Mỹ biến Bắc Cực thành 'chiến trường', quyết kiềm chế Trung Quốc

Quân sựThứ Tư, 28/07/2021 16:00:00 +07:00

Căn cứ quân sự của Mỹ ở Alaska đang trở thành vị trí trọng yếu cho các chiến dịch ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi Bắc Kinh không ngừng mở rộng ảnh hưởng ở Bắc Cực.

Các lãnh đạo quân đội Mỹ ngày 27/7 nói rằng, họ coi các chiến dịch Bắc Cực là một cách kiềm chế Trung Quốc, trong bối cảnh nước này muốn đưa Bắc Cực trở thành một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường. Khu vực Bắc Cực cũng ngày càng trở thành một căn cứ quan trọng của Mỹ cho các chiến dịch ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mỹ biến Bắc Cực thành 'chiến trường', quyết kiềm chế Trung Quốc - 1

Tàu phá băng Healy của Mỹ ở gần Oliktok, Alaska, năm 2015. Ảnh: Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ.

Trong cuộc thảo luận giữa các lãnh đạo quân đội Mỹ do Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington tổ chức, Phó tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Tướng Clinton Hinote và Thư ký phụ trách các vấn đề quốc tế của Không quân Mỹ Kelli Seybolt đã nói về việc tăng cường mối quan hệ quốc phòng với “6 trong 7 quốc gia Bắc Cực khác mang lại lợi thế chiến lược quan trọng”, ngoại trừ Nga.

Trong khi các hoạt động quân sự của Nga ở Bắc Cực là điều có thể hiểu được do Moscow quan tâm tới trữ lượng dầu mỏ và khí đốt ở khu vực này, và Mỹ vẫn sẽ để ngỏ cánh cửa đưa Nga vào các cuộc đối thoại giữa các quốc gia Bắc Cực, nhưng theo bà Seybolt, việc Trung Quốc tự tuyên bố là quốc gia gần Bắc Cực lại là “điều đáng kinh ngạc”.

“Nếu nhìn vào bản đồ từ trên xuống, tôi không thấy điều đó, nhưng họ chắc chắn đang tiến tới việc hợp pháp hóa vai trò của minh ở Bắc Cực nếu tiếp tục sáng kiến Con đường Tơ lụa Vùng cực. Đây là khu vực chúng ta có thể cần phải hợp tác với tất cả các quốc gia Bắc Cực để đảm bảo lợi ích chung của chúng ta được bảo vệ”, bà Seybolt nói.

Con đường Tơ lụa Vùng cực là một phần trong sáng kiến Vành Đai và Con đường rộng lớn hơn nhằm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu thông qua các dự án xây dựng cảng biển, đường sắt và các cơ sở hạ tầng khác, và là một phần trong kế hoạch phát triển 5 năm tới của chính phủ Trung Quốc. Ngoài các tuyến vận tải mới được mở ra trong khu vực, Bắc Kinh cũng tuyên bố kế hoạch phóng vệ tinh vào năm 2022 để theo dõi các tuyến vận tải biển và theo dõi sự thay đổi của băng trên biển.

Trung Quốc đã quên mất rằng họ không phải là một quốc gia Bắc Cực và đang làm mọi điều có thể để thiết lập ảnh hưởng trong việc quản lý và phát triển kinh tế ở Bắc Cực, nhất là khi nước này đang để mắt tới việc định hình sự phát triển của Bắc Cực trong những thập kỷ tới”, ông Mark Green, Giám đốc Trung tâm Wilson nói.

Mỹ tăng cường hợp tác với đồng minh Bắc Cực

Bên cạnh việc phối hợp với các lực lượng Bắc Cực của Canada, Phần Lan, Na Uy cùng các đồng minh khác của Mỹ như một cách để ngăn chặn các hành động của Trung Quốc, giới quân sự Mỹ cũng cho rằng, các căn cứ quân sự ở Alaska đang ngày càng quan trọng đối với các chiến dịch ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi Mỹ hợp tác chặt chẽ với các đối tác khu vực để ngăn chặn những tuyên bố bành trướng trên biển của Trung Quốc.

“Bạn có thể nghĩ tới việc sức mạnh quân sự được đặt ở phía cực Bắc, đặc biệt là ở Alaska, bởi khu vực này nằm ở phía trước 2 chiến trường lớn: Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu. Về bản chất, bạn có thể hình dung ra các cuộc triển khai sức mạnh từ Alaska tới cả 2 khu vực này”, ông Hinote nói.

“Những gì chúng ta đã thấy trong trò chơi chiến tranh là đó là nơi cực kỳ hiệu quả để đặt căn cứ cho các hoạt động không quân. Đây cũng chính là lý do chúng tôi đang đầu tư rất nhiều vào những nơi như Anchorage và Fairbanks, và những gì chúng tôi đang xúc tiến cho các chiến dịch mở rộng. Chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của khu vực này và cần phải gia tăng sức mạnh quân sự ở đó”, ông Hinote cho biết thêm.

Theo Tướng Hinote, Không quân Mỹ đang chi tới 6 tỷ USD/năm ở nước láng giềng phía Bắc cho các chiến dịch Bắc Cực và con số này có thể gia tăng khi hiện đại hóa các hệ thống cảnh báo phía Bắc – hệ thống được Mỹ và Canada cùng cấp ngân sách.

Liên quan tới việc hợp tác với các đồng minh Bắc Cực, Trung tướng William Liquori thuộc Lực lượng Không gian của Mỹ đề cập kế hoạch hợp tác với Na Uy, trong bối cảnh Na Uy phóng 2 vệ tinh liên lạc vùng cực.

Hoàng Phạm(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp