Mùa mưa tới, người dân đối mặt hiểm họa từ lô cốt

Thời sựThứ Tư, 23/06/2010 06:30:00 +07:00

(VTC News) – Trước đây, đã từng xảy ra một số vụ gây chết người từ việc sập bẫy lô cốt, như vụ bé Võ 7 tuổi đi tìm anh bị sập hố ga tử vong vào tháng 1/2009.

(VTC News) – Theo thống kê mới nhất từ Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, hiện trên toàn địa bàn TP vẫn còn khoảng 120 rào chắn (lô cốt) tồn tại trên 56 tuyến đường. Số lô cốt này phục vụ cho khoảng 12 công trình trọng điểm khác nhau của TP, chủ yếu là các dự án hệ thống thoát nước và nâng cấp đô thị.

Tại TP.HCM, chỉ trừ quận 3 lô cốt ít hơn, còn lại các quận 5, 6, 8, 11, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Tân… các lô cốt xuất hiện ngày càng dày đặc, chiếm gần hết  vị trí lưu thông của người đi đường, thậm chí cả lề đường của người đi bộ.

Trước đây, đã từng xảy ra một số vụ gây chết người từ việc sập bẫy lô cốt. Vào 3h sáng ngày 1/1/2009, trong lúc đi tìm người anh của mình tại khu vực cầu Trần Khánh Dư (Q.1), bé Ngô Văn Võ (7 tuổi, ở quận 7) đã bị lọt vào miệng hố ga không đậy nắp và tử vong ở khu vực kênh Nhiêu Lộc. Thời điểm xảy ra tai nạn là ban đêm nên không ai để ý, cho đến trưa ngày 2/1/2009, người dân mới phát hiện xác bé Võ nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Khi đó, nhiều người dân vô cùng bức xúc với sự cẩu thả của nhà thầu thi công.

Người đi đường khó chịu vì bụi bay mù mịt do các lô cốt gây ra (ảnh chụp tại lô cốt đường Hòa Bình sáng 21/6: N.D) 

Có những đoạn đường rất ngắn như đoạn Hòa Bình (ngay trước cổng công viên văn hóa Đầm Sen, Q.11) đến ngã 4 Hòa Bình – Lũy Bán Bích (quận 11) chỉ dài khoảng hơn 1km, nhưng đã có đến 3 lô cốt của cùng 1 dự án cải tạo hệ thống thoát nước đoạn Tân Hóa – Lò Gốm xuất hiện. Những lô cốt này đã phá hỏng hoàn toàn các vỉa hè bên cạnh với rất nhiều ổ gà, ổ voi, gạch đá lởm chởm, tạo nên sự khó khăn cho người đi đường và những người dân sống tại khu vực này.

Chị Nguyễn Thu Hằng (người dân sống tại khu vực đường Hòa Bình) bức xúc nói: “Chúng tôi chấp nhận chuyện họ đào đường, gây ngập, kẹt xe…Tất cả vì TP tương lai tốt hơn. Nhưng chúng tôi không chấp nhận chuyện họ rào chắn sơ sài, đào đường cẩu thả, không lấp lại kĩ càng gây nguy hiểm cho người đi đường”.


Tại vị trí rào chắn trên đường Bùi Hữu Nghĩa (đoạn ngay trước cổng THCS Lam Sơn, quận Bình Thạnh), thường xuyên có rất nhiều nước thải ra mặt đường, cho dù bất kể là ngày hay đêm, làm nhiều người đi đường đã bị té ngã vì trơn trợt khi đi ngang qua. Đây cũng là khu vực ngay sát chợ Bà Chiểu (một trong những ngôi chợ lớn của TP), khu vực tập trung rất nhiều trường học, trụ sở cơ quan Nhà nước, nên lưu lượng xe cộ qua lại rất lớn.

Mặt đường Bùi Hữu Nghĩa đã bị băm nát thảm hại do các lô cốt 

Ngoài ra, khi những lô cốt rút đi, để lại  một mặt đường loang lổ, hố gas trồi lên thụt xuống cũng là vấn đề người dân than phiền với các cơ quan chức năng. Bác Nguyễn Hữu Tâm (nhà ở đường Phan Văn Hân – quận Bình Thạnh) nói: “Thường thì đi vào mùa nắng còn đỡ, đi ra đường vào mùa mưa thì đúng thiệt là hên xui. Té lúc nào cũng không biết…”

Kể lại với chúng tôi, bác Tâm còn chưa quên mình cũng đã từng là nạn nhân của việc “lô cốt đi qua, ổ gà, ổ voi ở lại”. Lần đó vào tháng 9/2009, khi đi đến chợ Bà Chiểu để mua đồ ăn buổi chiều trong một cơn mưa rào, bác Tâm đã bị té ngã ngay trước cổng trường THCS Lam Sơn chỉ vì đường trơn, trời mưa to mà lại vướng một “ổ voi” thật to, tay lái xe máy lại không “cứng” do tuổi đã khá cao.

Một đoạn đường khác cũng đầy lô cốt, nhưng gạch đá cũng rải đầy, bị băm nát thảm hại, không có rào chắn an toàn, máy cày xới đất để ngay giữa đường, người đi đường có thể thấy rất rõ những gì đang làm ở bên trong, là đoạn đường Lê Văn Sỹ (kéo dài từ ngã tư Trần Quang Diệu, Q.3 cho tới tận khu vực Lăng Cha Cả, quận Tân Bình). Theo ghi nhận của VTC News, tại đoạn đường dài khoảng hơn 3km nói trên có 4 lô cốt thuộc dự án cải thiện môi trường nước TP. Lô cốt nào cũng đã hết hạn thi công vài tháng (chưa thấy ghi thời gian gia hạn) mà không thấy sự “hỏi thăm” của các ngành chức năng.

Một lô cốt trên đường Lê Văn Sỹ - quận 3 thi công không có rào chắn bảo vệ, nguy hiểm cho người đi đường (ảnh chụp sáng 22/6: N.D) 

TP.HCM đã có văn bản quy định các nhà thầu thi công phải ký quỹ 100% giá trị dự toán xây lắp để tái tạo lại mặt đường. Nếu nhà thầu nào chây lì hoặc chậm trễ trong việc hoàn trả mặt đường, hay trả mặt đường không đạt yêu cầu, UBND các quận - huyện hoặc các khu quản lý giao thông ngoài có quyền xử phạt, còn có quyền sử dụng số tiền ký quỹ nào để thi công hoàn thiện việc tái tạo mặt đường. Thế nhưng, cho đến nay, rất nhiều mặt đường tại TP khi “lô cốt đi qua là ổ gà, ổ voi ở lại”.


Theo Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM – ông Lê Trung Việt, mỗi tuần, Thanh tra Sở đều có chia nhau đi kiểm tra, lập biên bản nhắc nhở và xử phạt tiền cả ngàn trường hợp, trong đó rất nhiều nhà thầu đã bị buộc phải đình chỉ thi công, nhưng cho đến nay, “tình trạng vẫn không tiến triển khả quan là bao nhiêu”.

Thanh tra Sở GTVT TP.HCM cũng đã từng khẳng định: Sẽ không nương tay, xử lý hình sự  đối với nhà thầu nào thi công gây ra tai nạn chết người. Thế nhưng, cho đến nay, vẫn chưa có vụ việc cụ thể nào được đưa ra để xử lý theo như thông tin nói trên.

Thiết nghĩ, nếu các cơ quan quản lý Nhà nước không mạnh tay hơn trong công tác nhắc nhở, xử lý các sai phạm thì những vi phạm nói trên sẽ còn kéo dài, người dân sẽ còn tiếp tục chịu khổ, sẽ có thể bị mắc bẫy từ các lô cốt giăng sẵn, nhất là khi mùa mưa đã tới.


Việt Dũng

Bình luận
vtcnews.vn