Mục kích công nghệ "xin thay", "xin chạy" ở lễ hội

Thời sựChủ Nhật, 14/03/2010 01:24:00 +07:00

(VTC News) - Cậu bạn tôi tiến đến giáp mặt người phụ nữ. Thấy người quen, người phụ nữ rút lại chiếc nón rách xin tiền rồi nhanh chân lẻn vào đám đông.

(VTC News) - Đến hẹn lại lên, khi lễ hội mở ra cũng là lúc những “đệ tử cái bang” khắp nơi tràn về làm xấu hình ảnh của các lễ hội, gây nhiều phiền toái cho du khách. Điều đáng nói là phần lớn các ăn xin đều là... giả.


Ăn xin... "kêu thay" ở chợ Viềng

Là phiên chợ "bán rủi, mua may" duy nhất ở Việt Nam, cứ đến hẹn lại lên chợ Viềng (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định) luôn thu hút rất đông du khách. Song khi lễ hội mở ra cũng là lúc những “đệ tử cái bang” khắp nơi tràn về khiến  không gian lễ hội vốn chật chội lại thêm nhếch nhác.

Quanh khu vực chợ Viềng nằm trong quần thể Phủ Giầy, trên những bậc cầu thang dẫn lên đền Mẫu Thượng Ngàn trên núi Tiên Hương (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản) luôn thường trực vài chục người ăn xin, tay chìa nón lăm lăm xin tiền người qua lại. Nhiều năm trước, những người ăn xin còn nằm la liệt trên những bậc cầu thang khiến nhiều du khách muốn tìm đường đi cũng khó. Năm nay, họ đã “bảo nhau” xếp thành một hàng dài ngồi bên cạnh bậc cầu thang để không làm cản trở du khách.

Những người ăn xin ở Chợ Viềng (Vụ Bản), cả người già và trẻ em thường xếp thành hàng dài để xin tiền.

Theo kinh nghiệm của một người dân địa phương đi lễ thì: “Nhìn thấy ai tàn tật thì hãy cho, nhiều người lành lặn còn có nhà mấy tầng ở dưới kia kìa”, nói rồi cậu bạn chỉ tay về phía ngôi làng nằm gần quả núi mới thấy nhà cửa san sát, khang trang.

Chứng kiến một cậu bé tàn tật đang nằm co ro trong một chiếc lều dựng tạm, nhiều người đã rơi nước mắt, không ngần ngại rút một ít tiền tiền lẻ đặt vào cái rá nhỏ để giúp gia đình cậu bé làm phúc. Cách đó không xa là một cậu bé khác nhưng tính tình ngỗ ngược nên không được nhiều người cho tiền. Cậu bé trông rất khỏe mạnh nhưng ăn mặc có phần rách rưới và luôn miệng xin tiền người qua đường. Thậm chí cậu còn liên tục chỉ vào những người khách đi đường với những lời lẽ xin chẳng giống ai: “Chú ơi, chú bảo anh kia cho cháu cái hộp đó đi. Cho đi”.

Ngồi cạnh cậu bé là một phụ nữ đứng tuổi, khỏe mạnh cũng luôn miệng kêu xin thay cho đứa trẻ: “Tội nghiệp thằng bé. Các bác làm ơn cho thằng bé một đồng, một hào”. Anh bạn người địa phương đi cùng tác giả khẳng định: “Họ là hai mẹ con đấy, không xa lạ gì đâu. Họ ăn xin quen mặt ở khu vực này từ nhiều năm nay rồi”. Để chứng minh, cậu bạn tôi tiến đến giáp mặt người phụ nữ. Ngay lập tức, thấy người quen, người phụ nữ rút lại chiếc nón rách xin tiền rồi nhanh chân lẻn vào đám đông, đi chỗ khác.

Trung tá Trần Xuân Trường (Phòng hỗ trợ hành tư pháp, CA tỉnh Nam Định), người nhiều năm làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh của chợ Viềng cho biết: đối với những người ăn xin thì không có chỉ đạo phải dẹp vì họ thường ngồi sát vào lề đường nên không ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự chợ Viềng. Lực lượng an ninh cũng thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn họ ngồi đúng vị trí không tràn lan ra đường để không gây cản trở giao thông, gây mất mỹ quan của lễ hội.

Ăn xin... chạy ở Hội Lim

Năm nay, nếu nhìn thoáng qua nhiều du khách sẽ lầm tưởng hội Lim vắng bóng những “đệ tử cái bang”. Tuy nhiên để ý kỹ mới thấy, các "đệ tử cái bang" này hoạt động có phần tinh vi hơn những năm trước.

 Hội Lim năm nay vẫn còn xuất hiện những "đệ tử cái bang".

Khi thấy lực lượng chức năng đến, những người ăn xin thường giả danh là người bán hương, bán đồ lưu niệm để che mắt. Bóng bảo vệ vừa khuất, tình hình đâu lại vào đấy, ăn xin tràn ra đường để xin lòng thương của khách. Thường đứng sau những người ăn xin luôn có kẻ “dẫn đường”. Nếu thấy bóng dáng của công an, bảo vệ những ăn xin này lập tức ra hiệu cho “đệ tử cái bang” ngừng hoạt động và... giải tán.

 Khi thấy động, các "cái bang" lại rủ nhau thay đổi vị trí.

Theo quan sát của phóng viên, năm nay ăn xin đa phần là trẻ nhỏ. Chốc chốc những đứa trẻ này lại thay đổi địa điểm để lẩn tránh các cơ quan chức năng và cũng để tìm những cơ hội xin tiền khác. Chúng tôi đặc biệt chú ý đến hai đứa trẻ ăn xin ở giữa khu vực đường Tiên Du dẫn lên đồi Lim. Đứng đằng sau hai đứa trẻ này là một người phụ nữ làm nhiệm vụ chỉ đạo và cũng là để cảnh báo khi có lực lượng công an. Chờ bóng công an đi qua, chỉ bằng một cái "nháy mắt, hất cằm" của kẻ chỉ đường những đứa trẻ ăn xin lại tiếp tục công việc.

 Tiền kiếm được phải được xếp gọn gàng đưa cho kẻ "chỉ dẫn" đứng sau.
Chỉ cần một cái nháy mắt, những em nhỏ ăn xin lại tiếp tục công việc trong nắng gắt

Cách khoảng 15 phút, người phụ nữ này lại ra hiệu cho hai đứa trẻ di chuyển địa điểm đến khu vực đông người qua lại ở gần đó để xin tiền. Sau khi kiếm được chút tiền, hai đứa trẻ  ngồi đếm cẩn thận, xếp gọn gàng rồi đưa cho “người dẫn” sau đó lại cầm rá không tiếp tục hành nghề.

Cuối buổi chiều khi hội Lim cũng chuẩn bị kết thúc, người đi chơi hội cũng đã về quá nửa thì những người ăn xin cũng rủ nhau khăn gói ra về. Với số tiền kiếm được, các đối tượng này thường không chia luôn tại khu vực lễ hội mà hẹn nhau đến địa điểm tập kết sẽ quyết định.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Hoàng (Chủ tịch UBND Thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh) lại cho rằng tình hình an ninh trật tự năm nay ở Hội Lim tốt hơn nhiều so với năm trước. Tình trạng ăn xin tràn ra đường vẫn xảy ra nhưng ít hơn hẳn. Tuy nhiên lực lượng an ninh thị trấn cũng kết hợp với phòng LĐTBXH điều một xe chuyên dụng để mời hết những người ăn xin về trụ sở và hỗ trợ cho mỗi người 15 nghìn.

Song ông Hoàng khẳng định vẫn còn một số đối tượng ăn xin  hành nghề "chớp nhoáng". Khi thấy lực lượng chức năng các đối tượng bỏ chạy hoặc lẩn đi chỗ khác đúng như PV đã phản ánh.  Những đối tượng này gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng nếu muốn xử lý triệt để. "BTC sẽ rút kinh nghiệm và khắc phục những tồn tại và hạn chế từ năm vừa qua để tổ chức Hội Lim năm sau được tốt hơn", ông Hoàng khẳng định.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn