Mỹ biến Ả rập Xê út thành tấm đệm giữa Israel và Iran?

Thế giớiThứ Sáu, 22/10/2010 07:48:00 +07:00

(VTC News) - Theo các nhà phân tích, hợp đồng vũ khí khổng lồ giữa Mỹ và Ả rập Xê út khiến cuộc chạy đua vũ trang ở vùng Vịnh dường như không thể có hồi kết.

(VTC News) - Sau nhiều tháng tiến hành đàm phán bí mật giữa quan chức Mỹ và Ả rập Xê út, cuối cùng một hợp đồng cung cấp vũ khí khổng lồ đã được ký kết trị giá đến 60 tỷ USD.

Hợp đồng vũ khí này đã thực sự khuấy động cuộc chạy đua vũ trang ở một khu vực vốn đã và đang rất nóng. Đáp lại, Iran cũng đang ráo riết tìm mọi cách để nâng tầm lực lượng quân đội của mình ở cả ba mặt trận hải, lục, không quân.

Nhớ lại hồi tháng 8, Tổng thống Iran Amadinejad đã tuyên bố nước này chế tạo thành công một loại máy bay không người lái mang tên “Đại sứ của thần chết”, mà sứ mệnh của nó là làm “tê liệt” mọi đối thủ có ý định tấn công quốc gia Hồi giáo này.

Đáp lại tuyên bố này, Mỹ và đồng minh truyền thống Ả rập Xê út đã đạt được một bước tiến lớn hôm thứ 4. đầu tuần qua. Theo đó, Mỹ sẽ bán cho quốc gia Trung Đông giàu có về dầu mỏ này một lượng vũ khí khổng lồ, bao gồm 84 máy bay chiến đấu F-15 phiên bản mới nhất, máy bay trực thăng chiến đấu và các hạng mục vũ khí khác có trị giá lên đến 60 tỷ USD.

Ả Rập Xê út mua 84 máy bay chiến đấu F-15 thế hệ mới nhất trong hợp đồng vũ khí khổng lồ trị giá 60 tỷ USD 

Thỏa thuận đạt được là một trong những hợp đồng vũ khí lớn nhất của Mỹ. Sự kiện này rõ ràng là nhằm chống lại những nỗ lực ra tăng sức mạnh và tầm ảnh hưởng của quân đội Iran.

Nhưng hợp đồng vũ khí trên cũng gây ra một tác động khác theo quan điểm của Israel. “Với hợp đồng vũ khí này, Mỹ đã biến Ả rập Xê út thành tấm đệm giữa Israel và Iran”, nhà nghiên cứu cao cấp Pieter Wezeman, thuộc Viện nghiên cứu Hòa bình Stockhom cho biết.

Israel đã không gây ra một áp lực ngoại giao nào đối với hợp đồng vũ khí này, trái hẳn với thái độ của quốc gia Do Thái này ở thời điểm nhiều thập kỷ trước, khi đó, họ một mực phản đối liên minh quân sự Mỹ - Ả rập. Động thái này cho thấy, mối lo về chương trình hạt nhân của Iran ở thời điểm hiện tại còn lớn hơn rất nhiều so với tính toán chiến lược về cân bằng quyền lực Israel - Ả rập.

Theo Efraim Inbar, giám đốc trung tâm nghiên cứu chiến lược Begin-Sadad thuộc Đại hoc Bar Iian, Tel Aviv, Israel đang hướng tới chính sách “tập hợp lực lượng”.

“Xét cho cùng, Ả rập Xê út không phải là một mối đe dọa lớn của chúng tôi”.

Và Israel cũng không đứng ngoài những thương vụ mua bán vũ khí khổng lồ như thế này. Đầu tháng này, Israel đã ký một hợp đồng mua 20 máy bay tàng hình F-35 của Mỹ. F-35 có thể dễ dàng qua mặt mọi thiết bị radar theo dõi hiện đại của Iran. Ngoài ra, Israel còn được lựa chọn để mua thêm 75 chiếc như thế nữa.

Israel cũng không chịu đứng ngoài cuộc khi vừa kịp ký hợp đồng mua 20 máy bay tàng hình F-35 của Mỹ 

“Những thiết bị này đủ để Israel tự tin đối mặt với những đe dọa từ Iran. Nó không ảnh hưởng đến mối quan hệ Israel - Ả rập”. “Trớ trêu thay, trong tình hình hiện tại, Ả rập Xê út cũng đang có chung mối lo chiến lược với Israel khi phải đối mặt với những đe dọa từ Iran”, Inbar nói.

Ngoài việc cung cấp các máy bay chiến đấu mới cho Ả rập, Mỹ đang có kế hoạch nâng cấp 70 máy bay F-15 của vương quốc này. Các quan chức Bộ Ngoại giao và Lầu Năm góc cũng tiết lộ rằng hợp đồng vũ khí với Ả rập Xê út còn bao gồm 190 máy bay trực thăng như Apache và Black Hawks, cùng các loại tên lửa, bom, hệ thống cung cấp, và các phụ kiện như kính nhìn ban đêm, hệ thống radar cảnh báo.

Quốc hội có một tháng để phản biện về hợp đồng này, vốn đã phải được thông qua hồi tháng 9 nhưng bị trì hoãn nhiều lần do vướng tại các vòng đàm phán. Các quan chức Mỹ nói họ hy vọng sẽ không vấp phải sự phản đối đáng kể nào từ phía quốc hội.

Trong khi đó, Iran đang tập trung vào các kho vũ khí tên lửa vốn được giám sát rất chặt chẽ bởi lực lượng Vệ binh cách mạng. Tên lửa nhiên liệu rắn Sajjil của nước này được báo cáo có tầm bắn lên tới 2000 km, đủ để với tới cả Israel lẫn những căn cứ quân sự chính của Mỹ trong khu vực.

Iran đã đưa ra một cuộc chiến tranh giả tưởng ở vùng Vịnh và tuyên bố sẽ có những bổ sung lớn cho hạm đội của mình, bao gồm 3 tàu ngầm do nước này thiết kể để hoạt động trong khu vực vịnh nước nông.

Loại tên lửa nhiên liệu rắn Sajjil này của Iran được cho là có tầm bắn 2.000 km, có thể với tới cả Israel lẫn những căn cứ quân sự chính của Mỹ trong khu vực. 

Hợp đồng này cũng đánh dấu rằng vùng Vịnh là một thị trường tiêu thụ vũ khí lớn của Mỹ và phương Tây, từ Kuwait tới Oman. Dọc vùng Vinh, Mỹ có thể triển khai quân đội từ các căn cứ không quân ở Ả rập Xê út đến căn cứ hải quân ở Bahrain, nơi đặt Hạm đội 5, một hạm đội đầy uy lực của Mỹ.

Một báo cáo kiểm toán được tiến hành tháng trước cho biết Washington đã thông qua một gói chuyển giao thiết bị quân sự trị giá 22 tỷ USD cho 6 quốc gia thuộc Vịnh Ả rập trong năm tài khóa 2005 và 2009 trong một chương trình do Lầu Năm Góc quản lý.

Hơn một nửa trong gói này là dành cho Ả rập Xê út và các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) bao gồm một hợp đồng trị giá 6,5 tỷ USD cho UAE để mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. Đây cũng là thỏa thuận lớn nhất giữa Mỹ và UAE trong giai đoạn 5 năm.

Nhà nghiên cứu Wezeman nói rằng Iran là mối đe dọa rõ ràng nhất ở khu vực Vịnh Ả rập, bên cạnh những mối lo về sự ổn định ở Iraq, tình trạng bất ổn ở Yemen và các nhóm phiến quân hồi giáo dòng Shiite có liên hệ với Al-Qaeda.

Chỉ với bằng này vấn đề nóng đã cho thấy vùng Vịnh chưa thể yên sóng trong thời gian ngắn trước mắt. Hợp đồng vũ khí khổng lồ mà Mỹ ký với Ả Rập Xê út càng như một chất xúc tác khiến cuộc chạy đua vũ trang ở đây sẽ không bao giờ có hồi kết.

Hữu Túc (Theo Foxnews)

Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.

 

 

Bình luận
vtcnews.vn