Mỹ bỏ lỡ thời cơ vàng chặn đứng đại dịch ra sao? - 5

Hàng loạt bệnh viện Mỹ thiếu trầm trọng thiết bị y tế trong trận chiến với Covid-19.

Nếu Mỹ có thể xác định điểm nóng dịch bệnh và kiểm soát tốt, tình hình đã không nghiêm trọng đến thế. Một nghịch lý là trong khi nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc thực hiện hàng chục nghìn xét nghiệm mỗi ngày, con số ở Mỹ chỉ là hơn 100. 

Phát ngôn viên Nhà Trắng, ông Judd Deere, khẳng định những cáo buộc liên quan đến sự bất cẩn của Tổng thống Trump trong việc phòng dịch là vô căn cứ. Ông Trump đã chỉ đạo nâng cấp năng lực xét nghiệm virus corona trên toàn quốc, với việc mở rộng quy mô, sản xuất thêm các trang thiết bị hiện đại,... 

Video: Tổng thống Trump nhận định về Covid-19 

Tuy nhiên, trước thời điểm vàng để dập dịch, Tổng thống Trump dường như phân tâm bởi những luận tội nhắm vào ông. Trump bác bỏ mối đe dọa của Covid-19 đến sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế. Ông nói virus corona sẽ biến mất ở Mỹ vào "một ngày nào đó”. 

Phép màu ấy chưa xảy ra. Tính đến 30/3, số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ là 142.793 trường hợp. Khi Mỹ mở rộng xét nghiệm virus, số ca nhiễm đã tăng mạnh. Các thành phố giờ tĩnh lặng như trong phim kinh dị, kinh tế lung lay, cuộc sống đảo lộn. Điều đáng sợ là vẫn còn rất nhiều người Mỹ nhiễm SARS-CoV-2 chưa được xét nghiệm. 

Mỹ bỏ lỡ thời cơ vàng chặn đứng đại dịch ra sao? - 6

Lần đầu tiên Tiến sĩ Redfield nhận biết mức độ nghiêm trọng của Covid-19 là khi ông đang đi nghỉ cùng gia đình. Redfield nhận cuộc điện thoại từ George Gao, giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, và xúc động mạnh khi thấy đồng nghiệp bật khóc. 

Redfield chưa bao giờ điều hành một cơ quan chính phủ trước khi được bổ nhiệm lãnh đạo CDC vào năm 2018. Mối bận tâm hàng đầu của Redfield là HIV/AIDS, trước khi người đàn ông vốn quen điều trị bệnh nhân ở Haiti hay châu Phi này phải đối diện với đại dịch toàn cầu hoàn toàn mới. 

Mỹ bỏ lỡ thời cơ vàng chặn đứng đại dịch ra sao? - 7

Tiến sỹ Fauci, cố vấn cho ông Trump trong cuộc chiến chống Covid-19.

Phản ứng ban đầu của CDC khá tốt. Ngày 7/1, cơ quan của Redfield tạo ra hệ thống quản lý sự cố để theo dõi virus corona, đồng thời khuyên du khách Mỹ ở Vũ Hán phải đề phòng. 2 tuần sau, CDC tiếp nhận bản đồ gen của virus SARS-CoV-2 từ các nhà khoa học Trung Quốc để phát triển phương án xét nghiệm, đưa vào triển khai và tìm ra trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Mỹ.

Dù vậy, thách thức cho giới khoa học là loại virus này quá mới. Họ gần như không có thông tin để đối phó. Trung Quốc chỉ cung cấp dữ liệu rất hạn chế và từ chối yêu cầu gửi thêm thông tin để chuyên gia của CDC nghiên cứu.

Ban đầu, Mỹ còn không ý thức được người nhiễm Covid-19 có thể lây bệnh dù không có bất cứ triệu chứng nào. 

Mỹ bỏ lỡ thời cơ vàng chặn đứng đại dịch ra sao? - 8

Ngày 27/3, Mỹ trở thành quốc gia có người nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất thế giới.

Vì nhiều lý do, phương án xét nghiệm virus corona của CDC không hiệu quả, dẫn đến con số được xét nghiệm ít ỏi mỗi ngày tại Mỹ vào cuối tháng 2. Tiến sĩ Redfield khẳng định sẽ khắc phục vấn đề, song khả năng xét nghiệm hạn chế của Mỹ khiến rất ít người được xác định có nhiễm virus hay không.

Phần lớn trường hợp xét nghiệm đều trở về từ Trung Quốc hoặc tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Như thế là quá ít, bởi sau 2 tháng, rất nhiều nước đã trở thành ổ dịch mới của Covid-19.

Việc thiếu các phương án xét nghiệm khiến các bang tại Mỹ bị động trong việc giám sát tình hình dịch bệnh. Ngày 14/2, CDC công bố 5 thành phố là New York, Chicago, Los Angeles, San Francisco và Seattle có nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao, nhưng không ai kịp phản ứng. Số ca nhiễm tại New York là hơn 59.000 trường hợp, bằng ba phần tư so với cả Trung Quốc.

Hậu quả được nhìn thấy rõ ràng sau đó 2 tuần. Lần đầu tiên, Mỹ có người nhiễm virus corona ở Seattle dù không du lịch Trung Quốc. Các nhà khoa học kết luận SARS-CoV-2 lây lan ở Seattle và nhiều nơi khác trên khắp nước Mỹ theo con đường mà đội ngũ y tế không thể truy vết.

Không biết virus lây lan từ đâu, việc ngăn chặn là rất bất khả thi, kể cả thực hiện cách ly người bệnh.

Mỹ bỏ lỡ thời cơ vàng chặn đứng đại dịch ra sao? - 9

Đến lúc này, CDC vẫn kiên trì phát triển bộ kit thử trong phòng thí nghiệm, không nghĩ tới việc áp dụng phương án được khuyến cáo bởi WHO. Tiến sĩ Anne Schuchat, phó giám đốc hành chính, khẳng định CDC không cần cần người khác phải giám sát, kiểm tra cách làm của họ.

Trước sự hoài nghi của Quốc hội Mỹ, một lần nữa Redfield phải trấn an. Trả lời yêu cầu của 49 thành viên Quốc hội về việc áp dụng xét nghiệm Covid-19 diện rộng ở các bang và tiểu bang, người đứng đầu CDC khẳng định sẽ sớm xác định các trường hợp nhiễm và xử lý đúng cách. Vài ngày sau, CDC mới cung cấp bộ dụng cụ xét nghiệm cho các cơ sở y tế tiểu bang. 

Mỹ bỏ lỡ thời cơ vàng chặn đứng đại dịch ra sao? - 10

Dãy lều bằng bạt vừa được dựng lên làm nhà xác bên ngoài bệnh viện Bellevue ở Manhattan.

Đối phó với đại dịch toàn cầu, chính phủ nhiều nước đã hành động nhanh chóng để tăng tốc độ xét nghiệm toàn dân. Tại Hàn Quốc, chính quyền triệu tập giám đốc từ 20 công ty sản xuất y tế và nới lỏng các quy tắc để nhanh chóng có được thiết bị xét nghiệm virus.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ lại chậm chạp trong việc tiếp cận các cơ sở sản xuất, trì hoãn nghiên cứu và làm chậm công tác xét nghiệm bởi những thủ tục quan liêu, rườm rà.

Các bệnh viện, phòng thí nghiệm muốn xét nghiệm Covid-19 đều phải đối mặt với những quy chuẩn liên bang và bị cản trở bởi quá trình phê duyệt của FDA. Những bộ xét nghiệm mới được sản xuất cũng không được ứng dụng tại các phòng thí nghiệm trên khắp nước Mỹ. Điều đó dẫn đến các cơ sở y tế không có thiết bị xét nghiệm, chẩn đoán sẵn có nào ngoài những thiết bị do CDC cung cấp. 

Video: Mỹ điều tàu quân y USNS hỗ trợ chống dịch 

Ngày 24/3, bộ xét nghiệm BioFire được phê duyệt khẩn cấp để đưa vào hoạt động khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Mỹ bắt đầu leo thang.

Dù vậy, phản ứng của giới chức vẫn bị đánh giá là quá chậm. Mỹ không đủ điều kiện xét nghiệm cho bất cứ ai có nhu cầu, dẫn đến việc xoay chuyển sang chiến lược xét nghiệm chọn lọc không lâu sau đó. 

Mỹ bỏ lỡ thời cơ vàng chặn đứng đại dịch ra sao? - 11

Lịch sử chỉ ra rằng các đời tổng thống trước đây của Mỹ đều phản ứng rất nhanh với những mối đe dọa bệnh tật. Trong đợt bùng phát Ebola vào năm 2014, Tổng thống Barack Obama đã chỉ đạo Phó Tổng thống Ron Klain chịu trách nhiệm phản ứng. Obama cũng thành lập Văn phòng An ninh Y tế toàn cầu trong Hội đồng An ninh Quốc gia để điều phối giải quyết các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Mỹ bỏ lỡ thời cơ vàng chặn đứng đại dịch ra sao? - 12

Tổng thống Trump hành động không đủ nhanh?

Nhưng Tổng thống Trump không làm thế. Ông không để Nhà Trắng thực hiện vai trò lãnh đạo suốt 2 tháng từ khi dịch bệnh bùng phát, đồng thời giải tán văn phòng do Obama lập ra.

Cho đến khi Phó Tổng thống Mike Pence thực hiện trách nhiệm, lực lượng đặc nhiệm giải quyết khủng hoảng của Mỹ không được hỗ trợ bởi bất cứ quan chức Nhà Trắng nào. 

Các đợt xét nghiệm Covid-19 tăng nhanh với gần 100 phòng thí nghiệm tại các bệnh viện. Thứ Sáu vừa qua, Công ty chăm sóc sức khỏe hàng đầu nước Mỹ là Abbott mới nhận được phê duyệt khẩn cấp để phát triển thiết bị xét nghiệm di động có thể phát hiện người nhiễm Covid-19 trong 5 phút. 

Tổng thống Trump nói trên truyền thông rằng Mỹ tạo ra hệ thống xét nghiệm virus với quy mô “khó tin”.

Mỹ bỏ lỡ thời cơ vàng chặn đứng đại dịch ra sao? - 13

Ông Trump dự đoán đỉnh dịch Covid-19 ở Mỹ sẽ rơi vào khoảng giữa tháng 4/2020.

Cũng theo ông Trump, số ca Mỹ xét nghiệm được trong 8 ngày nhiều hơn Hàn Quốc làm được trong 8 tuần. Tuy nhiên, các bệnh viện và phòng khám trên cả nước vẫn phải từ chối xét nghiệm cho những người có triệu chứng nhẹ, chỉ chữa trị cho những trường hợp nghiêm trọng và người bệnh thường phải đợi một tuần để có kết quả. 

Phản ứng của Mỹ đã tích cực hơn, nhưng đáng lẽ họ phải làm điều đó sớm hơn. Không thể giải thích tại sao Mỹ chỉ có khả năng chẩn đoán virus corona 3 tháng sau khi Trung Quốc công bố dịch bệnh. Nếu Mỹ phòng dịch từ đầu, số ca nhiễm đã được giảm đáng kể. 

Sự chậm trễ trong việc xét nghiệm ảnh hưởng đến tốc độ phản ứng trên toàn nước Mỹ”, Bác sĩ Nahid Bhadelia, giám đốc Đơn vị mầm bệnh đặc biệt tại Đại học Y khoa Boston cho biết. Tất nhiên, giờ nói “nếu” là quá muộn. 

Hồng Nam (Nguồn: The New York Times)
Bình luận
vtcnews.vn