Mường Lống, miền đất mê hoặc

Thời sựThứ Tư, 01/02/2017 07:59:00 +07:00

Mường Lống, miền đất có khả năng mê hoặc đặc biệt, tôi luôn nhớ, luôn thao thức như dòng suối ngầm mạnh mẽ chảy trong lòng rằng mình đã đi, đã đến và đã yêu.

Hôm ấy, Thành Vinh mưa lây rây, những hạt mưa báo hiệu đợt không khí lạnh đầu mùa tràn về nơi dải đất miền Trung. Trong đất trời ấy, tôi ngược lên ngàn, toan tính cho một chuyến đi về phía tây Nghệ An mịt mờ sương trắng, lên nơi cao ngút ngàn, cao thật cao- cổng trời Mường Lống.

Xã Mường Lống, cách TP Vinh 280km, thuộc huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Mường Lống nằm trong thung lũng trên một đỉnh núi cao gần 1500m so với mực nước biển thuộc dãy Trường Sơn, gần biên giới với Lào. Con đường đi đến xã bắt đầu từ thị trấn Mường Xén, trải dài trên 50km đường đất men theo những con đèo nhỏ, vắt ngang dãy Puxailaileng hùng vĩ sau đó vượt qua "cổng trời" gọi là "cổng trời Mường Lống".

Đất trời Mường Lống.

Làm sao quên được cảm giác ấy, cái cảm giác “phê” khi băng trên những đèo đường lên Mường Lống, ù tai vì độ cao, vì những gì mà người hay đi xa như tôi cũng không biết nữa.

1

“Biển mây” trong buổi sớm mai nhìn từ đỉnh Puxailaileng. (Ảnh: Thy Huệ)

Những cung đường uốn lượn, xếp nhau thành hình ruộng bậc thang, khiến các tay lái lụa cũng phải kiêng dè, nhưng đi một lần rồi tưởng như bị nghiện. Nghiện các cảm giác phóng khoáng bên tay lái, ôm cua đổ đèo đến ngộp thở, hay chỉ là ung dung chậm rãi ngắm cảnh đường đi, là cành hoa đào nở ở ven con đường chênh vênh lên bản.

Ở đâu mây nhiều đến thế, cứ cuồn cuộn hòa hợp vào nhau biến thành những biển mây trắng tinh khôi buổi sớm, mây bay trên đỉnh đầu, mây là mặt đất, tôi trong mây và mây trong tôi.

Càng lên cao, con đường càng trở nên hun hút trong sương trắng đậm. Tôi vẫn cố vững tay lái  lầm lũi trên con đường ngoằn ngoèo, bên phải là vách núi, bên trái là bờ vực sâu hun hút tựa không đáy. Để ý suốt đường đi, chỉ gặp một vài chiếc xe hàng ngược chiều, bánh xe nhích từng tí, chậm như “rùa bò”, cứ thế men dần về xuôi.

Lên đến đỉnh dốc, trước mắt tôi là hai cánh núi như cánh cổng giữa trời, chắn ngay trước mặt. À, thì ra đây là cổng trời, tôi đã tới cổng trời Mường Lống.

Ẩn hiện trong sương mờ, tầm nhìn xa chưa đầy 2 mét, một cây cột Angten tiếp phát sóng truyền thanh sừng sững. Một căn nhà nhỏ, là trạm thu phát sóng khép mình bên vách đá, ánh đèn điện phát ra xua tan cảm giác đơn độc giữa lưng trời lạnh lẽo, heo hút mây mù.

2

Cung đường uốn lượn, bám vách núi từ thị trấn Mường Xén lên xã Mường Lống. (Ảnh: Hồ Phương)

Một khung cảnh hoàn toàn trái ngược đến lạ kỳ, phía bên này không hề có sương mù, đất trời trong xanh, thị tứ Mường Lống với hàng trăm ngôi nhà nằm san sát nhau. Nhìn từ trên cao xuống, chỉ thấy cơ man một màu hoa mận nhỏ trắng muốt, vươn mình kiêu hãnh đung đưa trong giá lạnh.

Trong cái lạnh của rẻo cao vẫn đang ngấm ngầm thấm vào da thịt, thì đâu đấy tiếng khèn Mông da diết, trầm bổng đang phát ra từ những vách nhà gỗ xám, len qua những khe cửa rồi vô tình lọt vào tai, lại mê mẩn thẫn thờ.

Do nằm ở độ cao, quanh năm khí hậu luôn mát mẻ cho nên Mường Lống được ví như "một Đà Lạt giữa miền Trung nắng cháy. Bởi, thung lũng Mường Lống tuy nằm trong dải càn quét của những trận gió Lào, nhưng ở độ cao lớn, lại được các vùng núi cao xung quanh che chắn, nên khí hậu vào mùa hè rất mát mẻ. Các đỉnh núi nơi đây quanh năm mây mù bao phủ, một ngày có đủ 4 kiểu thời tiết: Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Mường Lống ngày tôi qua, có cô gái ngồi khâu áo bên thềm nhà, sát bên là mấy con gà  đang nhặt thóc, chiếc áo màu đã bạc, chỉ đã sờn, đã chi chít những miếng vá. Có cô mẹ trẻ địu con trên lưng đang hái cải trong vườn mận. Cải được gieo dưới những gốc cây mận, bên trên là hoa mận phủ một màu trắng buốt, dưới đất là màu xanh mướt của cải non, điểm thêm vài đốm vàng của cải già đã trổ hoa.

Một khung cảnh mộc mạc đến khó tin, một không gian tĩnh lặng đến nao lòng, ngỡ như nghe thấy cả tiếng gió đang reo trên cây, tiếng những giọt sương không thể bám cành rơi lách tách, tiếng cười răng rắc của trẻ con, tiếng bước chân lạo xạo trên đường,… tiếng bình yên.

Người Mường Lống.

Yêu tha thiết những đứa trẻ, với ánh mắt trong mà sâu vời vợi, nước mũi ròng ròng, tóc cháy vàng. Những đứa trẻ phong phanh trong cái rét cứa da cứa thịt của rẻo cao, bố mẹ bận lên nương rẫy nên bọn trẻ tự chăm nhau.

3

Hai em nhỏ nép vào người mẹ, vì sợ chụp hình sẽ đau. (Ảnh: Thy Huệ)

Đứa lớn chừng 8 tuổi thì đi hái đót làm chổi về bán, đứa nhỏ vừa trông em vừa giặt đồ trên suối. Giữa cuộc sống còn đầy khó nghèo, thiếu thốn, gương mặt trẻ thơ vẫn bừng sáng những nụ cười.

Không khó để bắt gặp bóng dáng cậu bé 8 tuổi lưng địu bó củi, chân bước liêu xiêu; cô bé 6 tuổi tay phải bế em, tay trái ôm mớ cải non trên đường ra chợ; hay những đứa trẻ cứ mưa xuống, lại í ới gọi nhau mang lưới ra suối bắt cá,… những hình ảnh đó khiến tôi không khỏi ngậm ngùi xót xa về cuộc sống còn lắm cơ cực của trẻ em Mường Lống.

Trẻ ở đây nhát lắm, nhắc tới lại thấy thương. Nhớ có lần, đưa máy hình lên chụp, đứa chui vào ống váy mẹ, đứa lại úp mặt sau mông, rồi cả hai ré lên khóc.

Những cụ già, rất già, chắc đã tuổi “xưa nay hiếm” tóc bạc trắng, răng rụng gần hết đang ngồi bó chổi cùng nhau.

Ngày đó, tôi được gia đình ông bà cụ Xon cho ghé lại một đêm. Hình ảnh bà cụ lưng còm, chạy ra vườn mận kéo tôi vào nhà, đến bây giờ còn nhớ như in. Cụ bảo người dưới xuôi lên, đứng ngoài trời lâu là dễ bệnh lắm, nên dù không quen biết vẫn dẫn tôi vào nhà.

Kéo chiếc ghế gỗ nhỏ sát lại gần bếp, ông cụ Xon dùng mấy ngón tay gõ cọc cọc lên “Sương mù xuống rồi, nếu cứ giầm sương sẽ cảm nặng đấy. Thôi, ngồi xuống đây sưởi ấm đi”.

4 (2)

Em bé chưa đầy một tháng tuổi đã theo chị lên ruộng lúa. (Ảnh: Hùng Cường)

Đó là lần đầu tiên tôi được trải cảm giác ấy, cảm giác cả gia đình ngồi quần quần bên bếp lửa. Sát bếp lại có gia đình nhà mèo, có mèo mẹ và 4 chú mèo con lùi lũi dưới tro nóng. Cảm giác bình yên đến lạ lùng.

Cụ bà Xon, lưng không còn thẳng như hồi trẻ, theo thời gian cứ thế “còm” đi. Thế nhưng vẫn thấy được cụ còn khỏe và dẻo dai lắm, cái bàn ăn được đan bằng tre, treo cao trên vách nhà, một cụ vẫn khiêng xuống nhẹ nhàng.

Đặt bàn ăn xuống gần bếp, cụ nhìn tôi “Giường mẹ đã chuẩn bị rồi, ăn uống xong nếu mệt cứ lên nghỉ sớm nhé”. Ấp áp đến nghẹn lòng, làm miệng chẳng thể cất nên lời. Phải chăng người Mường Lống là thế? Tốt bụng đến khó tin.

Suối chảy róc rách, ếch kêu ộp ộp, gió lặng ngừng reo,... cũng lúc đấy, tôi đặt mình xuống với giấc ngủ yên bình.

Nắng đã bắt đầu xuống trên những đỉnh núi, xuyên qua những giọt sương mai huyền ảo, sương dần tan. Mường Lống từ từ hiện lên rõ nét trong cái mờ ảo của mây mù, đường đi thoáng đãng, như ngầm nhắc đã đến lúc trở về.

Những lời dặn dò đi đường, những gói quà lạ được cụ Xon nhét vội vào balo, những cái vẫy tay chào tạm biệt của mấy đứa nhỏ mặt lấm lem… những điều vô cùng bình dị đó, kết lại với nhau, tạo nên một cái gì đó không tên. À, là nỗi buồn, tôi gọi tên nó là nỗi buồn.

5

Cụ già đã ngoài 90, nhưng ngày ngày vẫn dậy sớm lên núi đốn củi. (Ảnh: Trung Hiếu)

Làm sao dấu nổi nỗi buồn trong khoảnh khắc chào tạm biệt, làm sao có thể xua tan cảm giác bịn rịn, lưu luyến trong lòng? Nhưng, điều khiến tôi không thể rời xa nơi đây, có lễ chính là hồn trẻ trên núi cao, là gương mặt hồn nhiên đến ngơ ngác, cái vẻ nhem nhuốc đến tội nghiệp mà rất đỗi đáng yêu.

Dù chưa từng tới hay đã nhiều lần đặt chân đến đây thì chẳng bao giờ là đủ. Những lý do khiến tôi say mê Mường Lống, kể bao giờ cho hết, vì có đôi khi chỉ là trót thương, trót yêu sự bình yên, giản dị của con người, của những cánh hoa mận mỏng manh, của không gian bao la núi đồi, bát ngát mây mù nơi đây.

Video: Việt Nam lọt tốp 10 quốc gia du lịch rẻ nhất thế giới

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn