Xem chương trình ‘Muôn vàn tình thương yêu’, mấy lần tôi tìm khăn lau nước mắt

Thời sựThứ Năm, 22/08/2019 07:52:00 +07:00

PGS.TS Phạm Văn Tình (Tổng Thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam) không giấu được xúc động khi xem chương trình chính luận - nghệ thuật "Muôn vàn tình thương yêu".

Đài Tiếng nói Việt Nam vừa phối hợp với tỉnh Nghệ An và TP.HCM thực hiện cầu phát thanh - truyền hình Muôn vàn tình thương yêu. Chương trình nhân kỉ niệm đúng 50 năm Bác Hồ ra đi (2/9/1969 tức ngày 21/7 âm lịch) và tròn 50 năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện bản Di chúc thiêng liêng của người.

Chương trình diễn ra tại 3 điểm cầu: Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (Trung tâm Phát thanh Quốc gia - 58 Quán Sứ - Hà Nội); Khu Di tích lịch sử Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và Bến Nhà Rồng – một di tích lịch sử đặc biệt của TP.HCM.

lang sen sua 25

Chương trình chính luận - nghệ thuật "Muôn vàn tình thương yêu" vừa diễn ra tối 21/8.

Tôi biết do đọc báo và qua một số thông tin rộng rãi khác và quyết tâm đi nghe. Tan tầm, rủ mấy người đều vướng bận, tôi đi một mình. Để chắc chắn, tôi có gọi cho ông Nguyễn Thế Kỷ (bạn thân, đang là Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam) xem "khán giả tự do" như tôi có đến dự được không và địa điểm Hà Nội cụ thể làm ở đâu.

Anh bạn tôi (dù đang rất bận) nói rất sẵn lòng mời tôi tới Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (58 Quán Sứ, HN). Anh nói thêm: "Vì đông quan khách, anh thông cảm ngồi phía dưới nhé".

Tôi đến sớm 30' so với giờ dự kiến khai mạc (20h15'). Ấy vậy mà đến nơi, hầu như các ghế trong Nhà hát kín người. Rất đông. Đông hơn cả mấy lần chúng tôi tới đây xem trực tiếp bóng đá Việt Nam (tại ASIAN Cup và AFF Cup).

lanh dao 21

Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và rất nhiều khán giả có mặt tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam để xem chương trình "Muôn vàn tình thương yêu".

Đối với tôi, Bác Hồ và Di chúc của Bác là những gì rất thiêng liêng trong suốt cuộc đời mình.

Tôi nhớ, khi Bác mất, tôi đang học cấp 3. Trong tâm trí tôi vẫn còn in đậm những tháng ngày đau thương ấy. "Cháu buốt ở trong tim này/ Chỗ đeo tang suốt đêm ngày Bác ơi!" (Trần Đăng Khoa). Tôi khóc Bác Hồ như bao nhiêu người dân Việt Nam lúc đó khóc Bác. Tới thời điểm ấy, tôi cảm nhận đời mình chưa có một mất mát nào lớn đến thế.

Tôi lại nhớ, sau đó tôi được cử vào đoàn học sinh trường cấp 3 Ý Yên (Nam Định) đi dự cuộc thi đọc thuộc Di chúc Hồ Chủ tịch. Người dự thi phải thuộc làu bản Di chúc. Nhưng khi đi thi không phải đọc từ đầu.

Ban giám khảo yêu cầu thí sinh bốc 3 câu hỏi ngẫu nhiên. Mỗi câu yêu cầu người thi đọc một đoạn bất kì trong Di chúc (Thí dụ: Anh/chị hãy đọc đoạn bắt đầu bằng câu "Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt...", hoặc "Trước hết nói về Đảng...", v.v.).

Tôi phải đọc 3 đoạn: 1) "Đoàn kết là một truyền thống cực kì quý báu..."; 2) "Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có thể còn kéo dài..." và 3) "Về việc riêng...". Tôi đọc trôi chảy 2 đoạn đầu, nhất là đoạn 2, có những câu thật hùng hồn: "Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà". Nhưng đoạn 3, khi đến chỗ "Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng" thì tôi không cầm lòng được và khóc nức nở. Mãi không đọc được hết, phải bỏ giữa chừng.

Ban giám khảo 3 người phải hội ý khá lâu. Một thầy đánh giá cao cho rằng tôi đọc có cảm xúc, thể hiện được tình cảm sâu nặng với Bác, rất đáng trân trọng. Nhưng một thầy khác cho rằng, như vậy là phạm quy, dù thông cảm thì vẫn phải nói rằng, tôi chưa hoàn thành bài thi (căn cứ nào để đánh giá, liệu tôi có thuộc đoạn này không). Kết quả là, tôi nhận được điểm thấp nhất trong số mấy thí sinh chỉ vì tình tiết này.

Tôi không vì thế mà buồn. Vì dù sao, tôi có dịp thể hiện tấm lòng mình với Bác. Đến bây giờ, tôi vẫn thuộc gần hết bản Di chúc công bố năm 1969.

Cầu phát thanh - truyền hình hôm nay làm tôi bất ngờ về một kịch bản dàn dựng công phu, sáng tạo, cảm động. Có các các hình ảnh về Bác và cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có các bài hát về Việt Nam và về Bác (như bài Bác Hồ - một tình yêu bao la, Miền Nam nhớ mãi ơn Người, Trông cây lại nhớ đến Người, Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân...), có các tiểu phẩm soạn theo một vài câu chuyện về Bác (như Bác đến thăm nhà chị Tín gánh nước thuê ở phố Hàng Mắm, Hà Nội vào đêm 30 Tết, việc Bác trăn trở khi kí quyết định tử hình Trần Dụ Châu, Bác dặn thư kí Vũ Kỳ về chuyện giữ tài liệu "Tuyệt đối bí mật"...).

Tất cả đã làm thành tổng thể kịch bản có cấu trúc chặt chẽ, hài hòa. Âm nhạc hay và cảm động. Tôi rơi nước mắt mấy lần. May mà đèn Hội trường lúc đó tắt, không có ai phát hiện ra mấy lần tôi tìm khăn lau nước mắt.

Video: Vở kịch "Đêm giao thừa" được trình diễn trong chương trình "Muôn vàn tình thương yêu"

Tôi giữ mãi trong sâu thẳm những gì tốt đẹp, cảm động về Bác từ thuở ấy. Bao nhiêu năm rồi vẫn không thay đổi. Những bài hát, những giai điệu về Bác thấm mãi trong tim tôi. Có cảm giác không có một giai điệu nào có thể "chen ngang" làm lu mờ những ca khúc đó. Nó cũng là tình cảm thiêng liêng, bất diệt của tôi hướng về Bác.

Tố Hữu đã nói, và nói đúng lòng chúng ta: Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn! 

PGS.TS Phạm Văn Tình
Bình luận
vtcnews.vn