"Mục sở thị" trường ĐH xin giảm chỉ tiêu tuyển sinh

Tổng hợpThứ Ba, 02/11/2010 07:01:00 +07:00

(VTC News) - Trong lúc hầu như các trường đều tìm cách xin tăng chỉ tiêu đầu vào thì trường ĐH Nghệ thuật Huế lại làm đơn xin được giảm chỉ tiêu tuyển sinh...

(VTC News) - Trong lúc hầu như các trường  đều tìm cách xin tăng chỉ tiêu đầu vào thì trường ĐH Nghệ thuật Huế lại làm đơn xin được giảm chỉ tiêu tuyển sinh...
 

Chúng tôi gặp hiệu trưởng trường ĐH Nghệ thuật Huế- Phan Thanh Bình để tìm hiểu vấn đề có vẻ ngược đời này, ông cho biết, điều trăn trở nhất của ông chính là quyết định làm đơn xin Bộ GD&ĐT cho giảm chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào năm học 2010-2011.

Theo ông Bình thì việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh là để đảm bảo cho các sinh viên được tuyển mới hạn chế cảnh quá căng thẳng về phòng học lý thuyết và thực hành.

Được biết, trường Đại học Nghệ thuật Huế hình thành từ sự hợp nhất hai trường: Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế và trường Quốc gia  Âm nhạc - Kịch nghệ Huế. Năm 1986 Bộ Văn hóa Thông tin quyết định sáp nhập hai trường và đổi tên thành trường Cao đẳng Nghệ thuật Huế. Từ 1994 theo Nghị định 30/CP ngày 4/4/1994 của Thủ tướng Chính phủ, trường đổi tên thành Đại học Nghệ thuật Huế, trường thành viên của Đại học Huế, thuộc Bộ GD&ĐT.

Thực hiện Quyết định của UBND tỉnh TT. Huế, sau khi chia tách Học viện Âm nhạc ra khỏi Đại học Nghệ thuật Huế vào năm 2008, đơn vị đã trả lại toàn bộ cơ sở 1 với diện tích hơn 2 ha và 40 phòng học cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Toàn bộ cán bộ, giảng viên, sinh viên được  dồn lại ở cơ sở 2 với diện tích mặt bằng được cấp là hơn 2,3ha.

Với diện tích khá khiêm tốn như vậy nên trường ĐH Nghệ thuật Huế phải đưa toàn thể khu hiệu bộ, các phòng, ban chức năng, các lớp đại cương vào nhà AN1. Khu vực này rất chật hẹp gây khó khăn cho công tác dạy và học của sinh viên, giảng viên trong trường.

Đưa chúng tôi qua khu thực hành của sinh viên, ông Bình chỉ tay vào những phòng học xuống cấp nghiêm trọng. Phía ngoài hành lang dãy nhà phía trái, chúng tôi được mục sở thị những tác phẩm của sinh viên ngành điêu khắc “đẹp mà không đẹp”. Tất cả những sản phẩm thực hành của sinh viên các khóa do không có phòng chứa nên phải để tràn lan ngoài hành lang, khu vực sân... Do thời tiết ở Huế phức tạp, nhiệt độ cao, ẩm thấp nên hầu như những “đứa con” tinh thần của sinh viên ĐH Nghệ thuật Huế phải “nằm sương hứng gió”. Nhiều sản phẩm rất có tính nghệ thuật cao nhưng bị mối mọt ăn mòn bong tróc ra từng mảng, nhiều hiện vật mẫu cũng chung cảnh rệu rã vì sự tác động của thời tiết.

Không có phòng chứa tác phẩm thực hành của sinh viên phải phơi sương, hứng gió bị mối mọt...
 
Không những thế, để đáp ứng nhu cầu học của sinh viên, lãnh đạo nhà trường phải bố trí sắp xếp dồn hai nhà vệ sinh cải biến, cơi nới thành phòng học cho sinh viên. Còn phòng họp của giảng viên cũng được “ưu ái” làm phòng “đa năng”.

“Những ngày thực hành quá tải, chúng tôi phải sắp xếp cho các em lấy hành lang các dãy phòng học làm phòng thực hành. Việc này nghe có vẻ hơi lạ nhưng chúng tôi chỉ biết sắp xếp như thế mới đáp ứng việc học của sinh viên”, ông Bình kể lại.

Một bạn sinh viên ĐH Nghệ thuật Huế cho biết: "Do phòng học đã xây dựng từ lâu nên nhiều lớp xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, khu vực hành lang để đầy các sản phẩm của khoa Điêu khắc, Mỹ thuật... do không được bảo quản tốt nên bị hư hỏng nặng. Phòng học chật chội khiến sinh viên rất vất vả trong quá trình thực hành trên giảng đường".

Ông Bình cho biết, năm học 2010- 2011, trường chỉ tuyển 160 sinh viên  đầu vào. Lãnh đạo trường cũng rất muốn tuyển thêm nhưng vì không có phòng học nên đành chịu.
 
Toàn bộ hành lang dùng để chứa những sản phẩm của sinh viên.
 

Sự việc giảm chỉ tiêu khiến ban lãnh đạo ĐH Huế thắc mắc nên đã cử một đoàn cán bộ xuống tìm hiểu sự việc. Sau đó, một đoàn công tác đi thẩm định xác nhận tình hình phòng học đúng như báo cáo của lãnh đạo trường ĐH Nghệ thuật Huế nên đồng ý cho những đề xuất của trường xin giảm chỉ tiêu.

Khẩn cấp điều chỉnh tình trạng học “chen",  ĐH Huế chi 350 triệu sửa 4 phòng học để xoá bỏ các phòng xuống cấp và mục nát. Tuy nhiên, tại các phòng thực hành mỹ thuật ứng dụng, chúng tôi thấy do phòng học nhỏ nên nhiều sinh viên phải “né” nhau mà sáng tạo.
 
Hiệu trưởng trường ĐH Nghệ thuật Huế ngao ngán trước những "đứa con" tinh thần bị bỏ rơi.
 

Ngay cả phòng hiệu trưởng làm việc, ông Bình cho biết nó cũng sắp trở thành nơi “sinh hoạt cộng đồng” cho các đoàn học viên đến học và giảng viên trao đổi kinh nghiệm giảng dạy của trường ĐH Nghệ thuật.

Ông Phan Thanh Bình tỏ ra chạnh lòng khi so sánh cơ sở vật chất của một số trường ĐH Nghệ thuật ở TP. HCM và Hà Nội. Các trường ấy có cơ sở vật chất khang trang, được đầu tư toàn diện còn trường mà ông làm hiệu trưởng thì thiếu thốn trăm bề.

Đối với trường khối nghệ thuật thì một phòng học quy định từ 15 – 20 sinh viên nhưng ĐH Nghệ thuật Huế lượng sinh viên học “chèn” lên đến 30 – 40 sinh viên/lớp.

Những trường Đại học thuộc Bộ Văn hóa thể thao và du lịch mỗi năm được cấp kinh phí dao động từ 80 – 120 tỷ đồng, thậm chí một số trường còn vượt chỉ tiêu nói trên. Trong khi đó, Trường ĐH Nghệ thuật Huế (thuộc ĐH Huế), hơn 16 năm qua mới chỉ được ĐH Huế đầu tư hơn 10 tỉ đồng.

Được biết từ năm 2006 trở về trước mỗi năm trường ĐH Nghệ thuật tuyển khoảng 200 – 250 sinh viên mới mỗi năm. Nhưng khóa học 2010 – 2011 trường chỉ dám tuyển 160 sinh viên... sau khi đã làm đơn xin giảm chỉ tiêu vì thiếu phòng học.

 
Trần Viết Long

 Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.

Bình luận
vtcnews.vn