Muốn tiết kiệm điện thời bão giá, hãy thực hiện ngay những điều này

Kinh tếThứ Tư, 01/07/2015 07:02:00 +07:00

Cách sử dụng tiết kiệm 10 loại thiết bị điện cơ bản trong nhà

Chỉ cần thực hiện một vài lưu ý đơn giản khi sử dụng các thiết bị điện sau là bạn đã có thể tiết kiệm được tương đối nhiều tiền điện trong thời kỳ bão giá như hiện nay.

1. Đèn điện

Bạn nên thay thế các bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact hoặc huỳnh quang, sẽ giúp tiết kiệm được hơn khoảng 70% lượng điện năng tiêu thụ.

Nếu trong gia đình đang sử dụng bóng đèn huỳnh quang T10, bạn có thể thay thế bằng bóng đèn huỳnh quang T5, T8 để tiết kiệm hiệu quả hơn.
Máng đèn nên là loại có độ phản xạ tốt, phù hợp với mục đích và địa điểm sử dụng. Chấn lưu điện tử cũng nên được thay thế bằng loại chấn lưu sắt từ.

Ngoài ra việc cực kỳ quan trọng là bạn cần phải thay bỏ những bóng đèn bị cũ, yếu do khi đã hết khấu hao, thường chúng sẽ "ngốn" mất nhiều điện hơn.

Và đặc biệt lưu ý không nên bật quá nhiều đèn vào giờ cao điểm và tắt khi đi ra ngoài hoặc không sử dụng đến.

2. Quạt điện

Nên bật quạt ở chế độ quạt vừa phải do càng để quạt ở tốc độ cao thì sẽ càng tốn điện.

Khi không sử dụng, thay vì chỉ tắt công tắc quạt thì bạn nên rút hẳn phích cắm quạt ra khỏi ổ điện sau mỗi lần sử dụng.

Bạn nên lắp đặt quạt trần, vì khi quạt trần hoạt động, sẽ phả gió xuống sàn, gió từ dưới sàn sẽ lan tỏa ra xung quanh, đập vào tường và tỏa ra khắp phòng, mát  và tiết kiệm hơn so với quạt cây.

3. Điều hòa

Không nên bật điều hòa ở nhiệt độ quá lạnh và duy trì nhiệt độ này trong một khoảng thời gian dài.

Mức chênh lệch giữa nhiệt độ trong phòng và nhiệt độ bên ngoài chỉ dao động từ 3-5 độ C sẽ giúp tiết kiệm được nhiều điện năng nhất khi sử dụng.

Tuy nhiên trong những ngày quá nắng nóng, trên 25 độ C là mức nhiệt độ làm lạnh tốt nhất và giúp tiết kiệm điện năng hiệu quả nhất.
Ban đêm khi nhiệt độ ngoài trời giảm, bạn cũng nên tăng nhiệt độ, hẹn giờ ngắt tự động khi phòng đã đủ lạnh hoặc có thể sử dụng quạt điện để thay thế, vừa tiết kiệm và vừa đảm bảo sức khỏe.

Cứ tăng nhiệt độ lên 1 độ C là bạn đã tiết kiệm được hơn 3% điện năng. Ngoài ra thường xuyên lau chùi bộ phận lọc thì sẽ tiết kiệm được từ 5 - 7% điện năng.

Mặt khác không nên lắp đặt điều hòa ở những nơi có nhiệt độ cao, có hơi nước, khói hoặc các loại hóa chất ăn mòn khác.

Không nên bật tắt điều hòa nhiều lần liên tục. Nếu bạn vắng nhà trong khoảng 1h đồng hồ thì mới nên tắt điều hòa đi, và chỉ bật lên sử dụng khi thực sự có nhu cầu.

Sau khi bấm nút tắt bằng điều khiển từ xa, bạn nên ngắt luôn áp - tô - mát, nếu không điều hòa vẫn hoạt động và tiêu hao năng lượng như thường.

4. Tủ lạnh

Không nên mở tủ lạnh thường xuyên, và khi mở xong phải đóng lại ngay. Ngoài ra nên để nguội thức ăn bên ngoài trước khi cho vào tủ.

Tủ lạnh ở các gia đình nên chọn loại vừa phải, vừa với nhu cầu sử dụng do tủ càng lớn càng ngốn nhiều điện. Thông thường các gia đình có 4 người thì nên dùng loại tủ lạnh có dung tích khoảng 102-108 lit là hợp lý.
Tủ lạnh phải được đặt ở nơi thoáng, tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc nơi có nhiệt độ cao như cạnh bếp, lò vi sóng... để quá trình làm lạnh tốt hơn, điện tiêu hao sẽ giảm bớt.

Ngoài ra, bạn nên thường xuyên lau chùi tủi, không nên để tủ đóng tuyết quá dày. Trung bình 1-2 tháng bạn nên rút tủ lạnh ra một lần để lau dọn cho sạch sẽ.

5. Tivi

Luôn để chế độ sáng của màn hình tivi ở mức vừa phải, không quá sáng để vừa tránh hại mắt lại vừa tiết kiệm điện. Đồng thời kích cỡ màn hình tivi cũng nên phù hợp với diện tích nhà và nhu cầu sử dụng, không nhất thiết dùng ti vi to bởi vì càng to thì càng tốn điện.

Ngoài ra, nên chỉnh âm thanh tivi ở mức độ vừa đủ nghe, các dàn âm thanh khác như ampli, loa... cũng tương tự.

Đặc biệt lưu ý, thay vì tắt tivi bằng điều khiển, để tivi ở chế độ chờ (đèn đỏ trên màn hình) thì nên tắt bằng cách ấn nút nguồn ở trên tivi hoặc rút phích cắm ra khỏi ổ điện.

6. Máy giặt

Chỉ dùng máy giặt khi có đủ lượng quần áo để giặt, tránh giặt nhiều lần để vừa tiết kiệm điện, vừa tiết kiệm nước.

Vì việc giặt giũ giờ đây được tiến hành bằng máy, vậy nên, trừ một số loại thực sự phải giặt bằng nước ấm, số còn lại bạn chỉ cần dùng nước lạnh để tiết kiệm năng lượng.

Tương tự các thiết bị trên, bạn nên rút hẳn ổ cắm để tiết kiệm được điện ngay sau mỗi lần giặt.

7. Máy tính để bàn, laptop
Cũng giống như tivi các loại máy tính được sử dụng cũng cần có chế độ sáng của màn hình vừa phải, đặc biệt là máy tính để bàn, dùng chế độ sáng màn hình quá sáng sẽ rất tốn điện.

Nên tắt máy tính nếu như bạn không có ý định dùng trong vòng 15 phút. Hãy chọn chế độ tiết kiệm điện năng trong máy tính (Screen Save) để vừa bảo vệ được máy, vừa giảm được khoảng 55% lượng điện năng tiêu thụ trong thời gian tạm dừng sử dụng máy (down-time).


8. Bàn là

Không nên sử dụng bàn là trong phòng có điều hòa, ngoài ra cần vắt khô quần áo trước khi là do quần áo càng ướt thì thời gian là càng lâu hơn, điện năng tiêu thụ cũng sẽ càng lớn hơn.

Nên thường xuyên lau sạch bề mặt kim loại của bàn là sẽ giúp bàn là hoạt động hiệu quả hơn.

9. Lò vi sóng
Không nên dùng lò vi sóng trong phòng có bật điều hoà nhiệt độ và không nên đặt lò ở gần các thiết bị điện khác. Nếu đặt gần, quá trình hoạt động của lò vi sóng sẽ ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của các thiết bị điện này.

Ngoài ra, giống như tất cả các loại thiết bị điện khác, nên rút phích cắm của lò vi sóng ra khỏi ổ điện khi không sử dụng.

10. Máy bơm

Máy bơm đặt ở vị trí thích hợp sẽ giúp bể nước của bạn nhanh đầy hơn, giúp thời gian hoạt động và điện năng tiêu thụ cũng ít đi.

Khi dùng máy bơm bạn cần nhớ vặn chặt các van nước, thường xuyên kiểm tra và bảo trì các van bởi việc rò rỉ nước sẽ làm tổn hao rất nhiều điện năng sử dụng khi máy bơm hoạt động.

Huyền Trân (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn