Còn ném balo, đuổi du khách xuống đường thì con số 20 triệu du khách nước ngoài chỉ là ước mơ xa vời

Thời sựThứ Sáu, 28/07/2017 17:15:00 +07:00

Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, song mục tiêu này đang ngày càng trở nên xa vời bởi những hành vi vô văn hóa của một bộ phận những người làm du lịch.

Du lịch Việt Nam đang ở đâu?

Ngày 26/7, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một nhân viên nhà xe ném balo, đuối nữ du khách nước ngoài xuống đường.

Đoạn clip trên được một tài khoản nước ngoài đăng lên mạng xã hội facebook và cho biết, sự việc xảy ra trên chuyến xe buýt ở Việt Nam.

Video: Nhân viên nhà xe hành xử côn đồ, chửi bới, đuổi nữ du khách nước ngoài xuống đường

Theo người đăng đoạn clip, sự việc xảy ra ở TP Nha Trang, khi cô cùng nhiều hành khách nước ngoài đang lên xe khách di chuyển vào TP.HCM.

Khi vừa lên xe cô gái này hỏi số ghế và xin được ngồi ghế trên cùng bạn liền bị nhân viên nhà xe quát mắng và đuổi xuống xe.

Dù cô gái và nhiều hành khách đã cố gắng giải thích nhưng nhân viên này vẫn bỏ ngoài tai và liên tục chửi bới, ném balo đuổi cô gái xuống xe bằng được.

“Hắn ném balo của cô gái ra cửa sổ 2 lần và yêu cầu họ xuống xe, thậm chí nắm lấy tay cô ấy. Điều tệ nhất là hắn ta có vẻ say rượu. Chúng tôi chỉ là hạng thứ dân ở đây. Tôi sẽ không bao giờ đến đây du lịch nữa. Trong suốt chuyến đi, tôi không cảm thấy an toàn tí nào", người đăng đoạn clip chia sẻ trên trang cá nhân.

duoidukhach1

Hình ảnh nam thanh niên đuổi khách du lịch nước ngoài xuống khỏi xe. (Ảnh cắt từ clip)

Ngay sau khi được đăng tải, rất nhiều người đã tỏ ra bức xúc và phẫn nộ bởi cách hành xử thiếu lịch sự của người phụ xe với nhóm du khách. Một số bạn đọc cho rằng, dù có gì đi chăng nữa, hành xử của nhân viên nhà xe như vậy là mất hình ảnh đẹp của người Việt với bạn bè quốc tế, đặc biệt những du khách bị quát tháo lại là nữ.

Vụ việc hiện đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ để có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên ngành du lịch Việt Nam xảy ra những vụ việc bê bối tương tự.

Cách đây không lâu, một khách du lịch quốc tịch Hà Lan cũng đã bị hành hung ở Sa Pa (Lào Cai) bởi một nhóm thanh niên người Việt, nguyên nhân ban đầu được xác định do mâu thuẫn từ một vụ va chạm nhỏ về giao thông khi đi đường.

123-1499651820181

Người đàn ông nước ngoài bị đánh đập dã man sau va chạm giao thông ở Lào Cai.

Một khảo sát của Hiệp hội Du lịch Châu Á - Thái Bình Dương công bố năm 2016 cho thấy, có đến 80% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam khi được hỏi đã cho biết, họ không có ý định quay trở lại Việt Nam. Nạn "chặt chém", lừa đảo, hành hung du khách; giao thông không an toàn; thực phẩm bẩn tràn lan; thái độ phục vụ thiếu chuyên nghiệp... là những lý do hàng đầu được các du khách đề cập đến khi giải thích việc “ngán ngẩm” Việt Nam.

Còn theo bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh ngành Lữ hành và Du lịch (TTCI) năm 2017 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 67/136 quốc gia, vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng.

Về “Sự cởi mở đối với quốc tế”, Việt Nam được đề cập đến như là một quốc gia còn nhiều hạn chế, đứng thứ 73/136. Trong đó, “Tính mở cửa song phương vận chuyển hàng không” xếp thứ 40 và “Yêu cầu về thị thực nhập cảnh” xếp thứ 113/136 quốc gia được khảo sát, đánh giá.

Những con số “biết nói” trên đã phần nào thể hiện đúng thực trạng của ngành du lịch Việt Nam hiện nay, trong đó bộc lộ rõ nhất điểm yếu thiếu tính bền vững.

Đừng biến mục tiêu thành ước mơ xa vời

Ngay sau khi nhậm chức, khi đề cập đến chiến lược phát triển kinh tế đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định 3 khu vực của nền kinh tế cần tập trung đẩy mạnh chính là nông nghiệp, du lịch và công nghệ thông tin.

Đây được cho là 3 thế mạnh của Việt Nam và cũng là 3 điểm then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế mà Chính phủ kiến tạo hướng đến.

Theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2016, ngành du lịch nội địa đạt tốc độ tăng trưởng 11,8%/năm, lần đầu tiên đạt 10 triệu lượt khách quốc tế/năm, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 6,1%.

Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2020 thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, đóng góp hơn 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD và cùng với đó sẽ tạo ra khoảng 4 triệu việc làm cho người lao động. Đây là mục tiêu được đưa ra tại Nghị quyết 08-NQ/TW đối với các doanh nghiệp du lịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đạt chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: "Nếu so sánh bức tranh du lịch của Việt Nam với các nước trong khu vực trong đó có Singapore, thì sẽ thấy Singapore là một quốc đảo diện tích nhỏ, dư địa phát triển du lịch không nhiều nhưng vẫn giữ được lượng khách từ 14 - 15 triệu lượt du khách quốc tế.

Trong khi Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng, có thể đạt được con số này và cao hơn thế nếu có chính sách khuyến khích phù hợp tạo điều kiện để du lịch phát triển bùng nổ".

dulich

Nghị quyết 08-NQ/TW đã xác định du lịch là 1 trong 3 lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế của Việt Nam.

Những mục tiêu phát triển du lịch quốc gia mà Chính phủ cũng như ngành du lịch đặt ra là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng mục tiêu này có trở thành hiện thực không khi mà du khách đang dần quay lưng với du lịch Việt Nam bởi những hành vi vô văn hóa của một bộ phận những người làm du lịch, những hành động không tạo nên sự thân thiện, nếu không muốn nói làm ảnh hưởng đến bộ mặt đất nước?

Trả lời VTC News, chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Chúng ta cần phải thẳng thắn nói với nhau rằng, chúng ta đang bị “sốc” văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử. Phải chăng, sự thay đổi của xã hội đã khiến suy nghĩ, thái độ, lối sống và ứng xử giao tiếp giữa người với người, người với thiên nhiên và môi trường sống bị khủng hoảng một cách trầm trọng.

Có thể nhiều người sẽ cho rằng điều này là nói quá, nhưng thực tế hiện nay đã chứng minh bây giờ người ta chỉ biết sống cho mình, làm giàu cho mình và khuếch trương danh tiếng cho mình. Sự hy sinh nhường nhịn là rất ít, sự yêu thương đùm bọc cũng rất hiếm”.

Việt Nam chúng là một địa điểm du lịch, văn hóa, ẩm thực không thua kém bất kỳ một đất nước nào trên thế giới. Vậy thì tại sao, chúng ta lại bị xếp vào top những nước mà đã đi một lần thì không muốn quay lại lần thứ hai?

Video: Thói xấu của người Việt khiến khách nước ngoài 'một đi không trở lại'

Xin trả lời, đó là do văn hóa ứng xử, giao tiếp của chúng ta với người nước ngoài còn chưa đúng chuẩn mực lắm đâu. Không nói đâu xa xôi, cứ nhìn vào thực trạng chèo kéo, "chặt chém", lừa đảo khách du lịch, rồi xô xát với họ... là đủ hiểu. Tất nhiên đây chỉ là thiểu số, song nó cũng ảnh hưởng rất nhiều đến du lịch cũng như hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam”.

Chuyên gia Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng: “Ngược lại thời gian một chút, chỉ cách đây vài năm thôi, người Việt Nam được các du khách nước ngoài đánh giá là thân thiện, dễ gần, thậm chí thích giao lưu với người nước ngoài. Nhưng giờ đây có vẻ như cái tiếng đó đã bị “xoá sổ” bỏ bởi nạn "chặt chém", lừa đảo du khách, thậm chí đánh đấm cả họ khi có va chạm. Vấn đề này cần phải tìm hiểu và làm rõ để chỉnh đốn lại”.

“Tôi nghĩ việc ngành du lịch cần làm gì thì họ cũng đã phải nghĩ và có thể đang triển khai rồi. Cá nhân tôi chỉ quan tâm đến con người, hay cụ thể hơn là văn hoá ứng xử của từng cá nhân. Tôi mong có những sự thay đổi trong giáo dục nhân cách, văn hoá, hiểu biết pháp luật ở người Việt Nam hơn”, ông Vĩ chia sẻ.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn