Mỹ - Pakistan: 4 bước ngoặt đổ vỡ sau thời trăng mật

Thế giớiThứ Năm, 01/12/2011 11:15:00 +07:00

(VTC News) – 4 sự kiện liên tiếp xảy ra trong năm nay đã khiến mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Pakistan đứng trên bờ đổ vỡ.

(VTC News) – Mối quan hệ giữa Mỹ và Pakistan đã rơi vào khủng hoảng kể từ hôm thứ 7 vừa qua – khi các trực thăng và máy bay chiến đấu của NATO tiêu diệt ít nhất 28 binh sĩ Pakistan trong các đợt tấn công nhằm vào 2 chốt kiểm soát của quân đội nước này ở thị trấn Ghalanai, phía tây bắc Pakistan.

Pakistan đã trả đũa bằng cách chính thức đóng cửa các tuyến đường tiếp tế của NATO vào Afghanistan – con đường huyết mạch trong cuộc chiến chống khủng bố suốt 10 năm qua của họ, đồng thời yêu cầu Mỹ rút khỏi căn cứ không quân Shamsi, nơi chứa các máy bay không người lái – tâm điểm dẫn tới xung đột giữa Islamabad và Washington - tại tỉnh Balochistan ở miền nam nước này trong 15 ngày.

Dưới đây là những sự kiện chính đã xảy ra trong năm qua khiến mối quan hệ giữa Washington và Islamabad ngày càng trở nên căng thẳng:

1. Cái chết của trùm khủng bố Osama Bin Laden

Mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Pakistan đã trở nên ngày càng trầm trọng hơn sau cuộc đột kích đơn phương được thực hiện bởi lực lượng đặc biệt của Mỹ nhằm tiêu diệt trùm khủng bố khét tiếng Osama Bin Laden vào tháng 5 vừa qua trên lãnh thổ Pakistan. Quân đội Pakistan đã xem cuộc đột kích bí mật đó là một nỗi sỉ nhục lớn đối với họ.

 

Không chỉ thế, Pakistan – quốc gia vốn đã không dễ dàng trở thành đồng minh với Washington kể từ sau vụ tấn công nhằm vào 2 tòa tháp đôi ở Mỹ vào hôm 11/9/2001 – còn xem cuộc đột kích vào hôm 2/5 đó là một sự vi phạm trắng trợn chủ quyền lãnh thổ của họ.

Một điều dễ nhận thấy là cuộc đột kích này đã làm hằn sâu thêm những nghi ngờ về mối quan hệ đầy chông gai giữa Washington với đồng minh chiến lược của họ trong cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu. Thậm chí, quân đội Pakistan còn từng cảnh báo, họ sẽ ngừng hợp tác với Mỹ nếu Mỹ tiếp tục thực hiện thêm bất cứ cuộc tấn công nào như vậy nữa.

Ngay cả trước khi cuộc đột kích xảy ra, Pakistan cũng đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích các máy bay không người lái của Mỹ - thứ đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người tại các vùng bộ tộc ở đây. Phía Pakistan cho rằng, các đợt tấn công đó đã làm suy yếu những nỗ lực nhằm chống lại các nhóm phiến quân bởi thương vong dân sự quá lớn có thể sẽ khiến dân chúng nổi sùng, từ đó họ sẽ tích cực ủng hộ phiến quân – một phản ứng trái chiều mà cả 2 bên Mỹ, Pakistan đều không mong đợi.

Về phía Mỹ, việc Bin Laden bị phát hiện ẩn náu ở Pakistan đã khiến nhiều nhà lập pháp ở đây nổi sùng bởi họ luôn đặt ra câu hỏi tại sao Mỹ lại viện trợ quá nhiều cho “đồng minh” Pakistan trong khi thủ lĩnh của nhóm khủng bố al-Qaeda – những kẻ đứng sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở New York và Washington vào năm 2001 lại nhởn nhơ sống ở chính đất nước này.

 

Việc Mỹ bất ngờ đột kích tiêu diệt Bin Laden khi chưa hề đưa ra lời cảnh báo với Pakistan là một minh chứng cho thấy mức độ thiếu tin tưởng của các quan chức Mỹ đối với các đồng minh của họ. Và đây cũng chính là điều bị xem là một sự sỉ nhục đối với quân đội Pakistan bởi các trực thăng của Mỹ có thể tự do vào và ra khỏi lãnh thổ của họ từ “bàn đạp” Afghanistan, trong khi các lực lượng của Pakistan dường như không hề hay biết.


2. "Bảo kê" mạng lưới Haqqani

Vào hôm 22/9 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đô đốc Mike Mullen đã khiến giới chức Pakistan nổi sùng khi cáo buộc Cơ quan tình báo liên quân (ISI) của họ ủng hộ và viện trợ cho mạng lưới Haqqani – một trong những nhóm đồng minh hung hãn nhất của Taliban hiện đang chiến đấu chống lại lực lượng do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan.

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã tố cáo nhóm chiến binh này chính là “cánh tay phải” của ISI. Phát biểu trước Ủy ban Quân sự Thượng viện, ông Mike Mullen nói: “Trên thực tế, Taliban và mạng lưới Haqqani vẫn hoạt động ở Pakistan mà không bị trừng phạt”.

Nhà Trắng cũng đã kêu gọi Pakistan hãy phá bỏ bất cứ mối liên hệ nào đã có với Haqqani đồng thời có những hành động cụ thể nhằm xoá sạch những nơi trú ẩn an toàn của họ dọc biên giới Afghanistan-Pakistan.

Chính phủ Pakistan đã kịch liệt phản đối những cáo buộc trên, đồng thời phản pháo lại rằng nhóm khủng bố Haqqani thực chất là “con cưng” của CIA. Những lời bình luận của ông Mullen đã khiến mối quan hệ giữa hai quốc gia này càng lúc càng trở nên căng thẳng hơn nữa.

 

3. Vụ nhân viên CIA bắn chết 2 người Pakistan

Vào đầu năm nay, nhân viên tình báo CIA Raymond Davis đã bắn chết hai người đàn ông Pakistan ở thành phố Lahore khiến mối quan hệ giữa cục tình báo của 2 quốc gia này ngày càng rơi xuống vực thẳm. Mọi hợp tác về mặt quân sự giữa cục tình báo của hai quốc gia này đã tạm đình trệ ngay sau đó. Pakistan đã lên án sự hiện diện của các lực lượng đặc biệt và Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) tại đất nước của họ và mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn khi Raymond Davis, 36 tuổi, một cựu nhân viên của lực lượng đặc biệt Hoa Kì, nhân viên hiện tại của CIA bị bắt giữ.

Raymond Davis cho hay, lý do anh ra tay sát hại họ là bởi họ đã cố gắng cướp đồ của anh ở thành phố Lahore vào hôm 27/1.

Việc bắt giữ Davis đã gây ra nhiều mối căng thẳng ngoại giao giữa hai quốc gia này và mọi chuyện chỉ chấm dứt khi gia đình của các nạn nhân trên chấp nhận một thỏa thuận bồi thường tiền mặt được gọi là "tiền máu". Thế nhưng, kể từ đó, vấn đề này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc hợp tác giữa CIA và ISI.

4. Việc đóng cửa tuyến đường Khyber Pass sang Afghanistan

Trước đây, Pakistan từng ra lệnh đóng cửa tuyến đường Khyber Pass sang Afghanistan – tuyến đường tiếp tế quan trọng của NATO trong vòng 10 ngày sau khi xảy ra một sự cố tương tự vào hôm 30/9 năm ngoái – thời điểm lực lượng thuộc NATO đã giết hại 2 nhân viên an ninh của Pakistan.

Các xe tải và xe chở nhiên liệu của lực lượng nước ngoài tại Afghanistan đã bị chặn lại ở cửa khẩu Torkham thuộc khu vực của bộ tộc Khyber, gần thành phố Peshawar vài giờ ngay sau vụ tấn công trên.

NATO đã phải lên tiếng xin lỗi về vụ tấn công trên và họ khẳng định rằng đó chỉ là một sự nhầm lẫn.

M.Q

Bình luận
vtcnews.vn