Mực giả nghi làm bằng cao su vừa bị bắt: Chỉ tiêu hủy sẽ không triệt để

Sức khỏeThứ Năm, 10/12/2015 04:45:00 +07:00

Mực khô nghi giả vừa bị bắt tại Cà Mau, các chuyên gia cho rằng để triệt để giải quyết cần kiểm nghiệm mẫu mực đó.

(VTC News) – Mực khô nghi giả vừa bị bắt tại Cà Mau, các chuyên gia cho rằng để triệt để giải quyết cần kiểm nghiệm mẫu mực đó.

Chiều 9/12, Công an TP. Cà Mau vừa tiếp nhận hồ sơ từ Công an phường 5 về vụ việc một đối tượng ở Sóc Trăng chở khô mực bán với giá cực rẻ, nghi được làm giả bằng cao su, với tang vật là nhiều ký mực khô.

Công an phát hiện Nguyễn Văn Lẹ (30 tuổi, ngụ thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) chở khô mực với số lượng khá lớn từ Sóc Trăng về đường Hùng Vương (phường 5, TP Cà Mau) để bán dạo với giá không tới 300.000 đồng/kg.

Người dân ở đây cho biết giá mực Lẹ bán rẻ bằng nửa giá thị trường, nhìn thì ngon nhưng nướng lên thì không ăn được. Vì vậy, cơ quan  công an đã mời Lẹ về phường kiểm tra và tạm giữ số hàng hóa của Lẹ để kiểm nghiệm.

 Mực nghi làm bằng cao su bị bắt và tiêu hủy ở Cà Mau
Trao đổi với VTC News, PGS. TS. Hồ Phú Hà, trưởng bộ môn Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách Khoa cho biết: "Để biết được đó có phải mực giả hay không, cần có xét nghiệm chứ không thể dựa vào cảm quan. Nếu muốn biết rõ, mực đó giả từ đâu, cần gửi đến cho chúng tôi mẫu. Chúng tôi sẽ phân tích và trả lời dựa trên những chứng cứ cụ thể".

Đồng quan điểm, PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia thực phẩm cho rằng: Cách duy nhất để biết là mực giả hay không cần lấy mẫu đó đi kiểm tra. Nếu chỉ tịch thu rồi tiêu hủy thì không có ý nghĩa gì và làm như vậy không triệt để.

Trao đổi trên báo chí, một chuyên gia cho rằng, nếu người tiêu dùng vô tình ăn các loại thực phẩm làm giả từ nhựa và cao su. Sau một thời gian dài sẽ dẫn đến mất trí nhớ, thần kinh không ổn định, và những vấn đề về não, hoặc gây đau dạ dày, ung thư, chảy máu dạ dày... 

Loại nhựa tổng hợp làm ra những loại thực phẩm giả này cũng rất độc hại đối với cơ thể người, về lâu dài sẽ gây ra những tác hại khôn lường. Ăn những chất độc này là một trong những yếu tố gây ra sai lệch, và biến dị các nhiễm sắc thể, phụ nữ có thai sử dụng có thể bị ảnh hưởng lên sự phát triển của bào thai, sinh con quái thai, dị dạng.

Video mực nghi giả

Nguồn: VTC14

Trước đó, thông tin mực nghi giả làm từ cao su cũng nhiều lần làm xôn xao dư luận. Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã chỉ đạo giải quyết.

Báo cáo kết quả kiểm soát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm mực khô trên địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu, cho thấy: Kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng (kiểm nghiệm chỉ tiêu Protein và chỉ tiêu chất xơ) và an toàn sản phẩm (Chất bảo quản, phẩm màu kiềm, chỉ tiêu vi sinh) của mẫu mực khô xé sợi không phát hiện thấy mực “cao su”, “mực cenlulose” trên địa bàn tỉnh.

Mẫu sản phẩm kiểm nghiệm có nguồn gốc từ động vật, không có chất xơ, không chứa phẩm màu công nghiệp. Chất bảo quản sản phẩm trong danh mục và giới hạn cho phép; các chỉ tiêu vi sinh vật trong mẫu đều đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Tuy nhiên, khi đơn vị này kiểm tra 135 cơ sở, nhiều cơ sở không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ mực. Bản thân ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng cục ATTP vẫn luôn cảnh báo: Mua sản phẩm cần có nhãn mác xuất xứ hàng hóa và mua ở nơi tin cậy.

 
Kiến Hoàng

Bình luận
vtcnews.vn